Viện Robert Koch (RKI), cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đức, hôm nay báo cáo 513 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Bayern, bang lớn nhất của Đức, vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm 26% số ca nhiễm và 29% số ca tử vong của cả nước.
Đức hiện là vùng dịch lớn thứ 8 thế giới, nhưng tỷ lệ tử vong là 4,6%, thấp hơn nhiều so các vùng dịch khác trên thế giới. Hệ số lây nhiễm (hay R0) trung bình 4 ngày gần nhất của Đức đã giảm từ 0,94 xuống 0,91, theo RKI ngày 18/5. Hệ số dưới 1 được xem là an toàn để nới phong tỏa và mở cửa kinh tế.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện Helios ở Đức hồi tháng 3. Ảnh: Chinadaily.
Chính quyền Thủ tướng Angela Merkel áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ tháng 3 nhằm ngăn nCoV lây lan. Các biện pháp hạn chế đi lại, xét nghiệm rộng rãi cùng sự đồng lòng của phần lớn người dân đã giúp Đức kiểm soát dịch tương đối tốt và có tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều nước châu Âu.
Từ ngày 20/4, 16 bang khắp nước Đức từng bước dỡ bỏ lệnh hạn chế ở các mức độ khác nhau. Đức cũng bắt đầu nới lỏng kiểm soát biên giới với một số nước láng giềng từ ngày 16/5, mục tiêu là nối lại việc đi lại tự do ở châu Âu từ giữa tháng 6.
Trước đó, Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel cùng đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã thông qua gói cứu trợ 820 tỷ USD để giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với kinh tế nước này.
Hôm 18/5, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất thành lập quỹ 500 tỷ euro (gần 550 tỷ USD) nhằm thúc đẩy sự phục hồi của Liên minh châu Âu hậu khủng hoảng Covid-19.
Nguồn: Thanh Tâm
VnExpress
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000