Theo một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Viện nghiên cứu kinh tế IFO tại Munich, 54% doanh nghiệp ở nước này có ý định duy trì phương thức làm việc từ xa và củng cố hình thức làm việc tại nhà thành một trong các cấu trúc của họ.
Người Đức sẽ ở vẫn làm việc từ xa ngay cả sau đại dịch. (Ảnh: spiegel)
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhiều khả năng trong tương lai, một mô hình lai sẽ được phát triển kết hợp các hoạt động cả trong văn phòng và tại nhà.
Vì đại dịch Covid-19, nhiều người Đức đã thay đổi phương thức làm việc của họ. Chế độ làm việc này sẽ tồn tại trong một thời gian dài, hoặc họ sẽ phải quay trở lại văn phòng để làm việc.
Ông Oliver Falk, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu kinh tế công nghiệp và công nghệ mới của IFO đã đưa ra dự báo: “Phương thức làm việc mới này nhiều khả năng sẽ không bị hủy bỏ hoàn toàn”.
Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây cho thấy hiện tại 3/4 công ty đã cho phép một phần nhân viên của họ làm việc tại nhà trong cuộc khủng hoảng. Do đó, cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra đã dẫn đến một sự thay đổi kéo dài.
“Bây giờ người Đức sẽ không phải dành nhiều thời gian đi lại trên đường, và có thể thoải mái mặc trang phục ưa thích ở nhà, cũng như tận hưởng những phút giây thư thái với máy pha cà phê gia đình. Đối với nhiều người triển vọng này thoạt nhìn có vẻ hấp dẫn, nhưng không phải cho tất cả mọi người”, tờ Bild viết.
Theo nghiên cứu của Quỹ Hans Böckler, 68% phụ huynh thừa nhận rằng làm việc từ xa là căng thẳng đối với họ. Và không chỉ cha mẹ phải lo lắng vì công việc ở nhà, 28% những người không có con cũng coi làm việc từ xa là gánh nặng.
Viện nghiên cứu kinh tế IFO cho biết, trong tương lai các công ty sẽ chuyển sang “một hệ thống làm việc hỗn hợp, dẫn đến mô hình công việc đặc biệt sẽ phổ biến rộng rãi, kết hợp thời gian ở văn phòng với công việc tại nhà”.
Mới đây, Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil đang nghiên cứu luật pháp để cho nhân viên quyền làm việc văn phòng tại nhà ngay cả khi khủng hoảng Covid-19 kết thúc.
“Một người nào đó muốn thì người sử dụng lao động phải cho phép làm việc văn phòng tại nhà – ngay cả khi đại dịch Covid-19 kết thúc”, ông Hubertus cho biết.
Bộ trưởng Hubertus cho biết ông sẽ đưa ra dự luật vào cuối năm nay để giữ quyền làm việc tại nhà hợp pháp, với quy định các nhân viên được phép làm việc văn phòng tại nhà toàn bộ hoặc một hoặc hai ngày một tuần.
Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz đã ủng hộ ý tưởng này. Ông nói: Thực tế những tuần qua cho thấy mức độ khả thi khi làm việc tại nhà – đây là một thành tựu thực sự mà chúng ta không nên từ bỏ.
Trong khi đó, chính quyền bang Hessen đã hành động nhanh hơn. Trong một tuyên bố ông Michael Boddenberg – Bộ trưởng toàn quyền bang Hessen có kế hoạch giới thiệu việc giảm thuế cho những người tiếp tục làm việc tại nhà. “Trong một năm, một nhân viên làm việc ở xa sẽ có thể tiết kiệm tới 600 euro tiền thuế”, Bild cho biết.
Trước đó, Google đang cung cấp khoản trợ cấp 1.000 USD cho nhân viên để giúp họ mua máy tính, đồ nội thất văn phòng và các thiết bị khác cần thiết cho công việc từ xa. Khoản trợ cấp này sẽ giảm bớt gánh nặng cho các nhân viên không có sẵn mọi thứ mà họ cần để phục vụ công việc. Đây là một phần trong lộ trình mà CEO Sundar Pichai của Google vạch ra trước đó khi công ty cho phép hầu hết nhân viên làm việc tại nhà trong thời gian còn lại của năm 2020.
Được biết, Google không phải là công ty duy nhất cho phép nhân viên làm việc từ xa, bao gồm những cái tên như Facebook và thậm chí là Twitter cho phép hầu hết nhân viên làm việc tại nhà vô thời hạn.
Mặc dù vậy, Google vẫn cho phép các nhân viên đến làm việc tại các văn phòng, tuy nhiên chỉ được giới hạn lượng nhân viên có mặt ở văn phòng khoảng 10%. Một công nhân cũng chỉ có thể đến văn phòng làm việc 1 lần/2 tuần. Số lượng nhân viên có mặt này dự kiến sẽ đạt 30% vào tháng 9 nếu mọi việc diễn ra một cách suôn sẻ.
Nguồn: vietnamnet
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000