Dòng người tị nạn đội mưa và rét xếp hàng đăng ký thủ tục xin tị nạn ở quận Moabia – Ảnh: Duy Bình
Cuộc sống của họ ở Đức như thế nào? Phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt tại Đức để tìm hiểu câu chuyện này.
“Người tị nạn… người tị nạn… người tị nạn…” – đó là chủ đề bàn tán số 1 của dân Đức ở mọi nơi, trên taxi, quán nhậu, quán ăn, tiệm cà phê… trong những ngày chúng tôi có mặt tại Đức.
Xếp hàng dưới trời giá rét
Berlin – thủ đô nước Đức – những ngày giữa tháng 10 trời lạnh cắt da cắt thịt, mưa đổ dầm dề nhiều ngày liền. Đối với những người tị nạn đến từ châu Phi hay Trung Đông thì tiết trời lạnh giá, mưa phùn này thật không dễ chịu chút nào.
Nhưng bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết và hành trình dài hàng ngàn cây số đầy gian truân, bất trắc, dòng người tị nạn vẫn ào ạt đổ đến nước Đức. Theo thống kê của các cơ quan chức năng Đức, mỗi ngày trong tháng 10 nước Đức đón 5.000 – 10.000 người tị nạn.
… 8g tối tại con đường gần một điểm đăng ký dành cho người tị nạn thuộc quận Moabit (Berlin), hàng trăm người xếp hàng dưới thời tiết lạnh giá để chờ đợi Trung tâm đăng ký LaGeso mở cửa vào 5g sáng.
Vì lượng người đăng ký quá đông nên những người này buộc phải đứng ngoài trời thâu đêm. Họ nhích từng bước chân để mong được trở thành những người đầu tiên của ngày hôm sau hoàn thành thủ tục đăng ký tị nạn, bắt đầu chặng đường dài xin ở lại Đức.
5g sáng, Trung tâm đăng ký LaGeso bắt đầu mở cửa. Dòng người mệt mỏi lũ lượt nối đuôi nhau mong chờ đến lượt mình.
Trời lạnh khoảng 2OC, mưa rả rích khiến khu đất, trên nền một bệnh viện cũ ở quận Moabit được cải tạo và sử dụng làm địa điểm đăng ký, trở thành một bãi sình lầy lội, nhếch nhác.
Người lớn có trẻ con đi cùng không biết gửi con chỗ nào phải để cho chúng xếp hàng chung. Những đứa bé gương mặt ngơ ngác, người ướt sũng nước, tay chân run cầm cập vì rét.
Khung cảnh thêm não lòng với đủ loại âm thanh của tiếng trẻ con khóc, tiếng cãi nhau vì chen lấn, tiếng la ó bực bội bởi phải xếp hàng quá lâu giữa tiết trời lạnh giá…
10g sáng, một số người, chủ yếu phụ nữ, mất kiên nhẫn đã bỏ hàng, gương mặt họ và những đứa trẻ đi cùng tái nhợt vì lạnh. “Tôi không thể chờ đợi được nữa, tôi cần một chỗ ấm hơn” – một phụ nữ hét lớn. Tình hình trông có vẻ tồi tệ, cơn giận có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Hyba – cô gái 27 tuổi đến từ Syria – cùng hai đứa con trai, một chỉ mới 11 tháng tuổi nằm trong xe đẩy và một 8 tuổi “trút” nỗi lòng với chúng tôi bằng tiếng thở dài: “Tôi đã quá mệt mỏi vì chờ đợi nhiều ngày rồi”.
Hyba bỏ ra 9.000 euro (khoảng 225 triệu đồng) cùng hai con trai lên tàu vượt biển Địa Trung Hải, băng qua nhiều quốc gia châu Âu trước khi đến Đức.
Cô cho biết không thể tiếp tục ở lại Syria vì bom đạn có thể giết chết cô và những đứa con bất cứ lúc nào. Cô đã đến thủ đô Berlin nhiều ngày rồi nhưng không thể nào chen chân vào dòng người xếp hàng dài đằng đẳng để hoàn tất thủ tục đăng ký ban đầu.
Hyba tâm sự: “Có lẽ tôi không thể chờ đợi nữa. Mọi thứ ở đây quá hỗn độn, không như tôi tưởng tượng trước khi rời Syria”. “Thế chồng chị đâu?”. Hyba đáp: “Anh ấy đang ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi hẹn gặp nhau trên đất Đức”.
Sở dĩ Hyba và chồng tách nhau vì hành trình đến Đức của cô sẽ trở nên dễ dàng và nhận được sự cảm thông nhiều hơn khi bên cạnh cô chỉ có hai đứa trẻ.
Những khu “lều khẩn cấp” mọc lên nhiều nơi trên đất Đức – Ảnh: B.Kietzmann
Lều “khẩn cấp”
Đăng ký (khai tên tuổi, quốc tịch, lý do đến Đức…) là việc đầu tiên mà người tị nạn cần làm trên đất Đức. Sau khi hoàn thành thủ tục này, người tị nạn sẽ được đưa đến “trại khẩn cấp” – nơi họ ở lại trong vài tuần hoặc vài tháng để các cơ quan chức năng Đức kiểm tra hồ sơ.
Tại đây, họ được cung cấp chỗ ngủ, thực phẩm và sinh hoạt phí mỗi người khoảng 160 euro (hơn 4 triệu đồng)/tháng. Sau giai đoạn này, người tị nạn sẽ được phân bổ đến những trại khác nhau trên khắp đất Đức.
Khu “trại khẩn cấp” LaGeSo nằm ở quận Moabit được xây dựng trên một sân vận động cũ. Nói chính xác đây là khu lều.
Vì người tị nạn đến quá đông, nước Đức không còn nhiều chỗ trống ở các khu nhà nên người ta buộc phải dựng lều để người tị nạn sống tạm bợ trong khi làm thủ tục đăng ký ban đầu.
Các kỹ sư Đức sử dụng công nghệ bơm khí, dựng lên một cái lều to tướng với bên trong có nhiều phòng ngủ, mỗi phòng rộng khoảng 12m2 cho sáu người.
Đàn ông và phụ nữ được tách riêng. Trong lều còn có phòng cầu nguyện, khu sinh hoạt chung, khu trò chơi… Toàn nước Đức hiện tại có khoảng 20 khu lều tương tự.
Khu lều này được bảo vệ nghiêm ngặt để đảm bảo sự riêng tư và an toàn cho người tị nạn với bề rộng ở cổng vào chỉ đủ một người bước qua. Thậm chí các cơ quan chức năng ở Đức cũng hạn chế tối đa việc cấp phép cho giới truyền thông tham quan lều và phỏng vấn người tị nạn.
Trong lều có lò sưởi, rất ấm, trái với khung cảnh hàng ngàn người đội mưa và chịu rét xếp hàng chờ đăng ký ở bên ngoài. Khi chúng tôi bước vào, có một nhóm người đang chơi trò banh bàn, hình như đó là các thành viên trong cùng một gia đình.
Trong lều mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp, tươm tất và sạch sẽ. Khu lều LaGeSo chứa khoảng 200 người và có trung bình 20 tình nguyện viên thay nhau phục vụ. Công việc của các tình nguyện viên là nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ, chăm sóc y tế…
Người Đức chu đáo trong từng bữa ăn của người tị nạn. Chẳng hạn thực đơn cho người theo đạo Hồi tuyệt đối không có thịt heo.
Người dẫn chúng tôi đi tham quan lều nói rằng họ quan tâm tới những chi tiết nhỏ nhất để người tị nạn hiểu rằng họ luôn được đối xử tôn trọng như những người bình thường khác.
Ở bên vách khu vực giữa lều là nơi người ta dán thông báo chung cho tiện việc sinh hoạt bằng bốn thứ tiếng gồm Anh, Ả Rập, Serbia và Nga. Mắt chúng tôi đã nhòe đi khi đọc những dòng thông tin và ảnh tìm người thân mất tích trên hành trình đến Đức, trong đó chủ yếu là người già và trẻ em.
Trên bảng thông báo là ảnh một bé gái 4 tuổi mất tích khi tàu chìm trên biển Địa Trung Hải, ảnh ba phụ nữ chừng 60 tuổi lạc gia đình khi họ chen lấn tìm cách lên tàu lửa… Cơ may để tìm thấy họ thật quá mong manh!
Mục tiêu lớn nhất của chính quyền Đức là bảo đảm cho người tị nạn được sống khi họ đặt chân đến Đức. Ông Christian Hanke – một trong những quan chức của thành phố Berlin – nói: “Trước khi chúng tôi xác định rõ người tị nạn có đủ điều kiện ở lại Đức lâu dài hay không thì họ phải được đối xử nhân đạo. Nói một cách khác, người tị nạn phải đảm bảo được sống, được đối xử nhân đạo khi đặt chân đến Đức”.
Duy Bình/tuoitre
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000