Những chuyện ly kỳ về Ông già Cát

Tuổi thơ của trẻ em Đức gắn liền với chương trình truyền hình thiếu nhi có nhân vật Ông già Cát đến chào trẻ con trước khi đi ngủ.

Khi nước Đức còn chia cắt, trẻ em Đức từng phải chấp nhận có hai Ông già Cát. Số phận của hai “Ông già” đặc biệt này hiện ra sao?

20 năm kể từ khi hai miền Đông - Tây Đức tái hợp nhất, người Đông Đức cũ vẫn luyến tiếc nhiều kỷ niệm ngày xưa như hệ thống vườn trẻ dàn trải khắp nước, bảo hiểm y tế cơ bản miễn phí hay một nền công nghiệp đứng trong top 10 thế giới. Những chi tiết “cỏn con” như Ông già Cát thường chỉ đọng lại trong trí nhớ của trẻ em, song ai mà chẳng có những kỷ niệm ấu thơ khó thể nào quên! Và thực ra hình tượng thân thiện trên màn ảnh nhỏ này không phải là một sáng tạo mới mà đã có hàng trăm năm tuổi: Chính các cây bút cổ tích nổi tiếng như E.T.A. Hoffmann (1776-1882) hay Hans Christian Andersen (1805-1875) đã đem lại cho trẻ em nhân vật dễ thương ấy.

Vật đổi sao dời, hoặc cũng có thể trí nhớ con người quá ngắn: Hiện nay ít ai nhớ ra một phát minh nào được coi là đặc thù CHDC Đức, song hễ nhắc đến Ông già Cát thì người Đức đều ồ lên vui vẻ, Đông cũng như Tây. Vì mỗi bên đều có một Ông già Cát của riêng mình! Cả hai đều có chòm râu nhọn bạc phơ và đội mũ mềm.

Năm 1959, nữ phóng viên Ilse Obrig cùng họa sĩ làm búp bê Johanna Schueppel ở Kênh (Tây) Berlin Tự do sáng tác ra hình tượng Ông già Cát để đầu tháng 12 lên sóng. Song đài truyền hình CHDC Đức (cũ) đã nhanh chân hơn và phát chương trình Ông già Cát của chúng ta lần đầu tiên vào ngày 22/11. Thế là có một hiện tượng hy hữu: Trẻ con trước khi đi ngủ có thể “chọn” nghe cổ tích do một trong hai Ông già Cát kể - tùy thuộc vào kênh truyền hình của “bên này” hay “bên kia”. Mặc cho người lớn “bức xúc”, hàng ngày trẻ con vẫn vui mừng khi thấy hai nhân vật này chung sống hòa bình, vượt qua cả Chiến tranh Lạnh.

Những chuyện ly kỳ về Ông già Cát_0
                                  Ông già cát Tây Đức

Đi vào cuộc sống



Theo đúng kiểu cổ tích, kể xong chuyện là Ông già Cát ném cát cho trẻ con dụi mắt đòi đi ngủ, sau đó ông cũng ngủ ngay ngoài phố. Hồi ấy, ngay lập tức đã có rất nhiều khán giả nhí viết thư đến nhà đài xin để ông ngủ ở giường mình! Ti vi buộc phải phản ứng bằng cách cho ông đi xe hay thậm chí là máy bay về nhà riêng. Ông cũng du lịch khắp chốn như con người thời hiện đại, sang châu Phi, A-rập, Cuba...



Dần dần, ông trở thành một phần của cuộc sống trẻ thơ. Trẻ con Đức vốn đi ngủ sớm, không có Ông già Cát thì khó dỗ chúng vào giường được. Người Đức đầu tiên lên vũ trụ năm 1978 - phi hành gia Sigmund Jaehn của CHDC Đức (cũ) - cũng đem theo một con búp bê Ông già Cát để ngủ được ngon trong tình trạng không trọng lực! Ngày đó cũng vô tình sinh ra một giai thoại thú vị: Do phi hành gia Liên Xô (cũ) trong cùng nhóm bay đem theo búp bê mang tên Masha nên ở một buổi truyền hình trực tiếp từ vũ trụ, họ ngẫu hứng giơ hai búp bê ra trước ống kính camera và đùa nghịch về một... “đám cưới búp bê”. Các nhà sư phạm lo sốt vó, vì nhân vật Ông già Cát kỳ thực không có vợ! Chỉ có  trẻ con là chẳng thấy hề hấn gì. Thì ra chúng vô tư và thông minh hơn các bậc phụ huynh vẫn lo ngại!



Những chuyện ly kỳ về Ông già Cát_1

                                      Ông già cát hiện nay

 

Thời oanh liệt vẫn tiếp tục



Ba thập kỷ sau, khi hệ thống truyền thanh và truyền hình của CHDC Đức (cũ) đã giải thể thì dĩ nhiên cũng phải ra một quyết định về số phận của nhân vật quen thuộc này. Các chuyên gia truyền thông cùng đội ngũ sư phạm ngồi lại và xác nhận một sự thật là Ông già Cát “Tây” không được trẻ em thích lắm. Cả hình thức hơi bặm trợn lẫn phong thái khá buông tuồng của ông đã bị đem đặt lên bàn cân so sánh với nhân vật hiền hậu từ phía “Đông”.



Nhiều người dân Đông Đức cũng lên tiếng đòi giữ Ông già Cát cũ. Kênh ARD nhận được hàng bao tải thư kiến nghị từ mọi miền. Vốn là kênh truyền hình nhà nước luôn bị sức ép của người tiêu dùng (kênh tư nhân không thu lệ phí mà tự trang trải qua quảng cáo), ARD rốt cuộc đã không ngần ngại loại bỏ Ông già Cát “Tây”!



Hiện nay chương trình chào trẻ em đi ngủ được 1,5 triệu khán giả nhí chờ đón mỗi ngày. Nhân dịp sinh nhật Ông già Cát, truyền hình Đức còn làm hẳn một bộ phim truyện về nhân vật này. Ngoài ra còn có một vở nhạc kịch, triển lãm lưu động với các loại xe cộ mà Ông già Cát sử dụng trong mấy chục năm qua, một bộ tem, sách truyện,...



Huyền Trang.

© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000