Virus corona hầu như "không tha" cho nơi nào hay người nào trên toàn cầu. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có một câu chuyện riêng về cách đối phó với đại dịch.
Ở mọi lục địa, từng người đều cảm thấy sự tàn phá của đại dịch COVID-19 - thất nghiệp và phong tỏa, bệnh tật và chết chóc cùng nỗi lo sợ thường trực, theo Hãng tin AP.
Mỗi quốc gia tuy vậy đều đã, đang và sẽ tiếp tục các biện pháp riêng trong cuộc chiến chống virus này.
Trung Quốc
Tổng số ca mắc: 86.899 - Tổng số ca tử vong: 4.634 (*)
Virus corona ghi nhận bùng phát lần đầu tiên cách đây một năm tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Đại dịch COVID-19 đã lan ra khắp thế giới trong năm 2020 và để lại những thiệt hại cùng tác động nghiêm trọng. Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng biện pháp mạnh, phong tỏa toàn bộ thành phố Vũ Hán để kiểm soát dịch bệnh và đã thành công.
Trung Quốc đã rút lại một số biện pháp kiểm soát chống dịch nghiêm ngặt nhất từng áp dụng cho đại dịch COVID-19. Hiện tại, người lao động đã trở lại văn phòng và nhà máy, sinh viên học sinh trở lại lớp học và một lần nữa có những hàng dài người xếp hàng bên ngoài các nhà hàng bình dân. Tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, đeo khẩu trang đã trở thành thói quen. Nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại nhưng phục hồi không đồng đều.
Các thành viên trong gia đình vẫy tay chào tạm biệt với cư dân Viện dưỡng lão Barbara Farrior (85 tuổi) vào cuối chuyến thăm qua kính tại Riverdale, New York, Mỹ ngày 26-11-2020 - Ảnh: AP
Mỹ
Tổng số ca mắc: 18.917.152 - Tổng số ca tử vong: 334.218 (*)
Người Mỹ đã phải đón hết đợt sóng này đến đợt sóng khác của những con số làm nên các cột mốc đáng buồn: hàng trăm ngàn người chết, hàng triệu ca nhiễm COVID-19. Cho đến giữa tháng 12, cứ trong mỗi 100 người sẽ có 5 người mắc bệnh.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ đã mở cửa trở lại nhưng vẫn có đến 28,8% các doanh nghiệp nhỏ vẫn đóng cửa vào tháng 12 - 2020. Lượng du khách trên các chuyến bay nội địa của Mỹ trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 7-2020 đã giảm 272,01 triệu người, sụt giảm 76% so với cùng kỳ năm 2019.
Giữa tháng 12, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp lần lượt cho vắc xin COVID-19 của Hãng Pfizer/BioNTech và Moderna, mở ra hi vọng có thể kết thúc đại dịch để người dân có thể quay lại với cuộc sống bình thường sau quá nhiều mất mát.
Chính phủ Mỹ hiện đang triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 trên toàn quốc, ưu tiên các nhân viên y tế tuyến đầu và những người cao tuổi sống tại các viện dưỡng lão. Tuy nhiên, có thể phải đến nửa cuối năm sau Mỹ mới có thể tiêm chủng đủ số người cần thiết để COVID-19 không còn là mối nguy hại nữa.
Các quan chức y tế vẫn kêu gọi người dân tuân thủ đeo khẩu trang và các biện pháp giãn cách xã hội cũng như hạn chế đi du lịch trong bối cảnh hàng triệu người đổ xô đến các sân bay trong dịp lễ cuối năm.
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng trong một con hẻm ở khu phố nghèo Santa Marta ở Rio de Janeiro, Brazil ngày 28-11-2020 - Ảnh: AP
Brazil
Tổng số ca mắc: 7.366.677 - Tổng số ca tử vong: 189.264 (*)
Câu chuyện COVID-19 tại Brazil là một câu chuyện về cách xử lý đại dịch của Tổng thống Jair Bolsonaro. Ông Bolsonaro khẳng định COVID-19 chỉ là một bệnh cúm nhỏ, không có gì to tát. Ông lên án và không tuân theo các biện pháp giãn cách xã hội, kể cả đeo khẩu trang.
Tổng thống cũng từ chối chịu trách nhiệm khi nhiều người nghe và làm theo ông. Ông Bolsonaro đã đổ tiền vào nền kinh tế để xoa dịu nỗi đau của người dân trong đại dịch.
Nhà dịch tễ học Pedro Hallal, tại ĐH Liên bang Pelotas (Brazil), cho rằng chính phủ không coi trọng việc xét nghiệm để sàng lọc các ca COVID-19. Ông Hallal cho biết Brazil có lẽ có khoảng 40 triệu ca nhiễm - gấp 5 lần so với con số chính thức hiện nay.
Biểu đồ số ca tử vong của Brazil đang là mang hình dáng của một cao nguyên trong suốt 3 tháng qua với bình quân 1.000 người chết hàng ngày. Đến giữa tháng 12, cả nước đã báo cáo 85,3 ca COVID-19 trên mỗi 100.000 dân.
Ông Andre Perfeito, nhà kinh tế trưởng của công ty đầu tư Necton Investimentos, tiết lộ tỉ lệ thất nghiệp "thực tế" ở Brazil đã tăng lên tới 25%. Các ca nhiễm đã bùng phát trở lại tại Brazil từ tháng 7 sau khi chính quyền địa phương nới lỏng các biện pháp chống dịch và người dân cũng mệt mỏi vì gọng kìm của đại dịch.
Một nhân viên y tế lấy dịch mũi của một người đàn ông để làm xét nghiệm COVID-19 tại một bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ ngày 6-7-2020 - Ảnh: AP
Ấn Độ
Tổng số ca mắc: 10.123.778 - Tổng số ca tử vong: 146.778 (*)
Là một quốc gia có 1,3 tỉ dân, Ấn Độ đối phó với đại dịch COVID-19 ngay từ đầu bằng một lệnh phong tỏa đột ngột trên toàn quốc. Tuy nhiên, số ca bệnh tăng đột biến khi các hạn chế được nới lỏng và hệ thống y tế công cộng kém phải vật lộn để theo kịp diễn biến của đại dịch.
Hãng tin AP nhận định Ấn Độ sẽ là nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới thời hậu đại dịch. Dân số đông cũng là một thách thức lớn trong chiến dịch tiêm chủng đại trà trong năm tới của chính phủ nước này.
Cảnh sát dùng vòi rồng giải tán đám đông biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 tại Berlin, Đức vào ngày 18-11-2020 - Ảnh: AP
Đức
Tổng số ca mắc: 1.587.908 - Tổng số ca tử vong: 29.127 (*)
Điều này đã giúp giảm số ca COVID-19 hàng ngày ở mức cao nhất, là 6.000 ca, vào cuối tháng 3 xuống còn vài trăm ca trong những tháng ấm hơn của mùa hè. Tuy nhiên, khi mọi người trở nên chủ quan trong phòng ngừa virus corona, số người mắc bệnh bắt đầu tăng gấp 4 lần so với kỷ lục hàng ngày trong tháng 3.
Chính phủ Đức cảnh báo virus đang lây theo cấp số nhân và ban bố lệnh phong tỏa mới trong nỗ lực để kiểm soát đại dịch trở lại.
Ông Sabatino Di Girolamo, thị trưởng thành phố Roseto degli Abruzzi (Ý), cùng gia đình nhìn mặt lần cuối mẹ của ông tại Bệnh viện Giuseppe Mazzini ngày 12-5-2020 - Ảnh: AP
Ý
Tổng số ca mắc: 1.991.278 - Tổng số ca tử vong: 70.395 (*)
Vào cuối tháng 2-2020, Ý trở thành ổ dịch COVID-19 ở châu Âu. Khi làn sóng dịch COVID-19 thứ hai ập đến vào tháng 9, những bài học rút ra từ làn sóng đầu tiên đã không đủ để giúp dân số già của nước này khỏi những thiệt hại và mất mát.
Bất chấp các kế hoạch và các biện pháp chống dịch, hệ thống giám sát và máy móc triển khai để ứng phó với làn sóng mùa thu, hàng ngàn người nữa đã chết và các bệnh viện lại một lần nữa quá tải và hệ thống y tế Ý trên bờ vực sụp đổ.
Thực khách dùng bữa ăn cùng bàn và được bảo vệ bằng tấm khiên nhựa tại một nhà hàng ở Tokyo, Nhật ngày 4-6-2020 - Ảnh: AP
Nhật
Tổng số ca mắc: 203.113 - Tổng số ca tử vong: 2.994 (*)
Đại dịch COVID-19 ở Nhật khởi đầu đầy sóng gió vào tháng 2 với ổ dịch lớn hơn 700 ca trên du thuyền Diamond Princess. Các quan chức y tế Nhật đã hứng nhiều chỉ trích về cách xử lý ổ dịch trên du thuyền này.
Vào tháng 12, số ca nhiễm ở Nhật đang tăng ở mức 2.000 - 3.000 ca mỗi ngày. Dù vậy, Hãng tin AP cho rằng Nhật đã không để xảy ra tình trạng gia tăng ca nhiễm nguy hiểm như ở Mỹ và châu Âu, và có hi vọng có thể đăng cai Thế vận hội vào hè 2021.
Các chuyên gia cho rằng việc đeo khẩu trang và kiểm soát biên giới tốt là chìa khóa quan trọng giúp Nhật giữ số ca nhiễm virus corona ở mức thấp.
Các thành viên gia đình gặp nhau trong lễ Ukugeza tại nhà của một thành viên ở Soweto, Nam Phi ngày 21-11-2020 - Ảnh: AP
Nam Phi
Tổng số ca mắc: 954.258 - Tổng số ca tử vong: 25.657 (*)
Tại một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất đối với người nghèo. Suy thoái kinh tế khiến tỉ lệ thất nghiệp ở Nam Phi lên tới 42%. Tuy nhiên, Nam Phi có một vũ khí bí mật: các chuyên gia y tế là các "cựu chiến binh" trong các cuộc chiến lâu dài của đất nước chống lại HIV/AIDS và lao kháng thuốc.
Các lãnh đạo của Nam Phi đã nghe theo lời khuyên từ các chuyên gia trong cách xử lý đại dịch COVID-19. Mặc dù không tránh khỏi những thăng trầm nhưng cho đến nay các kịch bản tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra với nước này.
Irene Wanzila (10 tuổi) lao động tại một mỏ đá ở Nairobi, Kenya cùng em trai, chị gái và mẹ sau khi trường học đóng cửa - Ảnh: AP
Kenya
Tổng số ca mắc: 95.195 - Tổng số ca tử vong: 1.648 (*)
Các nhà khoa học nói rằng trẻ em ít bị ảnh hưởng trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, điều này không đúng ở Kenya. Từ những đứa trẻ Kenya bị cưỡng bức lao động và cưỡng hiếp, đến thất học vì trường học đóng cửa đến năm 2021. Cảnh sát đã bắn chết một đứa trẻ chỉ vì đã vi phạm lệnh giới nghiêm.
Hậu quả của đại dịch COVID-19 tại Kenya đã ảnh hưởng nặng nề đến giới trẻ. Áp lực kinh tế ngày càng tăng, việc đóng cửa trường học khiến hàng triệu trẻ em thất học. Một số trẻ bây giờ đang lao động trong các mỏ khai thác đá, hoặc dấn thân vào hoạt động mại dâm hay trộm cắp.
Một buổi lễ cầu nguyện cho Jose Sanchez, một nạn nhân của COVID-19, tại nghĩa trang ở Comas, ngoại ô thủ đô Lima, Peru ngày 27-11-2020 - Ảnh: AP
Peru
Tổng số ca mắc: 1.002.263 - Tổng số ca tử vong: 37.273 (*)
Nhiều thập kỷ thiếu đầu tư vào hệ thống y tế cộng đồng, các quyết định sai lầm khi đại dịch bùng phát, cùng với tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng, và sự thiếu hụt các nguồn hàng dùng trong cấp cứu đã tạo nên một trong những đợt bùng phát dịch bệnh chết người nhất thế giới.
Một khảo sát gần đây chỉ ra rằng 7 trong 10 người Peru quen biết một người đã chết vì virus corona.
* Số liệu ca nhiễm và ca tử vong của ngày 24-12, theo trang worldometers.info
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000