Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Từ vị thế nền kinh tế hàng đầu, là đầu tàu của châu Âu, kinh tế Đức đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu này đang chịu nhiều thiệt hại do nền kinh tế chung toàn thế giới đang suy giảm, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Đức giảm mạnh.
Nếu không giải quyết được các vấn đề này, kinh tế Đức hoàn toàn có thể mất đi vị thế của mình.
Theo các chuyên gia thuộc tạp chí New York Times (NYT), nền kinh tế Đức phụ thuộc và chịu khá nhiều tác động của nền kinh tế các nước đang phát triển. Do kinh tế Trung Quốc đang suy giảm nên Bắc Kinh đang ngày càng hạn chế nhập khẩu các sản phẩm kỹ thuật do Đức sản xuất.
Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và các nước khác ở khu vực Trung Đông không còn nhiều thu nhập “khủng” từ dầu mỏ nên cũng đã cắt giảm đáng kể việc mua sắm các ô tô xa xỉ “limouse” do Đức lắp ráp. Trong khi đó, kinh tế khủng hoảng do chịu nhiều lệnh cấm vận cũng khiến Nga giảm đáng kể việc đặt mua các thiết bị năng lượng “Made in Germany”.
Việc liệt kê các tác động đến nền kinh tế Đức từ khó khăn của nền kinh tế các nước đang phát triển sẽ mất nhiều thời gian vì danh sách này sẽ khá dài. Từ thực tế này có thể rút ra kết luận rằng: đối với nền kinh tế định hướng chính đến xuất khẩu sang các nước đang phát triển như kinh tế Đức, một giai đoạn hết sức khó khăn đang hiển hiện trước mắt.
Kinh tế Đức khó khăn có thể sẽ dẫn đến khó khăn chung cho toàn bộ nền kinh tế lục địa già vì từ trước đến nay, kinh tế Đức vẫn được coi là “cứu cánh” cho nền kinh tế châu Âu trong bối cảnh châu Âu phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế và tài chính phức tạp.
Các chuyên gia phân tích kinh tế cho rằng, sở dĩ nền kinh tế Đức bền vững hơn nền kinh tế nhiều nước châu Âu khác là do kinh tế Đức gắn liền với kinh tế các nước đang phát triển.
Chính vì vậy, tất cả các vấn đề kinh tế của Trung Quốc, Nga và các nước đang phát triển khác đều có những tác động rõ nét lên nền kinh tế Đức. Hiện sự phụ thuộc này còn lan sang cả lĩnh vực chính trị như cuộc khủng hoảng nhập cư hay khả năng Anh sẽ rút khỏi EU.
NYT đã lấy dẫn chứng về trường hợp của công ty chuyên sản xuất thiết bị cho ngành công nghiệp than là Eickhoff Bergbautechnik để chứng minh sự phụ thuộc của nền kinh tế Đức vào các nước đang phát triển.
Trong những giai đoạn thuận lợi, mỗi năm công ty này xuất sang các nước phát triển 20 tổ hợp thiết bị dùng để khai thác than với giá trị mỗi tổ hợp là 4 triệu USD.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Putin
Tuy nhiên, tính trong cả năm 2015, công ty này chỉ xuất được 8 tổ hợp. Thực tế này khiến ban lãnh đạo Eickhoff Bergbautechnik phải sa thải 10% số lượng nhân công từ số nhân công ít ỏi 300 người của mình.
Bức tranh ảm đạm tương tự cũng đang xảy ra đối với hàng trăm doanh nghiệp khác của Đức dựa vào xuất khẩu như Eickhoff Bergbautechnik. Sự sụt giảm doanh số của các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu đã có những tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Đức nói chung.
Theo số liệu do Hiệp hội các doanh nghiệp lắp máy của Đức (VDMA) tổng kết, nếu như xuất khẩu thiết bị dành cho ngành công nghiệp khai khoáng trong năm 2012 đạt giá trị 6,2 tỷ USD thì con số này năm 2015 sụt giảm chỉ còn 3,5 tỷ USD.
Đáng chú ý, tâm lý của người Đức dường như cũng đi xuống cùng với xuất khẩu. Lần đầu tiên kể từ cuối năm 2014, số người có tâm lý bi quan vào nền kinh tế Đức lớn hơn so với số người lạc quan.
Tâm lý bi quan của người Đức sẽ ảnh hưởng đến sức mua sắm. Nếu như sức mua nội địa giảm xuống, nền kinh tế Đức cũng sẽ chịu những tác động không nhỏ.
Trong khoảng thập kỷ trở lại đây, Đức gần như biến thành “cửa hàng” để các nước đang phát triển đến mua sắm. Nhu cầu gia tăng đối với hàng hóa và thiết bị của Đức chủ yếu đến từ Trung Quốc, Nga, Brazil và các nước đang phát triển khác.
Chính thực tế này đã giúp nền kinh tế Đức thoát khỏi những tác động nặng nề từ suy thoái mà nền kinh tế các quốc gia châu Âu khác phải gánh chịu. Trong khi Tây Ban Nha có đến 20% số người có khả năng lao động rơi vào cảnh thất nghiệp thì con số này ở Đức chỉ còn 4,3%.
Nhu cầu cao từ Trung Quốc đã trợ giúp đáng kể cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Đức, từ đó có những tác động tích cực đáng kể đến toàn bộ nền kinh tế Đức nói chung vì ô tô là ngành công nghiệp chính của xuất khẩu Đức và là ngành tạo ra nhiều việc làm nhất.
Trong năm 2015, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu nhiều nhất xe ô tô Porsche của Đức.
Tuy nhiên, hiện tốc độ mua sắm ô tô của người Trung Quốc đã giảm xuống đáng kể. Trong năm 2016, theo dự báo chung, lượng mua sắm ô tô Đức của người Trung Quốc sẽ giảm xuống chỉ còn 4%, tức giảm hơn 2 lần so với năm 2015.
Tình cảnh ảm đạm tương tự cũng xảy ra tại khu vực Trung Đông – thị trường xuất khẩu lớn của Đức. Nội chiến ở Syria, sự suy giảm mạnh giá dầu mỏ đã ảnh hưởng mạnh đến niềm tin và khả năng mua sắm của phần lớn người dân khu vực này.
Trong năm 2015, xuất khẩu của Đức sang các nước khu vực này đã giảm 7%. Sự sụt giảm này đã có những tác động tiêu cực đáng kể đến các công ty như Voith, nhà sản xuất động cơ cho các máy bơm dầu, cũng như đến các công ty sản xuất các sản phẩm xa xỉ khác.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Merkel.
Điều đáng nói là hiện không chỉ một vài quốc gia đơn lẻ phải chịu những tác động suy thoái kinh tế nghiêm trọng mà đây đã là tình cảnh chung trên toàn thế giới. Do đó, Đức sẽ khó có thể tìm thấy một “Trung Quốc” thứ hai để khôi phục xuất khẩu.
Về phía Mỹ, mặc dù nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng nhưng với tốc độ khá thấp. Còn Brazil cũng đang trong ngưỡng cửa suy thoái và Nga lại đang chịu nhiều tác động tiêu cực bởi giá dầu và năng lượng suy giảm mạnh, cũng như phải chịu những tác động tiêu cực từ các lệnh cấm vận của phương Tây.
Trong bối cảnh ảm đạm này, Iran dường như trở thành “đốm sáng” hiếm hoi sau khi các lệnh cấm vận quốc tế chống nước này được dỡ bỏ. Chính vì vậy, các tập đoàn kinh tế Đức đang nỗ lực để “chiếm lại” thị trường tiềm năng đã bị bỏ quên do các lệnh cấm vận này.
Gã khổng lồ trong lĩnh vực điện tử và lắp máy Siemens hồi tháng 3.2016 đã ký kết hợp đồng về cung cấp các thiết bị Mapna cho tập đoàn năng lượng và giao thông lớn nhất của Iran.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc cho nền kinh tế Đức là Iran khó có thể thay thế được Trung Quốc vì nền kinh tế Iran có quy mô thậm chí còn thua kém so với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Thực trạng kinh tế khó khăn như trên sẽ dần dần biến nền kinh tế Đức từ vị thế “ông kẹ” của châu Âu trở nên tầm thường. Nếu như Đức không khắc phục được thực trạng này thì ảnh hưởng chính trị của Đức đối với lục địa già cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ “Expert- Chuyên gia”, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995.
Theo Đức Dũng
Infonet
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000