Phó thủ tướng Đức: ‘Nền kinh tế Nga đang sụp đổ, có tiền cũng không tiêu được’

Phó thủ tướng Đức: ‘Nền kinh tế Nga đang sụp đổ, có tiền cũng không tiêu được’

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng nền kinh tế Nga đang sụp đổ, dù Nga có nguồn thu từ dầu mỏ, khí đốt nhưng không thể tiêu được do cản trở bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Phát biểu trước các nhà lập pháp Đức mới đây, ông Habeck nói Đức phải nỗ lực hơn nữa để giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm đáp trả việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vẫn đang gây thiệt hại nặng nề cho “cỗ máy chiến tranh của Nga”.

“Nền kinh tế Nga đang sụp đổ”, ông Habeck khẳng định đồng thời cho biết Đức đã đóng góp vai trò của mình bằng cách giảm xuất khẩu sang Nga trong tháng 3 tới 60%, và tiếp tục giảm mạnh hơn vào tháng 4.

Theo nhà lãnh đạo Đức, kim ngạch xuất khẩu của các nước đồng minh tham gia lệnh trừng phạt sang Nga đã giảm 53% so với những tháng trước, trong khi mức giảm ở các quốc gia trung lập hoặc thân Nga là 45%.

"Nguồn thu mà Tổng thống Vladimir Putin có được trong những tháng gần đây do giá dầu mỏ, khí đốt tăng cao đã gây tổn hại cho chúng ta. Chúng ta chỉ có thể cảm thấy xấu hổ khi chưa thể giảm đáng kể phụ thuộc vào nguồn cung của họ", ông Habeck cho biết thêm.

1 Pho Thu Tuong Duc Nen Kinh Te Nga Dang Sup Do Co Tien Cung Khong Tieu Duoc

​Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck.

"Nga vẫn có nguồn thu, nhưng không thể tiêu được số tiền này, thời gian không có lợi cho Nga", ông Habeck nhấn mạnh.

Theo ông Habeck, hậu quả của lệnh trừng phạt là Moscow đã không thể mua các phụ tùng, linh kiện quan trọng phục vụ khả năng chiến đấu của nước này, chẳng hạn như “các phiên bản cập nhật an ninh cho máy bay, với kết quả là máy bay sẽ sớm bị xếp xó”.

Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 31/5 tuyên bố dù lệnh cấm của EU trước mắt chỉ áp dụng với dầu mỏ của Nga được vận chuyển qua đường biển nhưng Đức và quốc gia láng giềng Ba Lan vẫn muốn ngừng nhập khẩu dầu của Nga vận chuyển qua đường ống Druzhba vốn đưa dầu mỏ của Nga tới 5 nước châu Âu gồm Đức, Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovenia.

Bên cạnh đó, Đức cũng sẽ nỗ lực để giảm bớt phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga vốn chiếm khoảng 35% tổng mức tiêu thụ trong nước.

Thời hạn mà Đức đặt ra cho việc chấm dứt nhập khẩu khí đốt Nga là vào mùa Hè năm 2024. Hiện Đức đã có một số bước đi hướng tới mục tiêu này như dốc sức xây dựng các trạm tiếp nhận khí hoá lỏng và cơ sở hạ tầng cần thiết để nhập khí đốt từ các nguồn khác.

Xem thêm >> Gói trừng phạt mà Nga cảnh báo EU ‘tự hủy hoại chính mình’ gồm những gì?

Thanh Tú

Theo Reuters


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000