Cái chết khi còn khá trẻ góp thêm phần huyền bí vào bức màn vây quanh Romy Schneider như một nữ diễn viên khổ đau của phim Đức. Những bi kịch riêng của Romy đã vượt lên cả những bộ phim bi mà bà đã đóng.
Vai diễn Sissi…
Cái chết của một trong những nữ diễn viên nổi tiếng nhất trong cộng đồng Đức đầy kịch tính. Romy Schneider được người tình Laurent Petin phát hiện trong căn hộ của họ ở Paris, ngồi bất động tại bàn viết.
Trễ nải tựa vào thành ghế, một chai vang đỏ đã cạn trước mặt. Romy bắt đầu viết lá thư cho một tạp chí phụ nữ để hủy buổi phỏng vấn. Lá thư dang dở ở nửa câu vì một cơn đau tim (cùng hỗn hợp thuốc gây nghiện và rượu) đã quật ngã. Đó là vào tháng 5 năm 1982 và Romy mới chỉ 43 tuổi.
Đây sẽ là một cảnh quan trọng trong hai phiên bản phim về cuộc đời Romy được tung ra vào năm tới. Một bộ phim sẽ có tên là Romy, do diễn viên Jessica Schwarz đóng, phim còn lại của hãng Warner Bros. mang tên A Woman Like Romy với sự có mặt của Yvonne Catterfeld.
Tạp chí Variety đã gọi Romy Schneider là “cục nam châm hút các nhà làm phim”. Nước Đức vừa kỷ niệm ngày sinh lần thứ 70 của Romy rầm rộ với các quyển sách bỏ túi, DVD tái phát hành và poster phim. Điều này khác hẳn với thái độ của người Đức trước đây đối với Romy, vốn xem bà như một kẻ phản bội vì đã quay lưng lại với nước Đức.
Không giống như Marlene Dietrich hay Hedy Lamarr trốn chạy khỏi phát xít, “tội” của Romy là đã chọn sự nghiệp ở các xưởng phim khắc nghiệt nhưng phát đạt ở Paris và Hollywood thay vì ở Đức trong giai đoạn kinh tế phục hồi.
Đỉnh cao về danh vọng của Romy là sự thành công của 3 bộ phim về nữ hoàng Sissi trong thập niên 50 trong đó bà đóng vai công chúa vùng Bavaria sau đó đã trở thành nữ hoàng nước Áo. Năm 1972, Romy có đóng lại vai Sissi trưởng thành hơn trong bộ phim Ludwig của đạo diễn Luchino Visconti về Vua Ludwig II.
Romy từng than phiền rằng: “Vai Sissi dính chặt với tôi như cháo bột yến mạch”.
Đúng như vậy, vai diễn Sissi đã che khuất các phần diễn xuất khác, thậm chí có thể được coi là đáng nhớ hơn, như trong What's New Pussycat của Clive Donner, The Trial của Orson Welles và The Swimming Pool của Jacques Deray, một bộ phim mà bà đóng với người tình lúc đó là tài tử đẹp trai Alain Delon.
Cái chết khi còn khá trẻ góp thêm phần huyền bí vào bức màn vây quanh Romy như một nữ diễn viên khổ đau của phim Đức. Những bi kịch riêng của Romy đã vượt lên cả những bộ phim bi mà bà đã đóng.
… và cuộc đời nhiều bất hạnh
Romy sinh ra ở Áo với cái tên khai sinh Rosemarie Albach, bố mẹ bà đều là diễn viên. Từ căn nhà của họ có thể thấy nơi nghỉ ngơi yêu thích của Hitler ở vùng núi Obersalzberg. Hitler đã tiếp đãi bố mẹ Romy ở đây và sau đó tuyên bố rằng mẹ của Romy, diễn viên Magda Schneider là diễn viên yêu thích của hắn.
Romy sau này tiết lộ rằng mẹ của bà và Hitler đã dan díu với nhau. Không phải vô tình mà các vai diễn sau này của Romy là người Do Thái bị phát xít ngược đãi và hành hạ.
Romy gặp Alain Delon năm 1959 và đã rời bỏ Đức đến Paris sống với người tình, mặc cho vô số chỉ trích của báo giới Đức. Romy sống chung với tài tử này 2 năm cho tới khi ông bỏ đi. Những gì mà Alain Delon để lại là một mẩu giấy viết “Đi Mexico với Natalie”.
Romy đã cắt cổ tay trong tuyệt vọng. Trong thời gian sống ở Paris, Romy vẫn không tránh được những vai diễn một quý tộc trẻ. Bà hết sức phản đối khuôn mẫu vai diễn kiểu này khiến các nhà làm phim lẫn người yêu phim rất bực dọc.
Nhưng khi Fritz Kortner mời bà đóng phim Die Sendung Der Lysistrata, chuyển thể từ vở kịch của Aristophanes, bà đã nhận lời. Sau đó, Romy có vai diễn đầu tiên trên sân khấu trong vở Tis Pity She's A Whore của Luchino Visconti, một vai diễn được người xem lẫn các nhà phê bình khen ngợi.
Sau thành công từ phim Le Procès của Orson Welles (dựa theo tiểu thuyết của Kafka), Romy chuyển đến Hollywood, đóng trong Good Neighbour Sam cạnh Jack Lemmon và cho thấy khả năng diễn hài của mình.
Romy Schneider và người tình Alain Delon |
Năm 1966, Romy lấy đạo diễn Harry Meyen, một người bị trầm cảm vì các phương pháp tra tấn mà Gestapo đã dành cho ông vì có phân nửa dòng máu Do Thái. Về sau, ông treo cổ tự tử.
Cuộc hôn nhân thứ 2 của Romy là với thư ký của mình - Daniel Biasini nhưng kết thúc bằng cuộc chiến ly hôn năm 81. Romy phải phẫu thuật cắt khối u trong thận và năm đó, cậu con trai 14 tuổi David đã bị ngã lên hàng rào gai nhọn, rách động mạch đùi và chết sau đó.
Một trong những bài phỏng vấn cuối cùng, Romy nói: “Tôi chỉ là một phụ nữ bất hạnh 42 tuổi và tên tôi là Romy Schneider”.
Romy chỉ sống chung với Alain được 2 năm |
Phải mất nhiều năm sau cái chết của bà, người Đức mới bắt đầu hàn gắn lại tình yêu của họ dành cho Romy. Hai năm trước, Romy được bầu là nữ diễn viên Đức được yêu thích nhất bởi kênh ZDF và giờ đây, trong dịp sinh nhật lần thứ 70, nhiều sách ảnh và tiểu sử của Romy được phát hành.
Năm tới, Viện bảo tàng phim ảnh ở Potsdamer Platz sẽ có buổi triển lãm về Romy Shneider với việc trưng bày trang phục và nữ trang của bà.
Theo Diên Thủy
Thế Giới Điện Ảnh
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000