Kết luận này được nhóm các nhà khoa học này đưa ra sau một thời gian nghiên cứu các ổ dịch bùng phát trong giai đoạn đầu tiên dịch Covid-19 xuất hiện tại Đức. Cụ thể, nghiên cứu tập trung tại thị trấn Gangelt, một địa phương ở bang Bắc Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất và cũng là bang có đông bệnh nhân Covid-19 nhất tại Đức.
Người dân Đức đeo khẩu trang khi đi mua sắm.
Sau một thời gian nghiên cứu trên 919 mẫu bệnh phẩm tại Gangelt, các nhà khoa học Đức nhận thấy khoảng 15% dân số thị trấn Gangelt đã nhiễm virus, với tỷ lệ tử vong ở mức 0,37%. Ngoài ra, khoảng 22% trong số những người nhiễm bệnh là không có triệu chứng.
Dựa trên các con số này, các nhà khoa học tại trường Đại học Bonn đưa ra tính toán cho toàn bộ dân số Đức và nhận định, hiện mới chỉ 1/10 ca nhiễm virus Sars-CoV-2 tại Đức là được phát hiện thông qua xét nghiệm, tức số ca nhiễm thực tế tại Đức gấp 10 lần con số đã được công bố.
Trong sáng ngày 4/5, theo con số chính thức do Viện Robert Koch đưa ra, nước Đức hiện có trên 163 ngàn ca nhiễm bệnh và gần 6700 ca tử vong. Điều này có nghĩa là theo tính toán của trường Đại học Bonn, số ca nhiễm virus Sars-CoV-2 thực sự tại Đức hiện có thể đã đạt mức gần 1,8 triệu người.
Trên thực tế, các quan chức y tế hàng đầu của Đức cũng chưa khi nào phủ nhận khả năng này. Chủ tịch Viện Robert Koch, Giáo sư Lothar Wieler từng nhiều lần nhận định rằng cả số ca nhiễm bệnh lẫn số ca tử vong vì Covid-19 tại Đức đều có nhiều khả năng cao hơn nhiều so với các con số được công bố bởi lẽ Đức cũng như nhiều nước khác chưa thể tiến hành xét nghiệm một lượng lớn dân số, đồng thời việc thống kê vẫn đang gặp nhiều khó khăn do chưa có các tiêu chí thống nhất.
Nhiều nước khác tại châu Âu như Pháp, Italia hay Tây Ban Nha cũng đều từng nhận định rằng số ca nhiễm virus trên thực tế tại các nước này có thể đã lên tới hàng triệu người./.
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000