Những ngày qua, thành phố Chemnitz, Đức, tê liệt vì các cuộc biểu tình phản đối nhau giữa các nhóm cực hữu – những người bài nhập cư, theo chủ nghĩa phát xít mới – và phe cánh tả.
Thành phố của Đức tê liệt vì 2 phe tả – hữu biểu tình chống nhau
Hôm 3/9, hơn 50.000 người đã tham gia buổi trình diễn ca nhạc ngoài trời ở thành phố Chemnitz, bày tỏ sự phản đối chủ nghĩa phát xít mới đang trỗi dậy mạnh mẽ tại nước Đức. Nhiều nhóm nhạc rock nổi tiếng của Đức quy tụ trong sự kiện này với khẩu hiệu “Chúng ta là một”, trực tiếp đối đầu với những người theo phe cực hữu giơ biểu ngữ “Chúng ta là nhân dân”. Ảnh: Reuters.
“Chúng tôi không hề ngây thơ. Chúng tôi không ảo tưởng rằng một buổi hòa nhạc có thể cứu rỗi thế giới”, Felix Brummer, ca sĩ chính của nhóm nhạc Kraftklub, phát biểu. “Nhưng đôi khi điều quan trọng là phải thể hiện để mọi người biết họ không đơn độc”. Ảnh: Reuters.
Phe cánh tả biểu tình chống nạn kỳ thị chủng tộc và kỳ thị giới tính, kêu gọi chính phủ giám sát chặt chẽ đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD), tổ chức theo đường lối dân túy, công khai ủng hộ những cuộc biểu tình của phe cực hữu. Nhiều chính trị gia cũng đang xem xét việc có nên coi AfD là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia hay không. Ảnh: Reuters.
“Vần đề nhập cư đang gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội, và đảng AfD đã tận dụng triệt để tâm lý này”, ông Thomas Oppermann, phó phát ngôn viên của quốc hội Đức, cho biết. “Lực lượng an ninh cần giám sát chặt chẽ mối liên hệ giữa AfD và những người theo chủ nghĩa phát xít mới”. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, cảnh sát Chemnitz từ chối cấp phép cho nhóm những người thuộc phe cực hữu được biểu tình hôm 3/9 vì thành phố không còn bất cứ khoảng trống nào để hàng trăm người nữa xuống đường. Sự đối đầu đã khiến Chemnitz tê liệt trong nhiều ngày qua, đường phố bị hạn chế lưu thông, phương tiện công cộng ngừng hoạt động và mạng di động liên tục gặp sự cố. Ảnh: Reuters.
Ban đầu, các cuộc biểu tình nổ ra vì cái chết của ông Daniel Hillig, người Đức gốc Cuba nghi bị đâm chết bởi hai thanh niên nhập cư từ Iraq và Syria. Phe cánh tả lại cáo buộc các nhóm cực hữu âm mưu thực hiện vụ tấn công vì mục đích chính trị. Ảnh: AP.
Hôm 3/9, bà Bianca Hillig, vợ của ông Daniel, trả lời truyền thông và lên án những cuộc biểu tình đầy bạo lực nhân danh cái chết của chồng bà. “Daniel không bao giờ muốn điều này xảy ra! Không bao giờ!”, bà phát biểu. “Tôi đã thấy những chuyện xảy ra trong thành phố. Nó không còn là về Daniel nữa. Ông ấy không theo bất kỳ phe nào”. Ảnh: AP.
Trước đó, hôm 2/9, hàng nghìn người theo chủ nghĩa cực hữu tại Chemnitz xuống đường hô vang khẩu hiệu bài ngoại, đồng thời tấn công những người có vẻ là người ngoại quốc. Đảng AfD được cho là ủng hộ những cuộc biểu tình bạo lực này. Ảnh: AP.
Hàng trăm cảnh sát đã được huy động nhằm bảo vệ trật tự trên đường phố trong bối cảnh đối đầu leo thang. Ảnh: AP.
“Hàng nghìn người đã diễu hành qua các con đường của Chemnitz, trục lợi trên một cái chết vô nghĩa hướng đến mục tiêu của riêng họ và tấn công người khác vì kỳ thị chủng tộc”, CNN dẫn thông báo của ban tổ chức buổi biểu diễn ca nhạc chống phe cực hữu. “Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc không nên bị lan truyền”. Ảnh: Xinhua.
Chi Mai/zing
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000