Trong khi hệ thống y tế của Italy và Tây Ban Nha vỡ trận trầm trọng, vẫn không có gì xảy ra ở Đức. Các chính trị gia vì thế ngày càng khó thuyết phục công chúng về sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt giãn cách xã hội.
Nhưng bây giờ, nhà virus học Christian Drosten lại gọi đó là “nghịch lý phòng chống”, làm dấy lên lo ngại về làn sóng bùng dịch thứ hai, theo Guardian.
Cảnh sát có mặt tại Alexanderplatz, quảng trường ở trung tâm Berlin, nơi diễn ra cuộc biểu tình phản đối các lệnh phong tỏa hôm 9/5. Ảnh: DPA/AP.
Hôm 6/5, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố dần mở cửa lại các cửa hàng, trường học, nhà trẻ, thậm chí cả nhà hàng và quán bar. Bà dường như đã đầu hàng trước áp lực chính trị từ những người đứng đầu 16 bang.
Trong gần một tuần qua, người Đức mang tâm lý bớt cẩn trọng hơn. Họ đã tụ tập trên đường phố, rải rác trong các công viên và cùng uống bia dưới nắng. Việc đeo khẩu trang là bắt buộc trong các cửa hàng và trên phương tiện giao thông công cộng, song không phải tất cả người dân đều tuân thủ.
Tại các thành phố lớn như Berlin, München và Stuttgart, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung hôm 9/5 để phản đối các lệnh phong tỏa.
Cuối tuần qua, Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của chính phủ, đã ghi nhận nhiều người tụ tập trong vài ngày qua.
Hôm 10/5, Viện này cũng ghi nhận hệ số lây nhiễm (R) trong hai ngày liên tiếp đã vượt quá ngưỡng nguy hiểm: 1,1, tức 1 người nhiễm bệnh lại lây nhiễm cho 1,1 người. Trong khi vào ngày 6/5, khi bà Merkel tuyên bố nới lỏng phong tỏa, hệ số này ở mức thấp hơn nhiều là 0,65.
Viện Robert Koch kêu gọi nước này nên thận trọng với hệ số R mới nhất vì các ca nhiễm mới đã giảm xuống tương đối thấp.
Đến ngày 11/5, Đức có 171.879 ca nhiễm (cao thứ 7 thế giới) và 7.569 ca tử vong vì virus corona.
Nguồn: zingnews
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000