Tòa án Đức thông qua lệnh cấm xe chạy diesel trong nội đô

Các thành phố Đức sẽ được phép áp đặt lệnh cấm đối với ô tô chạy dầu diesel để chống lại ô nhiễm không khí sau một phiên tòa quan trọng ngày 27/2.

Các thẩm phán tại tòa án Liên bang ở Leipzig kết luận chính quyền địa phương có quyền thực hiện lệnh cấm đối với phương tiện chạy diesel tại các trung tâm thành phố.

Dù vậy tòa án không tự áp đặt lệnh cấm này, mà để quyền cho chính quyền các thành phố. Các thẩm phán kêu gọi họ thực hiện một cách cân bằng trong việc thi hành lệnh cấm.

Vụ việc tập trung vào các thành phố dày đặc khói bụi là Stuttgart và Duesseldorf, nhưng có thể ảnh hưởng ra cả nước Đức.

Tòa án Đức thông qua lệnh cấm xe chạy diesel trong nội đô - 0

Các nhà môi trường kiện hàng loạt thành phố Đức vì cho rằng họ có trách nhiệm giảm ô nhiễm không khí để bảo vệ sức khỏe cho người dân. (Ảnh: AP)

Quyết định này đánh dấu thành công lớn của nhóm các nhà môi trường Deutsche Umwelthilfe, những người buộc Stuttgart và Duesseldorf phải hành động trước việc các động cơ diesel cũ phát thải khí độc NOx và các hạt mịn (hạt có kích thước siêu nhỏ).

Bên cạnh đó, các thẩm phán cho biết bất cứ lệnh cấm diesel nào cũng nên được thực hiện từ từ, có ngoại lệ cho một số phương tiện. Tại Stuttgart, lệnh cấm diesel có thể được thực hiện sớm nhất từ tháng 9 tới.

Trước đó, một số nhà phê bình cho rằng những lệnh cấm này có thể khiến vấn đề thực thi trở nên phức tạp và gây hoang mang cho các tài xế. Tuy nhiên thẩm phán chủ tọa Andreas Korbmacher nói các thành phố sẽ không phải bồi thường cho những lái xe khi không được sử dụng phương tiện chạy diesel của họ.

Liên minh bảo tồn tự nhiên và đa dạng sinh học NABU nói các thành phố bị ảnh hưởng nên trở thành tiên phong trong việc thay đổi giao thông vận tải để lấy lại cân bằng giữa nhu cầu đi lại và bảo vệ sức khỏe cũng như môi trường.

Theo Daily Mail, ô tô động cơ diesel phát thải các khí NOx, gây ra các bệnh đường hô hấp và làm hàng nghìn người chết sớm mỗi năm và cổ phiếu của các công ty ô tô Đức giảm nhẹ sau khi có quyết định của tòa án.

Nguồn: VTC News


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000