Vắc xin COVID-19 của hãng dược Đức CureVac cung cấp cho EU chỉ hiệu quả 47%

Công ty công nghệ sinh học Đức CureVac NV ngày 16-6 cho biết vắc xin của họ chỉ có hiệu quả 47% trong thử nghiệm giai đoạn cuối, gây nghi ngờ về khả năng cung cấp hàng trăm triệu liều cho Liên minh châu Âu (EU).

1 Vac Xin Covid 19 Cua Hang Duoc Duc Curevac Cung Cap Cho Eu Chi Hieu Qua 47

Hiệu quả đáng thất vọng của vắc xin CVnCOV của CureVac dựa trên thử nghiệm với khoảng 40.000 tình nguyện viên ở châu Âu và Mỹ - Latin.

EU là khách hàng duy nhất của CureVac, đã đặt hàng 405 triệu liều vắc xin vào tháng 11-2020.

Theo Hãng tin Reuters, cổ phiếu giao dịch tại Mỹ của CureVac đã giảm 48% trong giao dịch sau giờ làm việc, xuống còn 49 USD.

Trong số các ca COVID-19 ghi nhận trong thử nghiệm giai đoạn cuối, CureVac cho biết có ít nhất 13 biến thể virus corona. Có một trường hợp được cho là phiên bản gốc của virus corona xuất hiện ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc).

"Việc chứng minh hiệu quả của vắc xin trong bối cảnh có nhiều biến thể virus là một thách thức", giám đốc điều hành Franz-Werner Haas nói.

Công ty nói thêm rằng kết quả thử nghiệm tạm thời cho thấy vắc xin có hiệu quả ở những tình nguyện viên trẻ tuổi nhưng không chứng minh được hiệu quả ở nhóm người trên 60 tuổi, nhóm tuổi có nguy cơ cao nhất đối với COVID-19.

Ban đầu, khách hàng tiềm năng của CureVac ở châu Âu tăng lên sau khi vắc xin Johnson & Johnson và AstraZeneca bị giới hạn độ tuổi tiêm chủng do gây ra chứng đông máu tuy hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong.

2 Vac Xin Covid 19 Cua Hang Duoc Duc Curevac Cung Cap Cho Eu Chi Hieu Qua 47

Tình nguyện viên tiêm vắc xin của CureVac ở Brussels, Bỉ - Ảnh: REUTERS

Sự thiếu hụt trong chuỗi cung ứng của AstraZeneca và Johnson & Johnson khiến chiến dịch tiêm chủng ở châu Âu chậm lại. Nhiều chuyên gia kỳ vọng vắc xin của CureVac có thể đóng vai trò quan trọng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, vốn là những quốc gia đã bị tụt lại phía sau trong tiến trình tiêm chủng toàn cầu.

Kể từ khi bắt đầu thành lập vào năm 2000, CureVac tập trung vào công nghệ mRNA, cũng là công nghệ đứng sau thành công của những vắc xin tiên phong như Pfizer-BioNTech hay Moderna, có hiệu quả hơn 90%.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đặt mục tiêu vắc xin phải có hiệu quả ít nhất 50% trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) muốn con số này là 70%.

MINH KHÔI


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000