Theo NPR, nếu bạn lang thang mua sắm ở thủ đô Berlin của nước Đức, đừng kỳ vọng chiếc thẻ tín dụng có thể trở thành lá bùa vạn năng. Bởi biển hiệu “Chỉ nhận tiền mặt” vẫn được treo ở cửa hàng loạt cửa hàng hay nhà hàng khắp thành phố.
Điều đó có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và nổi tiếng với nền công nghệ tiên tiến. Nhưng trong khi người dân nhiều nước châu Âu và thế giới đã quen dùng thẻ tín dụng hoặc các phương tiện thanh toán hiện đại, người Đức vẫn trung thành với những tờ bạc euro.
“Tôi vẫn thích dùng tiền mặt vì cách này giúp tôi quản lý các khoản chi tiêu dễ dàng hơn”, NRP dẫn lời cô Madeleine Petry, 29 tuổi, ở Berlin. “Thỉnh thoảng khi không thể rút tiền từ ATM, tôi dùng thẻ debit để mua sắm ở siêu thị. Tôi chỉ dùng thẻ tín dụng để mua hàng online”, cô cho biết.
Mỗi người Đức cầm hơn 100 euro trong ví
Theo khảo sát năm 2017 của Ngân hàng Trung ương Đức (Deutsche Bundesbank), trung bình mỗi người Đức mang 107 euro (tương đương 115 USD) trong ví, cao gấp 3 lần số tiền mỗi người Pháp mang trong người (32 euro).
Để so sánh, khảo sát của U.S. Bank cho thấy 3/4 người Mỹ được hỏi cho biết họ thường chỉ mang chưa đầy 50 USD trong ví, và 1/4 thừa nhận ví của họ thường chỉ có chưa đến 10 USD.
Trên thực tế, không phải người Đức tẩy chay các phương tiện thanh toán hiện đại. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu bán lẻ EHI ở Cologne, năm 2018 là năm đầu tiên người Đức dùng thẻ thanh toán nhiều hơn tiền mặt.
Khoảng 48,6 giao dịch mua bán được thực hiện bằng thẻ debit hoặc tín dụng, còn tiền mặt chiếm 48,3%.
Dù vậy, Đức vẫn là nước có tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao nhất Liên minh châu Âu (EU). “Người Đức dùng tiền mặt vì rất coi trọng việc bảo mật thông tin cá nhân và sự tiện lợi”, chuyên gia Doris Neuberger thuộc Đại học Rostock giải thích.
Theo Bloomberg, kể từ khi đồng tiền chung châu Âu được lưu hành từ năm 2002, Bundesbank đã phát hành nhiều đồng euro hơn tất cả các quốc gia thành viên khác cộng lại. Tính đến cuối tháng 3, Bundesbank đã phát hành tới 692 tỷ euro tiền giấy.
Cảm giác an toàn
Tích trữ tiền mặt tại nhà cũng là một “đặc sản” của người Đức. “Với việc giữ tiền mặt, tôi có tài sản hữu hình trong tay. Điều đó đem lại cho tôi cảm giác an toàn hơn là những con số điện tử trong tài khoản”, phó giáo sư kinh tế Agnieszka Gehringer thuộc Đại học Gottingen nói.
Năm ngoái, Bộ Tài chính Đức lên kế hoạch giới hạn thanh toán tiền mặt ở mức 5.000 euro. Tuy nhiên kế hoạch này phá sản một phần do dư luận phản ứng dữ dội.
Nhiều quốc gia ban hành chính sách hạn chế giao dịch tiền mặt nhằm chống trốn thuế, rửa tiền và các hành vi phạm pháp khác. Nhiều quốc gia, điển hình như Thụy Điển, đang dần tiến tới một nền kinh tế phi tiền mặt.
Tuy nhiên, người Đức cực lực phản đối ý tưởng này. Phó giáo sư Oliver Serfling của Đại học Khoa học ứng dụng Rhine-Waal cho biết nhóm nghiên cứu của ông từng thực hiện một cuộc khảo sát trên mạng về việc hạn chế tiền mặt hồi năm 2017. Kết quả là 90% người được hỏi phản đối điều đó.
Giáo sư Doris Neuberger cho rằng việc hạn chế sử dụng tiền mặt sẽ giúp chính phủ tiếp cận được với thông tin cá nhân của người dân nhiều hơn so với mức hiến pháp cho phép. “Điều đó sẽ đụng chạm đến nền tảng cơ bản của một xã hội tự do”, bà nhấn mạnh.
Năm 2017, Đức thông qua luật buộc người thực hiện giao dịch tiền mặt trên 10.000 euro (11.341 USD) phải cung cấp danh tính. Đến giờ, luật này vẫn còn gây tranh cãi về hiệu quả ngăn ngừa rửa tiền và phạm pháp.
Dù vậy, thế hệ trẻ của Đức cũng đã có sự thay đổi. Theo phó giáo sư Agnieszka Gehringer, khoảng 80% sinh viên mà bà trao đổi đều cho biết họ thường sử dụng các hình thức thanh toán điện tử.
Theo Zing
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000