10 sai lầm các du học sinh hay mắc phải

Đi du học là một quãng thời gian thú vị. Các du học sinh sẽ được thỏa thích khám phá đất nước, nền văn hoá và con người mới, kết thân với những người bạn mới. Các bạn cũng sẽ được sống trong một nền văn hóa khác biệt cùng với nhiều món ăn chưa từng được thưởng thức và nhiều điều kì thú.

1 1 10 Sai Lam Cac Du Hoc Sinh Hay Mac Phai

Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)

Tuy nhiên, cuộc sống độc lập, một mình, không có người thân bên cạnh sẽ khiến các du học sinh dễ dàng bị sa ngã, mắc sai lầm và quên đi nhiệm vụ chính của mình là học tập. Xin được chỉ ra đây những sai lầm mà các du học sinh thường hay mắc phải.

1. Chọn ngành học không phù hợp

Một số du học sinh thường chọn ngành học chỉ vì gia đình định hướng, hay do đó là ngành "hot", dễ kiếm việc làm mà thường không quan tâm mình có thích, có đam mê hay không. Để có động lực, tinh thần vượt qua mọi thử thách, quyết tâm theo đuổi đến cùng, các bạn hãy chọn ngành học mà mình yêu thích, đam mê. Trong thời đại công nghiệp 4.0, những ngành bạn nghĩ là đang "hot" hôm nay ngày mai có thể sẽ không còn độ "hot". Do vậy, bạn có thể sẽ không tìm được việc làm phù hợp nếu chỉ chọn ngành học theo tiêu chí đó.

2. Sợ giao tiếp với người bản địa

Các du học sinh thường có tâm lý thiếu tự tin, ngại tiếp xúc với người bản địa do lạ lẫm hay hạn chế, do rào cản ngôn ngữ và văn hoá. Chính điều này đã làm mất đi cơ hội tiếp thu ngôn ngữ, kiến thức và làm quen, hoà nhập với văn hoá của người bản địa của các du học sinh.

Ngại làm quen, ngại bắt chuyện thì các bạn rất khó để hoà nhập. Chỉ có giao tiếp thường xuyên với người bản địa mới khiến bạn trở nên năng động, mạnh dạn và biết được những điều mình chưa biết. Điều này giúp các bạn nhiều trong việc học tập, nâng cao khả năng ngôn ngữ, tạo dựng các mối quan hệ, tìm kiếm những cơ hội ở nơi xứ lạ. Lợi ích lớn nhất của việc đi du học là các bạn có thể mở rộng mối quan hệ, hiểu thêm về các nền văn hóa và giúp bản thân ghi điểm cao trong mắt các nhà tuyển dụng quốc tế.

3. Chỉ kết bạn với đồng hương

Các du học sinh chắc chắn sẽ cảm thấy lạc lõng và bỡ ngỡ khi phải sống trong một môi trường mới với những người bạn xa lạ từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Theo tâm lý chung, các bạn sẽ chỉ mong tìm được một người nói ngôn ngữ giống mình, có màu tóc giống như mình, để cảm thấy không đơn độc.

Và các bạn chỉ tìm những người bạn đồng hương để chơi và "né" kết thân với các bạn bè quốc tế. Điều này sẽ gây ra nhiều kết quả không mong muốn như khả năng ngoại ngữ không được thường xuyên trau dồi và nâng cao, vốn kiến thức và hiểu biết về con người và các nền văn hoá khác bị bó hẹp. Ngoài ra, điều này cũng ảnh hưởng tới cơ hội tìm việc của bạn, không chỉ trong phạm vi quốc gia nơi bạn theo học, mà cả cơ hội làm việc ở các công ty nước ngoài ngay tại quê hương của bạn hay ở bất cứ một quốc gia nào khác.

4. Quên không thực hành tiếng Anh

Nhiều du học sinh thường đã có trình độ tiếng Anh khá tốt trước khi đi du học. Điều này khiến các bạn lơ là, chủ quan và quên luôn đi du học là cơ hội để các bạn hoàn thiện tiếng Anh của mình, nhất là kĩ năng nghe và nói. Bạn cần tận dụng tối đa thời gian du học để giao thiệp với người dân bản địa và thực hành tiếng Anh nhiều nhất có thể.

5. Không tạo cho mình những mục tiêu, kế hoạch học tập

Các du học sinh đã trải qua cả một quá trình dài phấn đấu, hoặc cũng có thể do sự trợ giúp về kinh tế của gia đình mà có cơ hội học tập ở nước ngoài. Đây chỉ là bước đầu trong cả một giai đoạn học tập sắp tới của các bạn, đừng mãi choáng ngợp trong những điều mới mẻ, những chuyến du lịch, những danh lam thắng cảnh… mà quên mất mục đích quan trọng nhất là học tập. Trong môi trường hoàn toàn mới, mỗi du học sinh phải tự nỗ lực, phấn đấu để tự lập và phát triển.

6. Mải mê làm thêm chỉ để kiếm được số tiền ít ỏi

Xa gia đình đến sống ở vùng đất mới với nhiều bỡ ngỡ, du học sinh hoàn toàn phải tự chủ, chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình. Do vậy, vừa học vừa tìm kiếm một công việc làm thêm để trang trải phí sinh hoạt là lựa chọn của rất nhiều du học sinh hiện nay. Tuy nhiên, lựa chọn công việc gì để làm thêm cũng là điều các du học sinh cần cân nhắc kĩ, để không ảnh hưởng đến việc học tập.

Làm thêm quá nhiều khiến các bạn chểnh mảng, bỏ bê, lên lớp hay mệt mỏi, uể oải, ngủ trong lớp thậm chí còn bỏ tiết. Thực tế, không hiếm những trường hợp, du học sinh vì ham một chút chi phí kiếm được từ việc làm thêm mà bỏ bê, chểnh mảng việc học. Các bạn nghĩ số tiền này có thể giúp ích được mình. Nhưng trên thực tế, khoản tiền ít hơn rất nhiều so với số tiền các bạn sẽ kiếm được nếu chăm chỉ học tập và tốt nghiệp với kết quả tốt.

Du học không phải là ngày một ngày hai, cũng không phải chỉ trong vài năm ngắn ngủi. Có rất nhiều thứ có thể ảnh hưởng đến tương lai và cuộc sống sau này. Chính vì vậy, hãy chú ý đến việc học tập ngay từ ban đầu, cố gắng tích luỹ kiến thức thật tốt. Các bạn sẽ tìm được một việc làm tốt hơn rất nhiều và những cơ hội khác sẽ đến. Đừng vì những cái lợi nhỏ trước mắt mà làm mất đi cả cơ hội và tương lai rộng lớn phía sau.

7. Thiếu sự chủ động trong học tập

Dù là đại học hay bất kỳ cấp học nào, nếu muốn học hiệu quả, các bạn cần có tư duy phản biện, chủ động tìm kiếm thêm kiến thức bên ngoài, trao đổi và nói lên quan điểm của mình với bạn bè, các giáo viên.

8. Không tham gia vào các hoạt động của trường

Không có cách nào tốt hơn để có thể trau dồi và phát triển khả năng ngoại ngữ của mình, làm quen thêm nhiều bạn mới bằng cách tham gia thật nhiệt tình vào các hoạt động của trường lớp. Đừng tự nhủ rằng đợi đến khi ổn định, quen thuộc hết với mọi thứ ở môi trường mới rồi mới tính đến chuyện tham gia các hoạt động. Nếu nghĩ như thế thì mãi cho đến khi tốt nghiệp các bạn có thể chẳng tham gia được vào bất cứ hoạt động nào trong trường. Đó chính là tâm lý chung của tất cả các sinh viên.

Hãy tham gia vào các hoạt động trong trường. Những người bạn học sẽ giúp bạn có cái nhìn cụ thể hơn về ngành học. Các bạn luôn có thể tìm cho mình được một vị trí phù hợp để thoải mái phát triển bản thân.

9. Không tìm đến sự hướng dẫn của các giáo viên

Đa phần các du học sinh khi mới vào trường thường có tâm lý ngại gặp và giao tiếp với các giáo viên trong trường để hỏi về học tập cũng như sinh hoạt. Đừng ngại ngùng, hãy mạnh dạn mở lời, để có thể lý giải những thắc mắc và khó khăn mà không tự mình giải quyết được, đặc biệt là với những du học sinh năm thứ nhất.

Nếu các bạn vẫn còn ngại ngùng với việc "mở lời" như thế nào, hãy viết email, gửi tin nhắn cho giáo viên về những thắc mắc bạn đang có và hỏi xem khi nào bạn có thể tới gặp họ trực tiếp. Các giáo viên sẽ chào đón những sinh viên có tinh thần học hỏi, tự tin, mạnh dạn như vậy. Đặc biệt là đối với các du học sinh nước ngoài, các giáo viên luôn rất tận tâm và nhiệt tình giải thích những thắc mắc và giúp đỡ cho du học sinh.

10. Không có nhóm học tập

Hầu hết môn học nào cũng sẽ có bài tập nhóm, vì vậy không có nhóm học tập sẽ gây khó khăn cho các bạn. Mỗi quốc gia, mỗi trường sẽ có chương trình học khác nhau, có thể bạn sẽ thi trượt hoặc đạt kết quả không tốt nếu chỉ học một mình. Học nhóm sẽ tạo động lực học cho các bạn nhiều hơn. Trong trường hợp không theo kịp kiến thức, các bạn có thể nhờ sự trợ giúp của bạn bè trong nhóm.

Du học là một cơ hội may mắn dành cho các du học sinh có thể trải nghiệm, khám phá những môi trường mới, kiến thức, văn hoá mới. Vì thế hãy quản lý thời gian thật hợp lý, cân bằng thời gian học tập, làm việc, giải trí. Hãy tích cực hoà nhập vào cuộc sống và học tập trong môi trường mới. Hãy thật tỉnh táo để nhận ra những thứ nên và không nên, tốt hay xấu, có lợi hay có hại cho bản thân mình.

Nguồn: Dantri.com.vn


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức