Tôi, 24 tuổi, chưa đến tuổi già nhưng cũng sắp qua tuổi trẻ. Công việc tạm gọi là ổn định, đủ tiền tiêu. Người yêu chưa có nhưng không quá cô đơn, bạn bè không nhiều nhưng cần là gọi được. Nghe qua thì có vẻ là quá sung sướng, hạnh phúc ở cái tuổi này rồi. Cũng đúng, chắc tại ăn ở tốt nên giờ chưa gặp phải biến cố gì lớn lao, cũng chưa bị đời hành cho lên bờ xuống ruộng để tỉnh táo trở lại.
Tuy chưa phải là cuộc đời mỹ mãn, chưa giàu, chưa trả ơn được nhiều cho bố mẹ nhưng cứ thế này cũng ổn. Dù chữ ổn này cũng đã bị đánh đổi qua không ít những lần vỡ mộng mà tuổi trẻ ném cho rồi.
Lần vỡ mộng đầu đời: Bạn bè ra trường là mất mặt nhau luôn
Không sớm cũng không muộn, canh me đúng lúc sắp nói lời chào thân ái với quãng đời học sinh tập làm người lớn thì cú sốc đầu đời xuất hiện. Thời điểm rất hoàn hảo: tốt nghiệp cấp 3.
Tất cả đám học sinh chúng tôi hồi đó, bất kể là đứa nào đều có chung một điều để theo đuổi, là đậu đại học đậu đi du học! Lớp 12 rồi mà, thời gian học đã không có nhiều, thời gian chơi lại càng rất thiếu.
Càng gần ngày kết thúc kỳ cuối, tình bạn lại càng bền chặt keo sơn. Hiểu lầm xem như hoá giải hết từ đây, ghét bỏ gì nhau cũng cho qua, buổi chia tay tất cả đều ôm nhau nói lời tạm biệt. "Ra trường đừng quên nhau nhé", "Mãi là bạn tốt nhé", "I love you forever bạn yêu", "Bọn mày chính là tình yêu to lớn nhất của đời tao"...
Đúng 1 năm sau, họp lớp không ma nào thèm đi. Nhắn tin thì đứa trả lời, đứa không, cay nhất vẫn là những đứa đã seen mà không thèm rep.
Không trách được ai cả, chỉ là khi đi du học, chúng ta sẽ có thêm bạn mới, những mối quan hệ mới, những công việc khác phải bận tâm. Hoặc cũng do chúng nó vô tâm, từ lâu đã không còn nhớ về quá khứ ôm nhau khóc hứa hẹn của mấy đứa nhóc lớp 12 nữa rồi.
Cũng không sao, bạn cũ à, bọn mày cứ bình an là đủ!
Điều nên nhớ số 1: Lời hứa chỉ có ý nghĩa với những ai biết giữ lời.
Các cặp đôi "tình yêu gà bông" lần lượt bỏ nhau mà đi
Tình bạn cũng có thể nhạt phai, thì tình yêu chưa là gì cả. Lớp tôi hồi đó nhiều con gái, trong đó phải kể đến mấy đứa xinh xinh - các anh khoá trên, các cậu cùng khoá mà kể cả các em khoá dưới cũng đều mê tít mít cả. Đứng đầu bảng tổng sắp này chính là Hạnh.
Hạnh được nhiều người tán vô cùng. Trong số rất nhiều người cưa, nó lại đổ một cậu tầm tầm, không hot boy, cũng chẳng xuất sắc - ngược đời thật, nhưng thôi, chúng nó đối xử tốt với nhau là được rồi.
Yêu nhau được tầm 1 năm thì đến lúc kết thúc cấp 3. Hai chúng nó còn hẹn hứa phải cùng thi vào Kinh tế quốc dân, nhất định phải lên Hà Nội học cùng nhau, rồi ra trường, cùng xin việc và cưới. Hí hí, đứa nào lớp 12 yêu đương mà chả màu hồng như thế. Gian khổ ôn thi, chiến đấu cùng nhau, rồi đùng một phát, tròn 1 tháng nhập học, chúng nó chia tay. Lý do vô vàn quen: không hợp! "Có phải Hà Nội đã khiến em/ anh thay đổi như thế rồi không...?".
Điều nên nhớ số 2: "Tình yêu gà bông" đa phần chỉ tồn tại với những chú gà con. Đủ lông đủ cánh là bỏ nhau bay đi mà thôi..
Ai bảo Du học dễ, chắc chắn là chưa đi học bao giờ!
Nghĩ lại những ngày cuối cùng ôn thi cố sống cố chết của mình, cho tới giờ tôi vẫn thấy tự khâm phục bản thân. Đúng là không có hoa hồng ở cuối con đường thì chắc chẳng ai chịu giẫm chân lên gai cả. Hồi đó, cũng là hồi cấp 3 ấy, tôi được mấy anh chị đã là DHS dụ dỗ, vẽ mây vẽ gió cho nhiều lắm. Nào là đi du học, đi đại học ấy, sướng lắm, thích thì đi, chán thì cứ nằm nhà ngủ. Nói chung đời sống du học, sinh viên cứ như tiên.
Thế là tự tin, hết cấp 3 xem như chính thức hết khổ! Nhưng nào ai có ngờ...
Tôi mất bằng Giỏi vì học lại Toán liên miên. Toán cao cấp, Xác suất thống kê, Kinh tế Lượng - toàn những môn khủng long cả. Nếu đã và đang đi học thì bạn hiểu chúng kinh dị như nào rồi đấy. Gì mà không cần ghi bài đâu, vào phòng thi ngồi chép cũng được.
Nhưng tưởng chép được bài bạn mà dễ à, nó khác đề, vì không hiểu bản chất nên cũng chả biết chép sao cho đúng cơ...
Vẫn may là tấm bằng loại Khá chưa ảnh hưởng gì đến chuyện tôi kiếm việc ở hiện tại. Nhưng những ai có ý định du học, hay kiếm việc nhà nước ổn định, thì chớ có làng nhàng.
Điều nên nhớ thứ 3: Để có một tấm bằng Đại học nhất là tấm bằng du học tử tế, không dễ như mình tưởng... Học hành ấy mà, chưa bao giờ là dễ cả!
Sao đi làm rồi vẫn không có tiền???
Xưa đi học tháng mẹ chuyển khoản đều đặn 2 triệu vào mỗi ngày 30, đến ngày là mừng như đi hội. 2 triệu ngày xưa đủ để chi cho một đống khoản: tiền ăn, tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền đi chơi, tiền mua sắm linh tinh mỗi thứ một chút.
Có tháng còn dư ra ít trăm, tháng sau lại tiếp tục 2 triệu đổ vào tài khoản, thế là giàu! Đời sống vui vẻ, thỉnh thoảng còn cà phê cà pháo nâng cao đời sống tinh thần. Hị hị, thực ra thì đời sinh viên là sướng nhất thật, chưa phải nuôi ai, ăn rồi ngủ, học rồi chơi, yolo hết mình, tháng còn có người gửi tiền trợ cấp.
Giờ nghĩ lại thấy cũng trăn trở, là 2 triệu ngày xưa rất to, hay tại vài triệu bây giờ rất nhỏ mà đi làm rồi lĩnh lương gấp 3,4 lần tiền mẹ gửi hồi trước, chưa đến tháng đã chẳng có đồng nào, vay ngược vay xuôi. Ừ thì cũng ngày 3 bữa, nhưng bữa này đều ra quán ra hàng, liên hoan, cưới hỏi. Đi làm rồi thành ra lười đi chợ, chả tự nấu ăn được mấy hôm. Ừ thì cũng áo áo quần quần, nhưng đi làm thì mỗi ngày phải thay 1 bộ, nhất là con gái, nên nhu cầu may mặc lại bị đẩy lên cao.
Rồi đủ thứ tiền cứ thế đội nón ra đi, đứa 6-7 triệu cũng như đứa 10-15 triệu, chưa hết tháng đã thấy nhẵn ví, mà cũng kiểu "ơ có tiêu gì nhiều lắm đâu".
Điều nên nhớ thứ 4: "Đúng là ở với mẹ con sướng như tiên, ra đời rồi thì mở mắt là tiền, con chịu không nổi..."
Thôi thì, cố gắng lên!
Rồi thi thoảng, tôi lại lên cơn chán đời, thèm được bay nhảy, du lịch như mọi người vẫn khoe. Nghĩ hay là mệt quá thì nghỉ việc quách cho xong, nhưng tiền đâu để ăn, có phải chỉ sống cho mỗi mình nữa đâu mà làm bừa được. Nếu chưa gánh được gia đình thì cũng thôi đừng làm gánh nặng cho bố mẹ, cũng đã quá tuổi dựa dẫm lâu rồi.
Thôi thì, cố gắng lên! Cũng nhiều lúc ghen tị với bạn bè lắm chứ, bằng tuổi mình nó đã làm chủ này kia, kiếm được nhiều tiền, không thì cũng đã có một gia đình nhỏ, một người ở bên, yêu thương và chăm sóc nó. Nhưng nhìn từ ngoài vào ai biết được ai sướng ai không, chúng nó cũng như mình, cũng từng đi qua những tháng ngày "vỡ mộng" như thế.
Rồi cũng thương mấy đứa cứ trầy trật mãi, công việc chưa đâu vào đâu, dù ngày xưa xuất phát điểm nó hơn mình, giờ cũng bế tắc chẳng biết tiến lùi làm sao nữa. Ngày nào cũng rải hồ sơ, dù bảng điểm ngon lành, kinh nghiệm cũng có ít nhiều nhưng thôi, chắc là do số nên chưa thấy bên nào nhận.
Ai chẳng có nỗi khổ riêng, ừ thôi, cố lên nhỉ! Cố lên mấy đứa trẻ chưa qua già chưa tới. Trưởng thành ấy mà, cũng buồn mà rồi cũng vui!
Nguồn: Kenh14.vn
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...