Cựu du học sinh Đức tâm huyết với dự án môi trường Việt Nam

Cựu du học sinh Đức tâm huyết với dự án môi trường Việt Nam

Chúng tôi ấn tượng với Nguyễn Kim Phượng bởi nụ cười rất tươi, cô gái 28 tuổi yêu thích sống xanh luôn muốn cống hiến thật nhiều với những dự án vì môi trường xanh Việt Nam.

1 1 Cuu Du Hoc Sinh Duc Tam Huyet Voi Du An Moi Truong Viet Nam

Cô gái luôn thường trực nụ cười trên môi K.P

Tốt nghiệp khoa tiếng Đức, Trường ĐH Hà Nội, Kim Phượng sang Đức học ngành báo chí – quan hệ công chúng tại Trường Westfälische Hochschule, hiện thực hóa ước mơ được trải nghiệm những điều trước đây cô chỉ được thấy qua sách vở.

Cô gái sống xanh năng động

Hiện làm việc tại Đức, nhưng Phượng luôn quan tâm tới lối sống xanh bền vững, cô vận động bạn bè, người thân không dùng ống hút nhựa, hạn chế tối đa sử dụng túi nilon và đồ nhựa, phân loại rác thải khi vứt bỏ. Bên người Phượng luôn có chiếc túi vải, chai thủy tinh và một bộ đồ thìa, đũa, ống hút bằng tre. Khi mua mỹ phẩm, cô cũng ưu tiên những loại trong thành phần không chứa hạt vi nhựa. “Những việc này gần như là thói quen tại Đức, nơi tôi đang sinh sống. Ở đây mọi người ủng hộ việc sống xanh và bảo vệ môi trường, từ những hành vi và thói quen rất nhỏ”, Phượng nói.

Khi là sinh viên, cô gái trẻ đã tham gia nhiều hoạt động của Hội sinh viên Việt Nam tại Đức; Hội hỗ trợ phụ nữ và trẻ em tại Đức. Cô gái Việt Nam thường rủ bạn bè thân thiết tham gia vào các hoạt động giới thiệu văn hóa Việt và gây quỹ cho trẻ em nghèo ở Việt Nam trong khuôn khổ các lễ hội văn hóa tại thành phố và khu vực lân cận nơi cô sinh sống.

1 2 Cuu Du Hoc Sinh Duc Tam Huyet Voi Du An Moi Truong Viet Nam

1 3 Cuu Du Hoc Sinh Duc Tam Huyet Voi Du An Moi Truong Viet Nam

1 4 Cuu Du Hoc Sinh Duc Tam Huyet Voi Du An Moi Truong Viet Nam

Phượng luôn làm cho cuộc sống của mình nhiều màu sắc K.P

Hội sinh viên Việt Nam tại Đức mang lại cho Phượng mối quan hệ bạn bè từ nhiều nơi trên nước Đức và châu Âu. Cô gái trẻ chia sẻ: “Chuyến đi du lịch đến quốc gia nào ở châu Âu tôi cũng không cô đơn vì luôn có bạn bè. Mỗi năm Hội sinh viên Việt Nam tại Đức đều tổ chức trại hè, đây là nơi gặp gỡ, giao lưu cho các bạn sinh viên Việt Nam đến từ khắp nơi trên nước Đức. Nhờ tham gia vào các hoạt động này mà mùa hè năm nào với tôi cũng là khoảng thời gian vô cùng sôi động. Với Hội hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, tôi được tham gia các dự án do nhà nước Đức tài trợ, hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Đức. Đây là môi trường tuyệt vời để tôi gặp gỡ những người đi trước, tích lũy kinh nghiệm, học cách làm việc chuyên nghiệp và định hướng rõ ràng nghề nghiệp sau này” .

Hiện tại, Phượng làm vai trò quan hệ công chúng (PR) cho một xưởng sản xuất nhỏ tại Đức. Bên cạnh đó cô vẫn hoạt động cá nhân, tìm và xin các dự án hỗ trợ về Việt Nam. Phượng đang tiến hành mở một tổ chức phi lợi nhuận tại Đức để theo đuổi việc xin và làm dự án xã hội, hỗ trợ phát triển về Việt Nam và người Việt tại Đức cơ hội được giúp đỡ lâu dài và có hệ thống hơn.

 

1 5 Cuu Du Hoc Sinh Duc Tam Huyet Voi Du An Moi Truong Viet Nam

Sống ở Đức nhưng trái tim Phượng luôn hướng về Việt Nam K.P

Tháng 8 vừa qua, Phượng và một chị bạn thân đại diện hội sinh viên Việt Nam tại thành phố Frankfurt am Main kết hợp với Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Kiên Giang và ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tổ chức một khóa học về nuôi cá bền vững, trồng mới rạn san hô và tuyên truyền cho bà con tác hại của rác thải nhựa du lịch tới môi trường biển (Trung tâm di trú quốc tế và phát triển CIM/GIZ tại Đức tài trợ). Sau khóa học tháng 8, một vườn ươm tái tạo rạn san hô bằng phương pháp đơn giản, chi phí ít đã được các học viên cùng ban quản lý biển Cù Lao Chàm xây dựng và chăm sóc, đang phát triển rất tốt…

Những giọt nước mắt nơi xứ người

Xinh đẹp, năng động, tràn đầy khát vọng, Phượng là mẫu hình ao ước của nhiều bạn trẻ. Thế nhưng, để có thành công như ngày hôm nay, Phượng đã từng trải qua thời gian khó khăn ở xứ người. Gần 2 năm đầu tiên mới sang Đức, khu Phượng ở gần như chỉ có những người bạn Đức. Ngành Phượng học cũng chỉ có một mình cô là người nước ngoài. Phượng lạc lõng, có lúc stress vì thấy mình kém cỏi, cô đơn.

 

1 6 Cuu Du Hoc Sinh Duc Tam Huyet Voi Du An Moi Truong Viet Nam

Phượng chủ động hỏi thêm bạn bè, thầy cô để mình tốt hơn mỗi ngày K.P

Phượng chia sẻ về quãng thời gian này: “Những ngày đầu tiên sang Đức, háo hức mấy cũng không át được nỗi sợ hãi và cô đơn. Tôi không có sẵn người thân, bạn bè ở Đức. Nhiều ngày cuối tuần, thấy các bạn cùng nhà xếp va li về thăm bố mẹ, tôi cứ ngồi nhìn ra bến xe buýt, chỉ mong có một nơi để về. Có đủ nỗi sợ bủa vây, nhưng sợ nhất là mình bị ốm, không phải vì lúc đấy tủi thân, mà là ốm thì không ai học giúp, làm giúp cho. Có những ngày cứ đi học, đi làm về là tôi khóc cả quãng đường, vì mệt, nhớ nhà, cảm giác bất lực vì nghĩ mình đuối hơn so với các bạn quá nhiều. Tôi học báo chí và quan hệ công chúng, ngôn ngữ gần như là công cụ chính của ngành học. Khoa mình học năm đó lại chỉ mình tôi là người nước ngoài…”.

Phượng chủ động đề nghị bạn bè giúp đỡ, chủ động hỏi han, quan tâm đến các bạn và mọi người xung quanh mình. Được làm con trong một gia đình người Đức, Phượng không ngần ngại học hỏi mọi thứ, từ ngôn ngữ, văn hóa… Dần dần các bạn cùng lớp và cùng nhà thân thiết với Phượng hơn. Cô đã có “mái nhà” và những người xa lạ nhưng thân thiết như người thân để qua lại những dịp như Giáng sinh, năm mới… Không chỉ học tốt, có thời gian làm thêm, Phượng chơi nhiều môn thể thao như cầu lông, bơi, boxing, gym; gặp bạn bè; đi du lịch… Cô gái trẻ mỉm cười: “Đó là cách tôi làm cho cuộc sống của mình phong phú hơn, chỉ có như vậy thì nỗi buồn mới không còn nơi ở”.

Nguồn: Thanh niên


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC