Định kiến về người Đức

Nhiều bạn nhận xét người Đức khó chơi. Hồi mình ở Việt Nam cũng nghe nhiều bạn học khoa Đức kể người Đức lạnh lùng lắm.

Thế tính cách của người Đức nói chung thế nào?

Có khá nhiều ý kiến khác nhau từ sinh viên Việt Nam nhưng bạn khó có thể gộp chung người Đức thành 1 và nhận xét họ.

Ngay người Việt Nam, mỗi người cũng có tính cách và sở thích khác nhau. Bạn cũng không thể ai cũng kết bạn được đúng không?

Đến Việt Nam còn có nhiều định kiến về vùng miền…mà đến khi gặp bạn ở vùng khác nói chuyện cả nhau hai đứa cũng phải đến lăn ra cười. 

Định kiến về người Đức - 0
Bạn trong Hội sinh viên Việt Nam tại Đức – từng học Master ở Đức nhận xét chung về người Đức như sau: 

  • Bản chất người Đức, thực sự, họ không quá phân biệt chủng tộc, ko kì thị giàu nghèo, nhưng họ rất coi trọng bằng cấp và họ phân biệt tầng lớp nặng nề.
  • Ngoài ra do lòng tự tôn với dân tộc họ rất cao, nên họ rất coi thường những người nước ngoài không có lòng tự trọng, không có nỗ lực để vươn lên.
  • Ngoài ra, họ cũng rất thực tế, thực tế đến mức thực dụng, nếu bạn ko giỏi bằng và hơn họ, họ sẽ không muốn tiếp xúc với bạn, vì tiếp xúc với bạn không đem lại cái gì cho họ.
  • Họ sống lạnh lùng, khép kín, và chỉ mở lòng với những người thực sự hợp với họ. Nên việc giao tiếp hay không, đối với họ không quá quan trọng. 

Nếu bạn dịch nhận xét này cho người Đức, sẽ khiến nhiều người bật cười và thấy khá thất vọng.

Cái này thực ra là định kiến. Giả sử như người Đức nghĩ về người Việt Nam như…”Ồ người Việt hả, chỉ muốn tìm cách ở lại để lợi dụng hệ thống an sinh của Đức. Làm giả ăn thật. Làm ăn không theo quy tắc và chỉ tìm cách luồn lách ..v..v” Nếu các bạn nghe lại những điều này từ chính người Đức thì thế nào? 

Việc các bạn tiếp xúc và có trải nghiệm xấu với người Đức trong trải nghiệm du học của bạn không có nghĩa là người khác cũng vậy. Mình sống ở một vài thành phố khác nhau và mình vẫn gặp những người Đức rất tốt ngay từ ngày bắt đầu đặt chân tới Đức

Định kiến về người Đức - 1

Trên nước Đức ngay cả người dân mỗi vùng miền cũng có những định kiến khác nhau.

Người dân vùng Schwäbsich thường được dân các vùng khác biết tới như những người tằn tiện, chi tiêu chắt bóp cả đời để đủ tiền xây nhà, rồi tính cách khó gần.

Ngày xưa khi mình đang học tiếng Đức ở Bonn, có nói với cô giáo là kỳ tới chuyển tới Stuttgart là cô giáo kêu ngay trời đất, sao lại chuyển đi.

Vùng Köln-Bonn mới là nơi tuyệt vời để học tập vì đây là nơi phát triển, con người cởi mở thân thiện.

Bạn bè Đức vùng Köln-Bonn cũng không mặn mà với Stuttgart cho lắm, nói nếu có đi chơi ở Đức thì chỉ đi Frankfurt, München hay Berlin thôi khiến lúc mình chuyển đi mà hụt hẫng.

Thế nhưng chót yêu chồng người vùng Schwäbisch chính hiệu thì mới biết rằng cái định kiến không hay kia chỉ là vậy thôi. Mình vẫn gặp những người bạn rất tốt ở nơi đây. 

Sang Đức, bạn nên hòa mình và học thêm về văn hóa Đức sẽ giúp bạn rất nhiều điều về việc học tập và làm việc cùng người Đức.

Mình không quan tâm có những người đã ở Đức hàng chục năm và cứ tưởng đã hiểu biết tất cả về người Đức hay văn hóa Đức. Mình tự tìm hiểu về người Đức theo cách của mình, tiếp xúc với họ trực tiếp và đặc biệt hơn là tham gia các khóa học về văn hóa như là Interkulturelle Kompetenz ngay tại trường đại học.

Mình từng tham gia khóa học này và đã học về văn hóa Đức cùng với sinh viên quốc tế và cả sinh viên Đức. Khóa học do các giảng viên có chuyên môn dạy học và họ đã đưa ra cho mình rất nhiều lời khuyên trước định kiến về người Đức. 

Tham gia khóa học mình mới biết rằng có rất nhiều sinh viên quốc tế gặp khó khăn với việc làm quen kết bạn với sinh viên Đức. Còn sinh viên Đức ngồi học há hốc mồm khi nghe nhận xét chung của sinh viên quốc tế về sinh viên Đức, về người Đức.

Cuối cùng thì rút ra là các bạn chưa hiểu văn hóa Đức, cách suy nghĩ của người Đức mà cứ phán xét, quy chụp nó. 

Định kiến về người Đức - 2

Ví dụ : Sinh viên Mỹ hoặc sinh viên quốc tế thường rất dễ trao đổi số điện thoại cho nhau và hỏi tại sao sinh viên Đức có vẻ rất khó khăn với trao đổi số điện thoại liên lạc lần đầu gặp gỡ. 

Giảng viên cho 1 sinh viên Đức ngồi kế giải thích: Số điện thoại có ý nghĩa rất đặc biệt với người Đức (thông tin cá nhân) và họ chỉ đưa nó cho bạn khi họ đã tin tưởng bạn qua một số lần tiếp xúc.

Sinh viên Đức thường thấy không thoải mái với người lần đầu gặp gỡ đã hỏi số điện thoại. 

Theo mình thấy cái này cũng bình thường thôi, bạn cho số điện thoại linh tinh rồi người ta gọi điện thoại quấy rầy rồi nhắn tin cũng mệt lắm.

Sinh viên Mỹ đi đâu cũng trao đổi số điện thoại mà xong có bao giờ nhắn mình đâu hix hix thế thì để làm gì?

Ở Đức một thời gian mình hạn chế trao đổi số điện thoại rồi !

Các bạn cũng cẩn thận đừng ham mấy cái phiếu mua hàng vài trăm Euro lừa đảo trên mạng rồi điền thông tin cá nhân vào đó nhé.

Mình bị một lần hồi mới sang Đức cách tới giờ luôn vì bị gọi điện và email Spam nhiều khiến phải đổi số. Từ đó, có các sạp báo ở bến tàu mời mọc nhận báo miễn phí phải điền thông tin hay bất kể hãng gì cho miễn phí nhưng yêu cầu điền thông tin cá nhân (địa chỉ, số điện thoại, email) là mình chạy ngay. 

Chúng ta là du học sinh, sang Đức học, ai lại không muốn kết bạn với người Đức để hòa nhập, học tiếng chứ đúng không? Ừ thì có thể người ta không cần mình, nhưng mình rất cần người ta vậy thì hãy học cách nhập gia tùy tục và tôn trọng văn hóa Đức (đừng nói là bạn du học Đức nhưng không thèm chơi cả sinh viên Đức mà chỉ chơi cả người Việt nhé T.T ).

Có những người bạn Đức đối xử tốt và trở thành bạn của mình chỉ vì chúng mình là những người bạn, quan tâm tới nhau và sẵn sàng giúp đỡ nhau. 

Nếu muốn kết bạn với người Đức hãy đừng ngại ngùng và sẵn sàng trao đổi các vấn đề về văn hóa.

Về khoản tính cách người Đức mình thấy đa số đều thẳng thắn nên rất dễ dàng chia sẻ và giải quyết các hiểu lầm. Khi mình không hiểu điều gì, mình đều hỏi thẳng các bạn Đức tại sao họ làm vậy và suy nghĩ của mình, tại sao mình đã làm khác đi. Mình cũng sẵn sàng học và tiếp nhận văn hóa và cách ứng xử ở Đức. 

Ví dụ mình và gia đình Đức bàn bạc về một kế hoạch cuối tuần, thì gia đình mình đều yêu cầu mình phải quyết định ngay chứ không ngập ngừng.

Thưc ra hồi ở Việt Nam lên kế hoạch gì thì cũng đại khái, mà bàn thì sau đó còn phải suy nghĩ mới quyết định.

Nhưng thường người Đức muốn lên kế hoạch luôn và quyết định nhanh chóng. Mình hỏi ngay tại sao phải trả lời ngay thì gia đình người Đức nói là để tiết kiệm thời gian và họ còn có những quyết định khác.

Cũng như vậy khi mình ngồi nói chuyện với bạn người Đức là chúng mình nên đi xem phim. Thế là cô bạn giở ngay sổ, xem lịch xem ngày rồi ghi ngay lập tức vào sổ ngày giờ gặp gỡ.

Đúng là người Đức làm việc theo kiểu đặt lịch hẹn (Termin) là vậy và thường họ không muốn thay đổi nó vì họ đã lên kế hoạch có khi cho…cả 1 tháng luôn rồi. 

Hiếm khi người Đức có kiểu lên quyết định tức thời làm gì đó.

Trong khi đó ở Việt Nam, thích là A lô điện thoại rủ cô bạn đi ăn vặt hoặc tiện đường ghé nhà bạn chơi. Điều này không chỉ khiến sinh viên Việt nam chúng ta thấy lạ mà sinh viên Mỹ cũng thế…nên họ cũng nêu câu hỏi tương tự. 

Định kiến về người Đức - 3

Thế rồi, giảng viên người Đức mới kể chuyện là ông sang Mỹ làm việc, đồng nghiệp người Mỹ mới nói là có khi cuối tuần chúng ta đi xem đá bóng nhưng ông đợi mãi chả thấy ông đồng nghiệp gọi đâu.

Ông nói ngay là người Mỹ nói chuyện kiểu rất lịch sự nhưng mà không hay thực hiện những lời đã nói. Trải nghiệm này mình thấy có hơi bị đúng… tại mấy học kỳ vừa qua gặp nhiều bạn sinh viên trao đổi từ Mỹ sang mà bạn nào cũng trao đổi số điện thoại cả mình, hẹn là chắc chắn phải đi chơi thật đấy.

Có bạn chủ động xin số, nói rất thích Việt Nam blah blah nhưng cả học kỳ quá bận không có thời gian gặp chỉ được ngày đầu hót hay.

Trong khi đó mình vẫn gặp sinh viên Đức học cùng và sinh viên quốc tế đều đều…bó tay.

Sau mấy học kỳ gần đây mình mới gặp được 1 em sinh viên Mỹ mình khá quý mến vì học cùng nhưng mà em này hẹn hò cũng …hơi linh tinh không được như mấy bạn sinh viên Đức…một khi đã hẹn là rất chắc chắn! 

Các bạn ở Việt Nam hay sang Đức rồi đừng nghe người ta nói người Đức phân biệt kì thị, khó chơi lắm nhé.

Người ta nói hay nhận xét là chuyện của người ta còn việc thực hiện là của mình. Và một khi đã đi du học, hãy sẵn sàng học hỏi và tiếp nhận văn hóa bản địa.

Hãy bỏ qua những ngại ngùng mà hãy đặt câu hỏi và tìm được ra câu trả lời.

Ngoài ra chúng ta cũng nên chọn bạn mà chơi và bạn bè còn có duyên số nữa. Đâu phải cứ bạn Đức nào ưa nhìn, học cùng là chơi được cùng mà còn phải hợp nhau nữa mới thành bạn thực sư của nhau được..không thì chỉ là bạn cùng lớp.

Cuối bài mình chỉ muốn nhắn nhủ các bạn sinh viên rằng đừng thu mình trong vỏ kén mà phải bản lĩnh bước ra ngoài, kết bạn với bạn Đức chứ đừng mang những định kiến sinh viên Đức thế này thế kia rồi quay đi quẩn lại chỉ dám..chơi cả bạn người Việt tại Đức vì nói cùng một ngôn ngữ và có chung nền văn hóa để dễ hiểu nhau hơn.

Trần Lan Hương - DUHOCDUC.DE


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC