Một phụ huynh 60 tuổi, có con học tại Hàn Quốc than thở: “Mở miệng ra là nó bảo: "Bên kia ấy à…”, rồi chê bai ở nhà lạc hậu.
Ra đường nó bảo: “Bên kia không đi bộ trên vỉa hè mà đi trên cầu vượt”. Về nhà nó lại kêu: “Phải có chỗ tắm riêng, tắm chung chỗ bồn cầu và lababo thế này, ướt nhoe ướt nhoét thấy kinh”. Giờ nó không dùng giấy viết thư mà phải là “I meo”, “ép cam” mới hợp thời.
Nếu trước đây, du học là phong trào của người giàu thành thị với hai thị trường chính là Australia và Singapore, thì nay đã mở rộng thêm nhiều. Châu Âu có Ailen, Pháp, Đức, Hà Lan, Thuỵ Sỹ, Nga…, châu Á có Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Thị trường Mỹ là độc quyền của những “danh gia vọng tộc”.
Những lời chào mời hấp dẫn như “Du học Hà Lan không mất tiền”, “Du học Pháp miễn học phí 90%”, “Du học Nhật Bản có việc làm thêm ngay”… đã khiến nhiều gia đình có mức thu nhập vào loại khá có chắt bóp hầu bao cho con đi học.
Chị Hạnh, một tiểu thương ở Lạng Sơn, khoe: “Mình cho nó đi học ở Trung Quốc, mỗi năm hết 70 triệu đấy”. Tôi hỏi: “Chắc sang đó, em phải làm thêm?”. “Không, người nó bé thế này thì làm được cái gì, mình bao tất”. Chị cũng khoe năm nay em nó đỗ trường Thương Mại đấy, tuy nhiên vào thời điểm đó, chưa trường nào công bố điểm chuẩn!
Cùng chọn Trung Quốc như chị Hạnh, ông Tùng, phụ huynh của em Minh thì nói: “Chắc chắn nó thi ĐH sẽ không đỗ, cho nó đi du học là tốt nhất”. Những người có suy nghĩ như ông Tùng không phải là hiếm. Họ nghĩ đến du học như là một lựa chọn thứ 2 nếu con không đỗ vào ĐH. Dân tư vấn du học gọi đùa đó là “chảy máu chất xám…đen”.
Đối với đại đa số gia đình, khoảng 100 triệu đồng mỗi năm không phải là khoản tiền nhỏ. Nhưng họ sẵn sàng hi sinh vì tương lai con em mình. Hầu hết các vị phụ huynh đều coi du học là một chứng chỉ chất lượng cho tấm bằng ĐH. Người ta có thể ngại ngùng khi con mình không đỗ vào một trường ĐH danh tiếng trong nước nhưng tự hào khoe “con tôi đang du học”, bất kể đó là nước nào, trường nào.
Cứ theo như lời quảng cáo trong các buổi hội thảo du học thì trường nào cũng có cơ sở vật chất, chương trình học tiên tiến vào bậc nhất. Các vị phụ huynh nghe đâu biết vậy, cũng chẳng biết kiểm chứng ở đâu. Họ thường chọn theo tiêu chí “hợp túi tiền là nhất”. Chính vì thế, sau khi chọn được nước nào để du học thì việc còn lại là “Trung tâm đặt đâu, phụ huynh ngồi đấy”.
Mỗi trung tâm tư vấn thường có một số trường liên kết và kiểu gì, khách hàng của họ cũng phải vào học một trong số những trường đó. Vì thế, nhiều phụ huynh ngã ngửa khi sang đến nơi mới biết con mình phải vào học một trường hẻo lánh, bốn bề là núi rừng. Hoặc nghe lời quảng cáo quá hay, nhưng vào học mới biết đó là trường dạy nghề mới nâng cấp lên CĐ.
Trong số lưu học sinh đã đi học, hoặc đã hoàn tất thủ tục đăng ký, phần lớn đều chọn ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, bất kể ngành này có phải là thế mạnh của nước đó hay không.
Hà, một du học sinh sắp lên đường sang Pháp, buồn bã: “Em thích học kiến trúc nhưng bố mẹ em không đồng ý, vả lại nếu muốn vào kiến trúc phải thi năng khiếu rất khó, học kinh tế cho chắc ăn”.
Các vị phụ huynh thường làm một phép tính đơn giản, mỗi năm chỉ tiêu cho con hết 100 triệu, thì 4, 5 năm mất 500 triệu là nhiều. Nhưng theo chị Thu Hằng, nhân viên tư vấn của Công ty An Việt Sơn, số học sinh lên lớp đều đặn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần vì khó khăn về ngôn ngữ, phần vì chưa quen với cách học mới, phần vì mải làm thêm, phải “giao lưu”, số năm học thực tế tăng thêm gấp rưỡi dự định ban đầu.
Nhiều người trước khi đi, nghĩ đơn giản “sinh viên nước ngoài ắt được ưu tiên, nhưng chủ trương “vào dễ ra khó” khiến nhiều gia đình tiến thoái lưỡng nan.
Lại nữa, một mình tự do nơi đất khách quê người, các lưu học sinh gặp không ít trở ngại. Cộng đồng lưu học sinh Nga luôn bị ám ảnh bởi nỗi lo bị “bọn đầu trọc” tấn công. Lưu học sinh ở Mỹ thì lo bị thành phần quá khích để mắt. Lưu học sinh tại Australi, nơi có đông người Việt nhất, thoải mái hơn nhưng cũng dễ sa ngã hơn.
Minh, 6 năm chưa học xong chương trình ĐH, nhưng thư đi thư về cho bạn bè luôn phải cập nhật tình hình… “bồ” mới. Không chỉ chuyện yêu đương, nhiều ông bố, bà mẹ kêu trời: “Nó ăn phải bả Tây hay sao ấy”. Tú, hiện đang học tại Hà Lan, trong lần nghỉ hè về Việt Nam đã sụt mất 2 cân do “thức ăn không hợp khẩu vị”.
Cha mẹ của Tuấn, cựu học sinh trường Amsterdam, hiện đang học ở Nhật, thì nẫu ruột vì có mỗi một cậu quý tử mà nó nhất quyết học xong thì xin việc rồi ở hẳn bên đó, không về nữa. Tuấn còn dứt khoát ra tối hậu thư với người yêu: “Hoặc là sang đây cùng sống hoặc là đường ai nấy đi”.
Khang, một sinh viên khá nổi tiếng trong giới học sinh tại Paris, sau 6 năm học về nước. Nhưng Khang không chịu về ở cùng bố mẹ mà tự thuê nhà riêng dù bố mẹ ở cùng thành phố vì quen sống độc lập.
Bỏ ra hàng chục nghìn đô la cho con học hành, các bậc phụ huynh không mong gì hơn cho con được trưởng thành để về nước, cầm tấm bằng nước ngoài, xin việc dễ hơn. Vì vậy, dù có khối tấm gương nhãn tiền về những điều con cái họ thu nhận được ở nước ngoài không chỉ là kiến thức, vẫn có không biết bao nhiêu người đặt trọn niềm tin vào hai chữ “du học”. Nhưng có thật sự đi du học về, các em có thực sự là một nhân vật nổi bật?
Chị Hoàng Anh, nhân viên quản lý nhân sự một công ty thuộc FPT, cho biết: “Những ứng viên có tấm bằng ĐH ở nước ngoài được chúng tôi chú ý. Không phủ nhận là nhiều em không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có cách làm việc rất khoa học. Cũng không ít người chỉ là hữu danh vô thực. Biết làm sao được khi du học cũng có năm bảy đường”.
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...