Du học: Những sai lầm đáng tiếc

dan-choiNhiều bậc cha mẹ tìm mọi cách ép con du học mà không biết con mình có khả năng hay không và phải chuẩn bị những gì. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả đáng buồn…Những nguy cơ khó lường

Với mong muốn con em mình được nâng cao kỹ năng sống, hiểu biết những nền văn hóa khác nhau, để trở thành công dân thế giới, có thể sống và làm việc trong mọi môi trường, nhiều gia đình coi du học là giải pháp thức thời và tối ưu.

Đáng buồn là còn ít người hiểu rằng, đôi khi du học lại khiến không ít em bị đẩy ra khỏi môi trường sống quen thuộc đến nơi có nhiều nguy cơ rình rập.

Cách đây không lâu, cái chết của một sinh viên Việt Nam du học tại Đại học Golden West Community, Mỹ gây xôn xao dư luận. Nạn nhân là N.M.C, sinh viên Đại học Golden West Community, treo cổ tự tử tại nhà trọ ở thành phố Westminster.

Trước đó, ngày 24/10/2009, tại San Jose, California, sinh viên P.H - người Việt Nam bị cảnh sát đánh bằng dùi cui và súng bắn điện hơn 10 lần, trong đó một lần bị đập vào đầu vì bị nghi ngờ tấn công người bạn cùng phòng.

Ngày 17/7/2009, thi thể du học sinh N.M.N được phát hiện trong tủ đựng quần áo tại một căn phòng của ký túc xá Queensway Singapore. N mới sang được gần hai tháng và đang học tiếng Anh tại Học viện Quản lý phát triển Singapore.
Ngọc Hà - một du học sinh tại Anh chia sẻ: “Đối với những du học sinh xa nhà, những tác động về tâm lý, tình cảm ảnh hưởng khá sâu sắc. Khi xảy ra bất kỳ sự cố nào như kết quả học tập kém, chia tay người yêu…, nếu ở Việt Nam, họ còn có bạn bè, người thân, gia đình để chia sẻ, nương tựa. Ở nước ngoài, họ chỉ có một mình.

Họ thường rơi vào trạng thái cô đơn, trống vắng vô cùng nên nỗi buồn theo đó tăng lên nhiều lần. Nếu không có bản lĩnh vững vàng, chuyện tìm đến cái chết rất dễ xảy ra, đặc biệt với bạn nam khi cảm thấy bức bối, stress kéo dài.
Bên cạnh đó, môi trường sống ở nước ngoài quá xa lạ so với Việt Nam, nhiều nơi mất an toàn mà các bạn trẻ không lường hết được. Sự khác biệt về văn hóa, dân tộc giữa các du học sinh với nhau và du học sinh với người dân bản địa cũng là một rào cản không nhỏ”…
 

Tiền mất, tật vẫn mang

Nói về lý do cho con gái duy nhất du học tại Australia, chị Vũ Thảo Trang - nhân viên kế toán tại một công ty nước ngoài thở dài: “Tôi muốn cho con gái đi du học để mở mang tầm mắt. Trong khi gia đình khác phải nuôi hai, ba con thì vợ chồng tôi chỉ có một con nên luôn mong cháu học thành tài.

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, nghe con báo về Việt Nam ăn tết, vợ chồng tôi mừng đến mất ăn, ngủ. Tuy vậy, đến ngày hẹn, con gái tôi gọi điện về báo sẽ đưa người yêu đi du lịch vài ngày ở Nha Trang rồi mới ra Hà Nội.

Năm ngày sau, khi tôi ra sân bay đón, con gái lại dội tiếp gáo nước lạnh: Chúng con ở khách sạn cho thoải mái. Trước khi đi, nó nói với vợ chồng tôi câu xanh rờn: Con sẽ lấy chồng nước ngoài rồi nhập quốc tịch và làm việc bên đó chứ không về Việt Nam... Khi nào bố mẹ về hưu, nếu thích con sẽ đón bố mẹ sang, ở bên ấy nhà dưỡng lão có điều kiện rất tốt...”.

Lại có không ít gia đình khá giả nhưng thất bại trong việc quản lý, giáo dục con cái, và một trong những giải pháp họ chọn là đưa con ra nước ngoài với hy vọng cách ly con mình với các mối quan hệ bất lợi. Tuy nhiên, giải pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả.

“Một hôm trên đường đi làm về, tôi thấy một thanh niên giống hệt con trai mình đang khoác vai cô gái. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì con trai tôi đang du học ở Singapore. Để kiểm chứng, tôi phóng xe lên xem thử nhưng đường quá đông, tôi không theo kịp.

Tôi gọi điện cho con thì thấy nó bảo con vẫn đang trên lớp. Bán tín bán nghi, tôi đến một văn phòng thám tử tư nhờ làm rõ thực hư. Hơn một tuần sau, tôi được văn phòng này thông báo, đúng là cậu quý tử của tôi về Hà Nội hôm đó và đã về rất nhiều lần.

Vậy là cuối cùng, quyết định ép con du học với hy vọng môi trường giáo dục nước ngoài khiến con mình sẽ thay đổi, tránh xa chuyện yêu đương nhăng nhít của vợ chồng tôi đã phá sản” - chị Thu Ngà ở khu đô thị Mỹ Đình (huyện Từ Liêm, Hà Nội) than vãn.

Ngoài những đối tượng bất trị bị ép đi du học, còn có không ít bạn trẻ do sức học yếu không thi đỗ đại học trong nước nên phải đi du học nhằm “giải quyết” sĩ diện cho bố mẹ.

Có những em không thể theo nổi chương trình học ở nước ngoài nên đã chán nản, bỏ học hoặc giao du với đám bạn xấu. Trong khi đó, bố mẹ ở nhà không biết con em mình học hành ra sao, chỉ lấy cái mác “con đi du học” để… sĩ diện!?

Theo bà Lê Thị Tuý, chuyên gia tư vấn của Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc Việt Nam, với con cái, quản lý gần luôn tốt hơn quản lý từ xa.

Việc bắt con đi du học không phải giải pháp giáo dục tốt, cũng không phải “phép màu” để biến con hư thành con ngoan như các bậc phụ huynh vẫn lầm tưởng, bởi nó không xuất phát từ mong muốn và ý thức tự giác học tập của con mà chỉ là giải pháp chữa cháy tạm thời cho chính bản thân cha mẹ mà thôi.

Sai lầm ở chỗ, khi cho con du học ngay cả bản thân họ cũng không xác định được mục tiêu của việc này là gì nên vẫn cứ ảo tưởng “cứ đi du học là sẽ thành tài và môi trường giáo dục “ngoại” nào cũng ưu việt”…

 

Theo ANTĐ.


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài khác trong Góc Du học