Du học sinh Việt không đủ tiền về nước ăn Tết

Du học sinh Việt không đủ tiền về nước ăn Tết

Nhiều du học sinh Việt Nam đành phải đón dịp Tết lần thứ 3, thứ 4 tại nước ngoài do ảnh hưởng bởi dịch bệnh cùng chi phí về nước đắt đỏ.  

Mở trang web đặt vé máy bay, Hà Hương Giang (26 tuổi, du học sinh tại Anh) thở dài vì giá vé một chiều về Việt Nam trong tháng 1/2022 đã lên tới 55 triệu đồng, quá cao so với khả năng tài chính của cô.

Hai mùa Tết Nguyên đán đã qua, Giang không thể đoàn viên cùng gia đình do dịch bệnh cũng như lịch thi tại trường đại học.

Năm nay, chi phí bay tốn kém kèm quy định cách ly ngặt nghèo chính là rào cản khiến cô phải tiếp tục phải ở lại ăn Tết tại xứ sở sương mù.

“Khi mới sang Anh du học bậc thạc sĩ, mình dự định đi một năm thôi rồi sẽ về thăm nhà, ăn Tết cùng gia đình. Giờ đã hai năm rưỡi rồi, mình vẫn chỉ có thể gặp cha mẹ qua điện thoại”, Hương Giang buồn bã, chia sẻ với Zing.

1 Du Hoc Sinh Viet Khong Du Tien Ve Nuoc An Tet

Hương Giang đã học tập tại Anh 2,5 năm.

Không đủ tiền

Mới đây, phương án thí điểm khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam đã được Bộ Giao thông vận tải đề xuất.

Theo đó, từ 1/1/2022, Việt Nam dự kiến tiếp nhận các chuyến bay về từ Kuala Lumpur (Malaysia), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sydney (Úc) và Moscow (Nga).

Ngoài những chuyến bay thương mại thường lệ, người Việt tại nước ngoài cũng có thể về nước trên những chuyến bay dịch vụ trọn gói được tổ chức bởi Đại sứ quán và đơn vị lữ hành tư nhân.

2 Du Hoc Sinh Viet Khong Du Tien Ve Nuoc An Tet

Đối với Giang, chi phí để bay về Việt Nam trong thời điểm hiện tại là rất đắt đỏ.

Hành khách nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay phải đáp ứng quy định về phòng chống dịch bệnh như tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có xét nghiệm PCR âm tính trong thời gian 72 giờ trước khi lên máy bay, đồng thời có visa còn hiệu lực.

Tuy nhiên, những chuyến bay này có số lượng rất hạn chế, giá vé cũng cao hơn nhiều so với trước đây. Nếu không có tiềm lực kinh tế tốt, những du học sinh như Giang sẽ rất khó để có thể mua được vé máy bay về nước.

“Đã xa nhà nhiều năm, mình rất muốn về ăn Tết cùng cha mẹ. Nhưng mình không đủ điều kiện kinh tế để về nước trong đợt này. Ngoài vé máy bay, chi phí cách ly tự trả phí tại khách sạn cũng rất đắt đỏ với một sinh viên như mình”, Giang bày tỏ.

Chi phí cao cũng là mối bận tâm của Phạm Lê Phan Anh (24 tuổi, du học sinh tại Pháp) khi nghĩ đến việc về nhà ăn Tết.

Theo Phan Anh, sau 4 năm sang Pháp học tập, anh vẫn chưa thể về thăm nhà. Hai năm đầu tiên xa nhà, nam du học sinh bận rộn làm thêm để kiếm thu nhập, không dám xin nghỉ phép vì lo mất công việc.

Hai năm tiếp theo, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Phan Anh tiếp tục ngậm ngùi ở lại Pháp, chờ đợi giá vé máy bay ổn định hơn mới có thể trở về Việt Nam.

“Mình nghĩ vào dịp Tết, ai cũng mong được về nhà, nhưng tổng chi phí bay, cách ly và ăn uống lên tới hàng trăm triệu đồng khiến mình không chi trả nổi. Đó là chưa tính số tiền để bay lại sang Pháp tiếp tục học tập. Bố mẹ mình có nói sẽ cùng thu xếp tiền để mình về nước, nhưng khoản tiền là rất lớn, mình đành chờ đợi cơ hội sau”, Phan Anh nói.

3 Du Hoc Sinh Viet Khong Du Tien Ve Nuoc An Tet

Phan Anh chờ đợi tình hình dịch bệnh ổn định để có thể về Việt Nam thăm nhà. Ảnh: Christianlee Paris.

Website của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã ra thông báo về việc công dân Việt Nam từ Anh, Pháp, Đức có thể trở về Việt Nam trên chuyến bay dịch vụ khởi hành từ sân bay Heathrow (Anh), Charles-de-Gaulle (Pháp) về sân bay Vân Đồn vào ngày 15/12, cách ly trong 7 ngày tại khách sạn Novotel Hạ Long (Quảng Ninh).

Với lộ trình nêu trên, mỗi hành khách sẽ phải trả tối thiểu 2.510 euro (tương đương 66 triệu đồng) cho vé máy bay, phòng cách ly tại khách sạn tiêu chuẩn 2 người/phòng đã bao gồm ăn sáng và xe đón từ sân bay về khách sạn; chưa bao gồm chi phí ăn uống và tự di chuyển từ khách sạn về nhà riêng sau cách ly.

“Những ngày qua, nhiều người bạn của mình đã cố gắng về Việt Nam trên những chuyến bay thương mại đến Campuchia, sau đó nhập cảnh về nước bằng đường bộ thông qua cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Hành trình này không chỉ vất vả mà còn rất tốn kém bởi chi phí đi lại, ăn ở, cách ly đều rất cao so với trước đây”, Phan Anh chia sẻ thêm.

Nhớ nhà, thèm bánh chưng Tết

Trong khi đó, đối với Nguyễn Vũ Hải (26 tuổi, du học sinh tại Ý), thủ tục về giấy tờ xuất/nhập cảnh tiếp tục là khó khăn khác khi anh lên kế hoạch về Việt Nam ăn Tết.

4 Du Hoc Sinh Viet Khong Du Tien Ve Nuoc An Tet

Vũ Hải đã đón 3 dịp Tết xa nhà.

Theo Hải, để có thể về Việt Nam rồi quay lại Ý học tập, anh buộc phải có thẻ cư trú đối với du học sinh còn hiệu lực. Tuy nhiên, thẻ của Hải đã hết hạn từ tháng 9. Anh xin gia hạn thẻ mới, nhưng chưa được xác nhận vì thủ tục hành chính bị kéo dài do dịch bệnh.

“Tính cả dịp Tết sắp tới, mình đã có 3 năm phải đón giao thừa xa nhà. Năm ngoái, Ý là tâm dịch của châu Âu, bố mẹ mình ở Việt Nam đã rất lo lắng. Năm nay, mình vẫn chưa về được, bố mẹ thường xuyên gọi điện sang dặn dò và động viên”, Hải tâm sự.

Dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam, tại Ý, Hải vẫn phải đi học và làm việc bình thường. Đến thời khắc giao thừa, anh đều gọi video về nhà để chúc Tết gia đình, bố mẹ.

5 Du Hoc Sinh Viet Khong Du Tien Ve Nuoc An Tet

Hoàng Giang hy vọng có thể về thăm nhà vào dịp nghỉ hè 2022.

“Ngày 30 Tết âm lịch, mình và một số du học sinh Việt Nam khác sẽ mua bánh chưng, đồ Việt về cùng quây quần. Năm nay, chúng mình cũng sẽ cố gắng tổ chức lớn hơn để vơi nỗi nhớ nhà”, Hải cho hay.

Chung tâm trạng, Trần Nông Hoàng Giang (22 tuổi, du học sinh tại Đức) cũng rất buồn bã khi không thể về nhà đón Tết cùng gia đình.

Đã du học tại Đức 3 năm, trải qua 3 đợt Tết xa nhà, anh rất nhớ không khí đoàn viên, mùi bánh chưng, cảm giác cùng gia đình thắp hương giao thừa và quây quần ăn uống.

"Năm nay, mình tiếp tục không thể về Việt Nam do dịch bệnh và biến chủng virus mới. Kèm theo đó, quy định cách ly khá dài khiến mình có tiền cũng không dễ dàng về được vì có thể trùng lịch thi tại Đức. Mình hy vọng có thể về nước vào dịp nghỉ hè năm 2022”, Giang nghẹn ngào.

Thục Hạnh (Ảnh: NVCC)

Nguồn: zingnews.vn


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC