Đến với Hàn Quốc, xa gia đình, bắt đầu một cuộc sống không có bố mẹ ở bên, mất gì… và được gì?’.
Trần Tuyết Nhung (sinh năm 1997, tại Thái Nguyên) tự hỏi mình như thế trước khi đặt bút viết những dòng tâm sự rất thật về đời sống du học khó khăn của mình tại Hàn đang gây bão dư luận những ngày qua.
Trong bài viết thu hút hàng ngàn lượt like trên mạng xã hội, Nhung đã kể những câu chuyện chân thật về nỗi vất vả của một sinh viên Việt xa xứ, mà không phải bạn trẻ nào cũng đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào sự thật ấy khi đã mang cái mác ‘du học sinh’.
Nhưng điều khiến Nhung tủi thân nhất không phải là chuyện làm thêm vất vả kiếm tiền đóng học phí bên Hàn, cũng chẳng phải là một ngày dài chân tay mỏi rũ rượi trở về căn phòng trống trải chỉ có một mình với 4 bức tường lặng lẽ… mà Nhung muốn bật khóc thật to vì sau những vất vả ấy, đổi lại là câu hỏi vô tâm của nhiều người: ‘Du học bên đó, có mang được nhiều tiền về không cháu?’.
Tuyết Nhung, nữ du học sinh đang gây sốt với tâm sự du học Hàn không như mơ.
Nhung đang là sinh viên ngành Quan hệ Quốc tế của trường ĐH Kyonggi, thành phố Suwon, tỉnh Kyonggi (cách Seoul 1 giờ tàu điện).
Rửa bát thuê 7.000 won/h, tiền học đã là 6.500 won/h
Nhung là con gái thứ 2 trong gia đình có 2 anh em. Bố mẹ Nhung có cửa hàng buôn bán nhỏ tại nhà. Anh trai đã ra trường và làm công nhân.
Kinh tế gia đình Nhung không thuộc hàng dư dả vì thế, bố mẹ cô chỉ có khả năng lo cho con gái tiền học phí và tiền ở ktx tại Hàn trong năm học đầu tiên.
Từ học kỳ thứ 2, cô gái Việt tự kiếm tiền trang trải cho cuộc sống du học tại Hàn.
Để tồn tại ở nơi không người thân, Nhung nếm trải đủ mùi vị của lao động tay chân, ánh nhìn màu hồng của cô về một đất nước Hàn Quốc có trong phim Hàn, nhạc Hàn, idol, Kpop… sụp đổ.
Nhung kể: ‘Mình đi rửa bát thuê cho một quán ăn, lương 7.000 won/h thì tiền học đã là 6,5.000 won/h rồi. Mỗi lần đến kì đóng tiền thì mình vay mượn các kiểu để chứng minh tài chính rồi đóng học phí đến sấp mặt.
Mình cứ vay rồi làm tháng sau trả lại, thế chả biết bao giờ mới hết nợ. Đi làm về mệt chỉ kịp tắm rửa ăn uống rồi ngủ, bài vở có khi chả thèm động đến.
Cuối tuần là thời gian duy nhất không phải đến trường, mình làm thêm từ sáng đến đêm. Mùa đông, có hôm tuyết rơi dày vẫn phải mò dậy đi làm trong khi đứa bạn cùng phòng vẫn đang yên giấc, thật sự lúc ấy chỉ muốn khóc’.
Mỗi buổi làm, Nhung rửa trung bình khoảng 2.000 cái đĩa, chưa kể cốc, chén, thìa, đũa.
Sau hơn 4, 5 năm gắn bó với ‘nghề’ rửa bát thuê, tiền công của Nhung hiện tại đã tăng lên. Cô bạn được trả 7.200 won/h làm việc.
Khi được chủ quán ngỏ ý chuyển cô sang khâu chạy bàn cho đỡ vất vả, Nhung từ chối vì: ‘Lương rửa bát cao hơn lương chạy bàn, phần vì mình làm công việc này cũng khá lâu rồi, lúc đông khách mệt kinh khủng, áp lực lắm, nhưng nghĩ thấy mình gắn bó được với nó mấy tháng trời rồi bỏ đi lại tiếc’.
‘Nói chung du học tự túc nó có nhiều cái hay nhưng bù lại cũng mệt mỏi vất vả lắm, bạn nào chuẩn bị đi thì cứ suy nghĩ cho kĩ vào không lại hối hận đấy’, Nhung đúc kết từ thực tế của chính mình.
Nhìn cái dáng nhỏ xíu của nữ du học Việt từ sáng đến đêm quần quật trong bếp làm sạch những chồng bát đũa bẩn của quán ăn, giọt mồ hôi lấm tấm trên trán chẳng có thời gian lau khô, một thân một mình co ro trong mùa đông rét mướt đến chỗ làm thêm… ít ai nghĩ, chỉ 19 tháng trước thôi, cuộc sống của cô bạn hoàn toàn khác – một cuộc sống có bố mẹ.
Nhưng khi sống trong sự bảo bọc, Nhung lại muốn được ‘tháo củi sổ lồng’.
Cô bạn từng gọi cuộc sống êm đềm của mình là ‘một cuốn băng được lập trình sẵn và ngày nào cũng phát đi phát lại với những chủ đề quen thuộc’ và khao khát phá bỏ nó mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau khi học xong cấp 3.
Nhung hồi tưởng: ‘Năm cuối cấp, các bạn cùng khối, lớp chọn thì hướng đến các trường ĐH.
Ở lớp đại trà, học sinh chủ yếu là đi làm công nhân, vài ba đứa lập gia đình, hoặc về mở cửa hàng cửa hiệu, ở nhà giúp bố mẹ kinh doanh…
Mình, thời điểm đó, muốn làm một điều khác biệt nên quyết định du học Hàn. Đúng ngày sinh nhật lần thứ 18, lịch bay đã được lên sẵn sau ngày nhận visa khoảng 3 tuần.
Khoảnh khắc ngồi trong phòng chờ bay nhớ lại giây phút rưng rưng nước mắt chào tạm biệt gia đình, bạn bè, người thân để bắt đầu chuyến đi xa đầu tiên trong đời mình, suốt 18 năm trời, đó là lần đầu tiên mình muốn thời gian chậm lại một phút thôi…’.
Báo tin về nước không ai ra đón, chỉ thấy hỏi quà
Khi du học rồi, Nhung mới có cơ hội nhìn cuộc sống đa chiều hơn. Cô bạn nhớ mãi cái lần mình đăng status thông báo còn vài ngày nữa là về Việt Nam ăn Tết.
Chờ mòn răng, Nhung chẳng nhận được lời hỏi thăm sức khỏe, nói thương nhớ hay hỏi có ai đón chưa mà chỉ toàn những comment kiểu như: ‘Nhớ mua quà cho tao đấy’, ‘Không có quà thì đừng về’, ‘Mày bảo mua gì cho tao đừng có quên nha’…
Chưa hết, khi Nhung vừa đặt chân về đến nhà, hàng xóm với họ hàng đến thăm cũng chẳng mấy ai hỏi han chuyện học hành, đời sống ra sao mà toàn ‘auto’ hỏi: ‘Có mang được nhiều tiền về không cháu?’.
Họ đâu biết, khi nghe những câu hỏi ấy, Nhung tủi thân chỉ muốn bật khóc thật to.
‘Không chỉ riêng mình, mà tất cả bạn bè mình sống bên này cũng chung cảnh đó.
Mình không có ý kể khổ để một số người nói: Khổ thế đi làm gì để rồi kêu ca?, mình chỉ muốn truyền cho các bạn đi sau một chút trải nghiệm, để các bạn không bị bỡ ngỡ khi bước chân sang đây, không bị ‘vỡ mộng’ như những người đi trước không có kinh nghiệm’, Nhung nói.
Cô bạn tiếp lời: ‘Các bạn ở nhà phải hiểu rằng, chúng mình bên này kiếm tiền khá vất vả, chưa kể học phí và các chi phí sinh hoạt vô cùng đắt đỏ, điều kiện để mua quà cáp khi về Việt Nam cho tất cả mọi người là không thể.
Không biết các bạn đòi quà ý thật hay trêu, nhưng các bạn nói chung và bản thân mình nói riêng đều cảm thấy chạnh lòng khi nghe những câu nói đó. Còn hàng xóm, anh em hỏi ‘Mang được nhiều tiền về không cháu?’, câu này mình và bố mẹ mình nghe hằng ngày.
Bố mẹ mình rất hiểu mình, thậm chí thương con vất vả, bảo mình làm ít thôi vì thể trạng yếu, nếu không đủ khả năng bố mẹ sẽ hỗ trợ.
Mình chỉ cần vậy thôi, bố mẹ hiểu con, chia sẻ với con cái là rất vui và hạnh phúc rồi, người ngoài nói gì cũng không còn quan trọng nữa’.
Với những du học sinh nặng gánh cơm áo, gạo tiền như Nhung, việc học trong hoàn cảnh ấy dễ bị xem nhẹ và nhiều bạn sẽ có tâm lý: ‘Học hay không không quan trọng, chỉ cần đến lớp thôi là được’.
Hỏi Nhung điều này có làm mất ý nghĩa của hai từ du học không? Cô bạn đáp gọn lõn: ‘Bỏ nhiều công sức ra để kiếm tiền học như vậy, phải học sao cho xứng đáng chứ!’.
Nhung cho biết, giai đoạn cô lao vào làm thêm không kể ngày đêm là lúc còn đang học tiếng Hàn. Hiện tại, cô bạn đã học lên chuyên ngành.
Trong quá trình học, 9X được nhiều giáo sư quan tâm giúp đỡ, như được tiếp thêm động lực rất nhiều.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Nhung không hề hối hận vì ngày ấy đã quyết định ‘ném mình ra cuộc sống bình yên’.
‘Nhiều lúc cũng mệt mỏi, stress nặng vì việc học, việc làm, đủ thứ việc cộng lại, lúc đó nhớ nhà, nhớ bố mẹ lắm, nhất là đợt mới sang, mới đi làm. Nhưng dần rồi cũng quen, cũng thích nghi được, mình lại thấy yêu Hàn Quốc lắm.
Dù gì, mình cũng đang được sống, làm việc tại một đất nước phát triển, hiện đại, văn minh và sạch sẽ. Hai năm sống tại Hàn, chưa bao giờ mình nghĩ sẽ từ bỏ nơi này’, cô gái mạnh mẽ đáp.
Hiện tại, cuộc sống của Nhung tại Hàn đã khá ổn định. Trung bình mỗi tháng, Nhung kiếm được khoảng 25 triệu đồng từ ‘nghề’ rửa bát.
Nếu chi tiêu cho cuộc sống bình thường thì thoải mái, nhưng học phí cao nên cô bạn phải dè sẻn và tính toán rất kỹ trong từng bữa ăn.
Theo Trí Thức Trẻ
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...