Đừng tự giết chết mình bằng giấc mơ du học

Nhiều học sinh đang tự giết chết chính mình bằng giấc mơ du học do sự thiếu hiểu biết về bản thân, trường học và áp lực từ gia đình, xã hội.

Không ít bạn trẻ chưa biết rõ bản thân phù hợp với lĩnh vực nào vẫn vội vàng du học, trễ thì vào hai năm đầu đại học, sớm là từ cuối năm lớp 10. Khi có dịp tiếp xúc những bạn trẻ này sau khi đến Mỹ trong các chuyên công tác, tôi mới ngỡ ngàng vì suy nghĩ "đi đi rồi tính".

Một số bạn muốn né tránh áp lực của kỳ thi cuối cấp ba, người muốn trải nghiệm để khám phá bản thân. Tựu chung, họ đều muốn du học bằng mọi giá trước khi biết rõ mình muốn gì và sẽ làm gì.

Cứ đi rồi tính

Nhiều phụ huynh vì thấy "con nhà người ta" du học cũng nôn nóng cho con ra nước ngoài sớm. Không ít bạn rơi vào tình thế khủng hoảng tuyệt vọng nơi xứ người, đặc biệt những học sinh theo chương trình Tú tài kép (học những môn ở bậc đại học cùng lúc với những môn bậc phổ thông tại Mỹ) hoặc trung học.

Nguyên nhân đầu tiên là quyết định sai lầm từ sự thiếu hiểu biết. Không ít người thường bị rơi vào tình trạng cư trú bất hợp pháp do việc nghỉ học không xin phép, đăng ký môn trễ hoặc kết quả học tập kém.

Việc này kéo theo chuỗi sự kiện không hay sau đó như cắt liên lạc với gia đình vì sợ bố mẹ la mắng, tìm đến những lời khuyên không chuyên nghiệp hoặc tệ hơn là kết thúc du học bằng cách trở về nước.

Đặng Văn Sơn (tên nhân vật đã thay đổi) đang theo học chương trình High School Completion tại thành phố Seattle, Mỹ, ngành Kỹ sư Hàng không. Trong một bài thi của môn chuyên ngành, vì tiếc tiền mua sách giáo khoa, Sơn chỉ học trong powerpoint của giảng viên. Đến khi thi cuối kỳ, cậu mới phát hiện kiến thức trong powerpoint chỉ chiếm 20% nội dung thi, trong khi 80% còn lại từ sách giáo khoa.

Vì điểm thi cuối kỳ thấp, cũng là môn quan trọng, Sơn bị "out-of-status" - visa hiện thời chưa rõ ràng. Nam sinh cắt liên lạc với gia đình vì sợ bị la mắng.

Đừng tự giết chết mình bằng giấc mơ du học - 0

Không có kế hoạch cụ thể khi du học dễ dẫn đến thất bại. Ảnh minh họa: 

Tồi tệ hơn, Sơn trở thành cư trú bất hợp pháp khi quá thời gian 5 tháng. Theo quy định của Sở Di trú Hoa Kỳ (USCIS), nếu cậu bắt đầu hồ sơ xin lại visa ngay sau khi sự cố thì cơ hội học tiếp hoàn toàn trong tầm tay.

Trường hợp của Sơn chỉ là một trong những ví dụ về du học sinh thất bại nơi đất khách. Xa gia đình, một số bạn đua đòi theo lối sống truỵ lạc mà không có ý thức về hành vi của mình như dùng chất kích thích, đua đòi chơi bời. Phụ huynh ở nhà oằn lưng chu cấp cho sự phung phí của con mà không biết cho đến khi "quý tử" bị trục xuất về nước.

Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mà cứ tư duy kiểu "Đi rồi tính", ngay cả những bạn hoàn thành tốt chương trình học của mình, quay về nước lập nghiệp, cũng dễ bị hụt hẫng. Cảm giác đó bắt nguồn từ sự khác biệt của hai nền giáo dục, văn hoá và hai môi trường xã hội.

Một điểm khác các bạn cần lưu ý là ngoài tấm bằng và "mác du học", kỹ năng mềm, mối quan hệ xã hội của du học sinh không nhiều thì việc cạnh tranh với những bạn trẻ tốt nghiệp trong nước cũng là bài toán nan giải.

Cẩn thận với lừa đảo

Hiện nay, hàng nghìn công ty tư vấn du học lớn nhỏ "vàng thau lẫn lộn" đang hoạt động ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều thành phố khác.

Hiệu trưởng trường Cambrian tại San Jose, Mỹ, từng chia sẻ về câu chuyện "khôn lỏi" của một số tư vấn viên du học. Họ dùng chiêu bài "định cư tại Mỹ" hay "học bổng trung học toàn phần" để thu hút học sinh. Các trung tâm kết nối với các đường dây làm dịch vụ định cư ở địa phương để bóp méo bản chất du học.

Họ thường hứa hẹn bảo lãnh theo diện con nuôi dưới 21 tuổi cho phụ huynh ở Việt Nam. Mặt khác, các nhân viên này móc nối với những gia đình hiếm muộn ở Mỹ hoặc được trả tiền để tiến hành hồ sơ bảo lãnh cư trú tại Mỹ theo diện con nuôi dưới 21 tuổi.

Trường Cambrian xác nhận nhiều học sinh mới sang học một kỳ đã biến mất, không để lại dấu vết. Vì là trường tư thục, kết quả của học sinh ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, cũng như khả năng xin visa của thế hệ sau.

Những "điểm đến" ưa thích của học sinh Việt Nam như Mỹ, Australia, Canada không cấm du học sinh định cư thông qua bảo lãnh nhân thân hay hôn nhân vợ chồng. Tuy nhiên, nhiều người quá tin theo những chiêu của dịch vụ tư vấn và vấp phải những bước đi sai lầm trong quá trình làm hồ sơ, dẫn đến bị từ chối bảo lãnh, mất quyền cư trú hợp pháp.

Ước mơ du học đổi đời trở thành cơn ác mộng, ở không được, về cũng không xong khi đối mặt dư luận của bạn bè, dòng họ; trước mắt là mất tiền mang tật.

Du học thành công cần những gì?

Trong hầu hết hồ sơ du học, chính phủ và bộ phận tuyển sinh của các trường thường quan tâm học lực, ngôn ngữ và kế hoạch học tập. Trừ những cơ sở đào tạo mà báo chí Mỹ gọi là "Visa Mill" - lò sản xuất visa từ việc cấp giấy nhập học - vẫn bị kiểm tra và đóng cửa hàng năm tại Mỹ, tất cả trường uy tín đều yêu cầu tiêu chuẩn tối thiểu từ học sinh.

Việc chuẩn bị du học trước hết là sự tập trung và chu đáo trong từng cấp bậc học, yêu cầu về sinh ngữ tại quốc gia bạn muốn đến và sự khám phá bản thân đúng mức để có được định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Thêm vào đó, bản thân học sinh và phụ huynh cần tập lối tư duy phản biện và đặt câu hỏi cho những thông tin và thắc mắc khi chuẩn bị du học. Bạn trẻ nên lưu ý quy luật "dễ mình, dễ người" và "mật ngọt chết ruồi", luôn cảnh giác và tự nghiên cứu trước những hứa hẹn về định cư, việc làm hay học bổng.

Tìm đến những dịch vụ tư vấn có thể giúp tiết kiệm thời gian và làm hồ sơ hiệu quả. Trung tâm du học uy tín sẽ công khai khoản phí phải đóng, nói rõ thông tin của trường phù hợp, chuẩn bị hồ sơ và chuẩn bị tinh thần cho học sinh cẩn thận.

Với những trung tâm hứa hẹn quá nhiều hoặc vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp, bạn trẻ nên cẩn trọng, cần tham khảo từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Không có lối tắt đến thành công, việc du học chỉ mở ra nhiều cơ hội thay vì bảo đảm một tương lai tươi sáng như hứa hẹn.

Một điều nữa cần lưu ý là xác định rõ mình đạt được gì sau khi đi học. Đôi khi, đó là phong cách làm việc mang tiêu chuẩn xuyên quốc gia (world-class skills), ngoại ngữ, môi trường nghiên cứu hay chỉ đơn thuần là khám phá vùng đất, con người mới để làm giàu vốn sống.

Cho dù là mục đính gì đi chăng nữa, việc giữ cho tinh thần không lệ thuộc vào bất kỳ yếu tố ngoại cảnh nào sẽ giúp quyết định của bạn trẻ sáng suốt hơn và sự phát triển thật sự của bản thân quan trọng hơn nhiều những bằng cấp và nhãn mác du học.

Theo: ZING.VN

 


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức