Khổ nào khổ bằng du học sinh… mất đồ

matcagiaylantien 8bd08Bình thường mất đồ đạc, tiền nong đã khổ, nhưng nếu bạn là du học sinh, một mình đi học ở xứ người thì khi lâm vào hoàn cảnh ấy, nỗi khổ càng nhân lên gấp bội.

Đánh rơi giấy tờ: Đau khổ

Đi học xa xứ, hộ chiếu và các giấy tờ tùy thân (như nhập cảnh, cư trú) luôn là những thứ quan trọng nhất của các bạn sinh viên vì đó là minh chứng cho thấy bạn đang sống và học tập hợp pháp ở nước sở tại. Nếu không có nó, bạn dễ có nguy cơ bị cảnh sát “hỏi thăm” và thậm chí là… đưa về đồn để xác minh nhân thân của bạn.

hochieu 4fbd5

Chưa kể, trong cuộc sống hàng ngày, khi giao dịch, mua sắm, nhận học bổng, khám bệnh…, hộ chiếu và các giấy tờ tùy thân là thứ không thể thiếu. Chính vì vậy, A.P (du học sinh Đức) hết sức hoảng hốt khi phát hiện ra hộ chiếu của mình đã… không cánh mà bay từ lúc nào. Khổ sở lội dưới trời tuyết khắp thành phố sinh viên (nơi mà cậu nghi đánh rơi) mấy ngày liền không có kết quả, cậu gần như mất hết hy vọng.

Sau này, kể về lần mất hộ chiếu đó, A.P vẫn chưa hết “sợ”: “Có lẽ, mình không bao giờ có thể quên cảm giác kinh khủng đó, cứ như là trời đất sụp đổ vậy”. Sau hai tuần sống trong bế tắc (vì tìm mọi cách không được), không dám ra ngoài (vì sợ cảnh sát bắt được liệt vào dạng “cư trú bất hợp pháp” thì hoàn toàn có thể… bị trục xuất), và đang tính đến việc nộp đơn lên Đại sứ quán để làm lại hộ chiếu thì may mắn đã đến với cậu: Một bạn sinh viên cùng trường nhặt được hộ chiếu, mang đến tận kí túc xá trả lại. Khỏi phải nói cậu mừng vui thế nào khi cầm lại tấm hộ chiếu và các giấy tờ đi kèm trong tay, thật là “hơn cả bắt được vàng”.

Mất tiền: thảm họa

Sống ở nước ngoài, mọi chi phí đều đắt đỏ hơn nhiều lần ở Việt Nam, du học sinh - kể cả là nhận học bổng hay được gia đình chu cấp - cũng phải chi tiêu rất tiết kiệm và đặc biệt nhất là cất giữ tiền thật cẩn thận. Mọi thứ từ việc ăn uống hàng ngày, thuê phòng ở, mua tài liệu học tập, đi lại… đều cần đến tiền.

mattien 3884e

Nếu chẳng may bị đánh rơi hoặc bị kẻ xấu lấy mất (ở nước ngoài không phải là không có trộm cướp, móc túi đâu nhé) thì đó quả là “thảm họa” với các chàng trai, cô gái Việt đang học tập ở trời Tây, nhất là với những ai không dư giả về mặt tài chính.

Vốn có thói quen để tiền trong tài khoản ngân hàng, lúc nào cần thì mới rút ra, H.A (du học sinh tại Đức) khá yên tâm với khoản tiền của mình, cho đến một lần… Hôm đó, vừa từ ngân hàng về đến nhà, cô “chết đứng” khi toàn bộ số tiền vừa rút chiều nay đã không còn trong túi nữa. Lật tìm toàn bộ túi, tìm khắp nơi trong nhà không có, cô bật khóc. Tất tả quay lại bến xe cũng không có kết quả, vì cả một chặng đường dài đi mấy tuyến xe bus rồi lại đi bộ, cô không thể xác định là bị rơi hay đánh mất giữa thành phố hàng triệu dân này.

Đó là số tiền học bổng tiết kiệm được cộng với làm thêm trong suốt mấy tháng qua của cô, định dành để trả tiền thuê nhà và tiền ăn cho đợt tới, giờ đã “vĩnh viễn ra đi”. Thế là mấy tháng liền sau đó, H.A phải lao đầu vào làm thêm, đồng ý tăng ca và nhận thêm việc mới để bù lại khoản tiền đã mất đi. Tiền nhà, tiền ăn cũng khó khăn lắm mới vay mượn được bạn bè mỗi người một ít.

Mất cả tiền lẫn giấy tờ: Tuyệt vọng

Đó là cảm giác của Đ.H.N khi toàn bộ giấy tờ tùy thân (bao gồm hộ chiếu, khẩu, thẻ sinh viên, sổ điểm) và tiền học bổng 6 tháng vĩnh viễn nằm lại trên một chiếc xe taxi “dù” đâu đó trong thành phố. Sự việc diễn ra cách thời điểm bài viết này được đăng chỉ có có hai ngày.

Ở Việt Nam, vốn có tính lơ đãng, hay quên đồ, nhưng mới dừng lại ở một vài món đồ nhỏ, giấy tờ đơn giản, cậu chưa bao giờ nghĩ là tính bất cẩn “giết chết” mình thế nào cho đến khi sang Nga du học. Vừa ở trường về, được tin có học bổng, cậu vội vàng ra ngân hàng trung tâm để rút tiền. N. định bụng đón taxi về cho “chắc ăn”, không ngờ, chính ý định đó lại làm hại cậu. Đến giờ, sau khi gọi điện tới tất cả các tổng đài, cậu vẫn không thể nào tìm lại taxi vẫy dọc đường mà trong đó có chiếc ba lô chứa toàn bộ giấy tờ và “6 tháng” của cậu.

N. suy sụp tinh thần, không thể tập trung vào việc học được bởi cậu không biết là thời gian tới mình sẽ sống ra sao với việc không có bất kì một loại giấy tờ tùy thân, và tiền học bổng - khoản tiền duy nhất mà chàng trai đến từ một tỉnh nghèo ở miền Trung trông vào - giờ cũng không còn. N. cũng không dám điện thoại về nhà, vì bố mẹ cậu đã lớn tuổi, là giáo viên về hưu, chỉ sống vào đồng lương mà thôi, mẹ thì lại đang ốm, biết tin lại càng lo thêm.

Cậu chỉ biết trách mình, vì làm lại toàn bộ giấy tờ như vậy sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc nữa, nhưng có bao nhiêu tiền thì cũng đã “đi” cùng với sự bất cẩn rồi. Kế hoạch về một chiếc tivi mới cho mẹ, khoản tiền nhỏ giúp bố sửa sang lại ngôi nhà tranh đã cũ trong chuyến về nước hè này, bỗng chốc tan thành mây khói…

Theo Dantri.

 


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức