Là sinh viên ở Đức, mình mời cả gia đình sang thăm thế nào?

Là sinh viên đang học tập tại Đức, bạn đã có thể mời được gia đình và bạn bè tới nước Đức theo diện thăm thân.

Là sinh viên ở Đức, mình mời cả gia đình sang thăm thế nào? - 0

Thông thường, bạn cần mang giấy thuê nhà, tờ đơn xin bảo lãnh với thông tin về người được mời, và giấy tờ chứng minh tài chính. Nếu là người đã đi làm thì mang theo bảng kê lương ba tháng gần nhất, tùy vào việc lương cao bao nhiêu, bạn sẽ mời được một tới hai, ba người.

Nếu còn là sinh viên hoặc đã đi làm mà lương chưa cao thì có một cách khác, đó là mở tài khoản phong tỏa với số dư tương ứng với số lượng khách muốn mời.

Thường thì bạn cần bỏ vào 2500€-3000€/người, tùy theo yêu cầu của Sở Ngoại kiều nơi bạn đang ở.

Trước đây, khi chưa có kinh nghiệm mời ai thì mình rất lo lắng, nhưng may mà anh phụ trách Sở Ngoại kiều nơi mình ở rất tốt bụng và thân thiện nên đã hướng dẫn cực kì chi tiết và hỗ trợ tới nơi tới chốn.

Kết quả là mình đã mời một lúc được tới sáu người trong gia đình mình theo cách sử dụng tài khoản phong tỏa như trên.

Sáu người theo đủ diện khác nhau, người đã về hưu, người có công ty riêng, người đi làm công ăn lương, trẻ học tiểu học và cả bé mới học mẫu giáo nữa nhé.

Cụ thể thì bạn có thể thực hiện các bước như sau khi làm thư mời:

Bước 1:

Đặt lịch hẹn với Sở Ngoại kiều nơi bạn ở. Có thể gọi điện từ trước, xem trên website để biết những giấy tờ cần chuẩn bị. Khi tới lịch hẹn, ngoài các giấy tờ cơ bản kể trên, bạn cần nắm trong tay mọi thông tin trên hộ chiếu của người được mời, tốt nhất là mang theo bản copy hộ chiếu và cả địa chỉ nhà ở của từng người để tiện điền đơn.

Bước 2:

Báo với Sở Ngoại kiều việc bạn muốn sử dụng tài khoản phong tỏa để chứng minh tài chính. Người phụ trách sẽ tra số tiền tương ứng bạn cần có và in một tờ thư gửi Ngân hàng của bạn, đề nghị việc phong tỏa số tiền nói trên.

Bước 3:

Bạn cầm tờ thư của Sở Ngoại kiều tới Ngân hàng, họ sẽ giúp bạn thực hiện việc phong tỏa. Như khi mình làm thì Ngân hàng mở thêm tài khoản con trong tài khoản của mình để phong tỏa số tiền này. Sau vài ngày cho tới một tuần gì đó thì bạn sẽ nhận được thông báo xác nhận từ phía Ngân hàng.

Thông thường, Ngân hàng sẽ tự động gửi xác nhận này tới Sở Ngoại kiều luôn nhưng mình vẫn cẩn thận gửi thêm bản scan tới đó.

Bước 4:

Bạn sẽ nhận được thông báo của Sở Ngoại kiều về lịch hẹn lên làm thư mời/thư bảo lãnh (Verplichtungserklärung). Mỗi gia đình (gồm vợ chồng, con cái) chỉ cần một tờ này thôi, chi phí 25 €. Bạn gửi giấy này về cho người được mời để họ chuẩn bị làm hồ sơ nộp xin visa.

Bước 5:

Sau này, để gỡ bỏ phong tỏa khỏi số tiền trong tài khoản, bạn chỉ cần gửi bằng chứng về việc người được mời đã rời khỏi Đức cho Sở Ngoại kiều, có thể sử dụng ảnh hoặc bản scan dấu đóng nhập cảnh của Hải quan Việt Nam trên hộ chiếu của người được mời.

Sau đó, Sở Ngoại kiều sẽ tự động gửi bản xác nhận (Erledigungsbestätigung für Verpfändung) trực tiếp tới Ngân hàng của bạn và mọi thủ tục đã hoàn thành.

Một số lưu ý về phía người được mời ở Việt Nam:

Khi đi nộp hồ sơ xin visa, người được mời đi chung theo cả gia đình, những loại giấy tờ chung như chứng minh tài chính, chứng minh quan hệ họ hàng hay thư mời thì chỉ cần một bản là ổn.

Tất cả giấy tờ nên dịch hết qua tiếng Đức, công chứng, trừ khi giấy tờ đã có sẵn bằng tiếng Anh thì chỉ cần công chứng luôn.

Chú ý từng diện khác nhau sẽ cần những loại giấy tờ khác nhau, ví dụ trẻ em đang đi học cần có giấy của nhà trường cho phép đi vắng trong thời gian đó, người đi làm cần có bảng lương. Nhìn chung thì làm sao chứng minh rằng người được mời còn nhiều ràng buộc ở Việt Nam (về mặt nhân thân hay tài sản, công ăn việc làm) là ổn.

Vé máy bay với ngày đi, ngày về cụ thể cũng cần được đặt trước (có thể đặt mà chưa cần mua ngay).

Chị gái mình chuẩn bị chỗ giấy tờ cho cả nhà cả tháng trời trước lịch hẹn nộp hồ sơ visa, khi có thắc mắc thì viết thư hoặc gọi điện trực tiếp cho Đại sứ quán.

Một điều nữa là, trường hợp Đại sứ quán không trả lời hoặc trả lời kiểu „thắc mắc thì lên website mà đọc“, bạn có thể viết lại thư bằng tiếng Đức.

Thư bằng tiếng Đức sẽ được chuyển tới người Đức xử lý và câu trả lời thường là rõ ràng, cụ thể hơn nhiều. Lịch hẹn nộp hồ sơ xin visa nên đặt trước ngày dự định đi ít nhất hai tới ba tháng, đề phòng trường hợp cần bổ sung hồ sơ (lại phải đặt lịch hẹn từ đầu).

Hồi đó, mình muốn mời cả gia đình tháng sáu qua Đức thì tháng một đã lên Sở Ngoại kiều làm thủ tục giấy mời.

Tháng hai tiện bay về Việt Nam thì mình mang theo luôn (do đã có lần bị thất lạc giấy khai sinh gốc nên mình hơi ngại gửi giấy tờ quan trọng qua bưu điện).

Cũng trong tháng hai mình đặt luôn lịch hẹn nộp hồ sơ xin visa cho cả nhà vào tháng tư (đặt sớm nên có rất nhiều ngày trống, tha hồ chọn).

Tháng tư, cả nhà mình lên nộp hồ sơ, giấy tờ đầy đủ hết (có khi thừa) nên không bị phỏng vấn gì nhiều lắm, sau một tuần là đã được lên lấy visa rồi.

Kinh nghiệm có vậy thôi. Cần gì mọi người có thể hỏi lại mình, về giấy tờ hồ sơ nộp ở Việt Nam thì có thể hỏi chị gái mình.

Chúc các bạn mời được người thân của mình dễ dàng, để sớm được sum họp cùng gia đình, bạn bè

Tác giả bài viết: Mai Tran

 


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC