Đương đầu với sốc văn hoá

Đương đầu với sốc văn hoá“Sống ở Singapore không hợp”, “Con muốn về nhà”, “Em không chịu nổi Việt Nam nữa, chỉ muốn quay lại Đức”… Bất kỳ sinh viên nào đi du học ít nhiều cũng gặp những phản ứng tâm lý tiêu cực như thế khi bắt đầu sống ở nước ngoài và khi trở về quê hương - những cú sốc văn hoá. Bước ra khỏi “vùng thoải mái”

Hầu hết các chương trình du học chu đáo đều có định hướng và chỉ dẫn cặn kẽ cho sinh viên chuẩn bị tinh thần trước. Nhưng dù vậy, việc đặt chân lên đất lạ vẫn có thể tạo ra nhiều tổn thương tâm lý và đầy rẫy bất ngờ.


Những sinh viên đã chuẩn bị kỹ có thể vượt qua dễ dàng, và khi đó quá trình học tập mới thật sự bắt đầu. “Còn nếu bạn nhận rõ tác động của cú sốc ấy thì đó lại là bước khởi đầu tốt” - giáo sư John Perry, giám đốc Ban đào tạo quốc tế Đại học New York, khuyên. “Bước kế tiếp là tập hoà theo nhịp sống”. Điều đó có nghĩa là bạn phải biết dũng cảm bước ra khỏi “vùng thoải mái” để đối đầu với môi trường chung quanh.


Ngay cả khi sinh viên đã chuẩn bị đến tận răng mọi phương tiện “giảm sốc” thì tác động tâm lý tiêu cực này vẫn rình rập tấn công họ vào nhiều thời điểm suốt thời gian du học.

Ba ngày đầu tiên Thanh đến Paris hầu như lúc nào cô cũng rưng rưng nước mắt. Sau đó Thanh bắt đầu chú ý đến những nét quyến rũ của thành phố mà cô đã từng mơ tưởng qua các trang văn đọc ở quê nhà. Chẳng bao lâu Thanh đã “si tình” nước Pháp.

Nhưng tiếp theo đó Thanh lại u uất cực độ và phát ngấy với bất cứ thứ gì có mùi… Tây. Cô luôn bực bội và chỉ muốn về Việt Nam thật nhanh. Đến khi chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp thì Thanh lại tự cảm thấy có lỗi vì mình chẳng hề… nhớ nhà và chỉ muốn ở mãi Paris. Thanh hồi tưởng lại: “Lúc thì yêu, lúc thì ghét thậm tệ nơi em ở. Chẳng hiểu sao mới hưng phấn đó thì đã khủng hoảng rồi”.

Đó chính là những biên độ dao động của chu kỳ hội nhập. Nhưng bạn đừng tưởng vượt qua được giai đoạn đó rồi là yên tâm. Ngay khi bạn đã thấy quen thuộc và thoải mái với đời sống của một du học sinh ở nước ngoài, bạn trở về thăm nhà và đụng độ ngay với một nền văn hoá xa lạ - văn hoá Việt Nam!


Sốc văn hoá ngược

Bất kỳ ai từng sống một thời gian dài ở nước ngoài đều phải trải qua một giai đoạn tái thích nghi khi về nước. Các sinh viên trở về đã thay đổi và trưởng thành theo nhiều phương cách mà họ khó chia sẻ với những người ở quê hương.


Phần lớn những người sống ở quê nhà không quan tâm mấy đến những chuyện lạ phương xa mà các du học sinh thích kể lại bởi vì bản thân họ đang phải bận tâm lo toan cho cuộc sống của họ và chưa hề kinh qua những thay đổi tương tự. Đó là “sốc văn hoá ngược” (reverse culture shock).


Tuấn đi du học ở Hà Lan và có cơ hội viếng thăm nhiều nước trong khối EU. “Thật chán!” - Tuấn than thở. “Người ta chẳng biết gì về những nơi tôi đã đến. Họ chẳng hình dung được một nền văn hóa khác tôi đã được sống và tại sao tôi có cái nhìn không tích cực về nước mình. Họ nổi giận với tôi và cho là tôi khoe khoang và thích chê bai”. Cách giải quyết của Tuấn là chỉ nói chuyện cởi mở với các du học sinh cùng hồi hương như anh.

Kinh nghiệm của Tuấn cũng là điều phổ biến. Mọi du học sinh khắp thế giới sau khi về nước đều trải qua những cảm xúc mâu thuẫn giống hệt như giai đoạn hội nhập khi mới ra nước ngoài. Họ trở về mang theo một cảm giác mất mát. Không còn nữa những háo hức khám phá một nền văn hoá mới và bỏ lại sau lưng những người bạn mới tuyệt vời mà không biết bao giờ gặp lại.

Các du học sinh cũng sẽ dần thích ứng với môi trường quê hương sau khi trở về. Sốc văn hoá ngược thường ít gây tác động tâm lý lớn như giai đoạn lúc bắt đầu du học, và cũng không kéo dài. Nhưng nếu không chuẩn bị tinh thần trước khi trở về thì việc chính mình trở thành người lạ ngay trong gia đình và cộng đồng sẽ là một mất mát tình cảm lớn lao.


******

Khái niệm sốc văn hoá(culture shock) được nêu ra lần đầu tiên vào năm 1958 để mô tả nỗi lo âu phát sinh khi một người di chuyển đến một môi trường hoàn toàn xa lạ.

Khái niệm này diễn tả cảm giác mất phương hướng, không biết hành xử hay phải hành động như thế nào trong môi trường mới và không biết cái gì là phù hợp, cái gì không.


******


Liệu pháp giảm sốc

Trước khi đi du học:

Tìm hiểu về nền văn hoá mới. Các thông tin về các vấn đề xã hội, chính trị, phong tục, địa lý và lịch sử… đều dễ dàng tìm thấy trên Internet, trong các sách hướng dẫn du lịch, các cơ quan du học. Những sinh viên du học trở về cũng rất háo hức chia sẻ những thông tin này.


Xem các tác phẩm điện ảnh của nước sẽ đến học cũng rất có ích. Cho dù vốn ngoại ngữ của bạn chưa đủ hiểu hết lời thoại thì bạn cũng nhận ra được những giọng điệu hài hước và các con người bản xứ ứng xử với nhau.


Tận dụng các tài liệu hướng dẫn du học và các nhà tư vấn ở các cơ sở tuyển sinh du học. Xin những lời khuyên thực tế từ những du học sinh đã về nước. Đừng e ngại. Hãy hỏi những thông tin cụ thể về cách dùng thẻ tín dụng, những gì cần mang theo hành lý, cách gọi điện về nhà rẻ nhất, hay cách giặt ủi áo quần tiện lợi nhất… Những thông tin ấy không bao giờ có trong các cẩm nang du lịch.


Khi đã đến nơi:

Liên lạc thường xuyên với gia đình và bạn bè ở quê nhà. Email là tiện nhất. Những thông tin trao đổi như thế còn là cách giúp những ai có dự định du học chuẩn bị trước. Làm quen với các sinh viên đồng hương để chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ nhau.


Hãy đi ra đường và tiếp xúc với nền văn hoá mới. Kết bạn, giao du ngay lập tức với những người bạn bản xứ và cả những sinh viên quốc tịch khác cùng du học. Đi xem phim, tham dự các lễ hội và tham quan các viện bảo tàng cũng là cách hiệu quả để nhanh chóng làm quen với thành phố và người dân nơi bạn du học.


Ghi nhật ký đều đặn khi du học. Đó là cách giải toả những ức chế tâm lý khi ở xứ người rất tốt và những gì kinh qua, chứng kiến, cảm nhận ở xứ người được ghi lại sẽ cho bạn thấy quá trình trưởng thành của mình.


Trở về:

Tìm người chịu nghe mình kể chuyện phương xa. Các hội du học sinh thường sẽ giúp bạn liên lạc với các bạn đã trở về hay đang du học. Các chuyên gia tư vấn du học cũng muốn liên lạc với các sinh viên hồi hương. Sử dụng kinh nghiệm của mình để hướng dẫn và giúp đỡ các sinh viên chuẩn bị du học.


Kham Pha.
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức