Người Đức yêu như thế nào?

Người Đức yêu như thế nào?

Thỉnh thoảng mình hay được mọi người quan tâm theo kiểu: „Thế đã có bạn trai chưa? Định yêu Đức hay yêu Việt?“. Lúc đó mình chỉ cười và bảo: „Đức hay Việt không quan trọng, trời ban ai cho mình thì mình nhận và yêu bằng cả trái tim thôi“.

Lần khác, có bạn nhắn tin hỏi mình rằng người Đức yêu như thế nào.

Người Đức yêu như thế nào?

1 1 Nguoi Duc Yeu Nhu The Nao

Thực sự thì ở thời điểm đó mình cũng chỉ trả lời được từ góc nhìn của một người sống trong một gia đình người Đức và chứng kiến những hợp – tan của các anh chị và tự đúc cho mình những cảm nhận riêng.

Sau này, mình có yêu một người Đức gốc Việt và từ những trải nghiệm của bản thân, mình đi đến một kết luận (là ý kiến của cá nhân mình), rằng người Đức sống và yêu rất tình cảm và sự lạnh lùng chỉ là chiếc áo mà những dân tộc khác khoác vào vai người Đức.

Hãy để mình kể cho bạn nghe về mối tình của ông bà nội người Đức của mình trước khi mình bắt đầu một câu chuyện khác. Lúc ông bà còn sống, mỗi sáng trước khi ra khỏi phòng tắm bà đều không quên bôi sẵn kem đánh răng vào bàn chải của ông và để cạnh bồn rửa mặt rồi sau đó vào bếp pha cafe, làm đồ ăn sáng cho ông.

Và việc đầu tiên của ông mỗi khi xuống dưới nhà là hôn vào trán bà rồi sau đó mới ra ngoài đi lấy báo. Họ đã sống cùng với nhau hơn sáu mươi năm như thế trước khi ông mất vào một ngày tháng mười hai và mang theo tất cả tình yêu của bà sang bên kia thế giới. Họ yêu nhau bằng thứ tình yêu của những người xưa – điều mà bây giờ mình ít khi còn nhìn thấy trong xã hội đa sắc màu này.

Hay một lần khác, khi tình cờ nhìn qua chiếc gương và thấy hình ảnh cậu bạn trai () của chị gái mình không dám cựa mình vì sợ chị gái tỉnh giấc (lúc đó chị đang dựa đầu vào vai anh ngủ trên hàng ghế sau của xe hơi), tự nhiên mình thấy xúc động lạ kì. Chỉ là một việc làm rất nhỏ thôi, nhưng mình lại thấy cả một bầu trời yêu thương ở trong đó.

Mẹ nuôi thi thoảng vẫn hay hỏi về B – anh chàng lớp trưởng học cùng mình từ thời cấp III và si mê mình từ ngày đó…cho tới tận bây giờ. 9 năm, mình trải qua không biết bao nhiêu mối tình. Hạnh phúc có, khổ đau có, nhưng B chưa bao giờ hiện diện trong cuộc sống của mình với tư cách là „người tình“ dù mình biết B lúc nào cũng ở bên.

Từ những ngày khi còn học cùng nhau ở lớp chuyên Hóa, B là người đã giúp đỡ mình rất nhiều, kiên nhẫn ngồi với mình trong những giờ nghỉ ở căng tin trường và giúp mình làm bài tập về nhà. Sau này khi đi học xa nhà, mỗi năm B vẫn về thăm bố mẹ đôi lần và lần nào cũng lái xe tới đón mình đi ăn.

Giáng sinh năm nào B cũng tự tay làm bánh rồi đặt trước cửa nhà mình. Thứ tình cảm thầm lặng của B đã theo mình suốt 9 năm.

Có lần mẹ mình bảo hãy cho B một cơ hội để hiểu và yêu thương mình và lần đó mình lấy hết sự dũng cảm, đáp chuyến tàu về Göttingen thăm B nhưng cuối cùng mình nhận ra, có những tình cảm mãi mãi nó chỉ có thể ở đó mà thôi. B nói:

Cậu là một cô gái rất tuyệt vời. Tớ thương cậu“.

Và như mọi cô gái Á khác, mình lẩn trốn ánh mắt ấy trong khoảnh khắc đó và rất lâu sau này mình mới nói với B rằng: Hãy luôn ở bên mình như một người bạn tốt, như là chúng ta đã luôn chia sẻ với nhau suốt những tháng năm qua, có được không?

Thật khó để nói với B rằng mình không yêu cậu ấy, dù nhiều khi mình nghĩ có khi nào B mong mình nói toẹt ra câu nói đó với cậu ấy không thay vì vẫn luôn tốt bụng và chân thành với cậu ấy. Khi đang ngồi gõ những dòng chữ này trong quán cafe May gần phố,mình chợt nhớ tới tin nhắn B gửi cách đây vài hôm và trong tin nhắn đó cậu viết: „Hình như tớ đang yêu rồi cậu ạ“. Và mình mừng cho B.

Bạn bè mình thi thoảng vẫn hay khuyên (hoặc muốn tốt cho mình) nên hay bảo „Yêu Tây đi cho sướng, nghe nói Tây nó thương vợ thương con lắm!“.

Thực ra mình nghĩ, trong bất cứ một tình yêu chân chính nào cũng luôn có một chữ thương. Và trong cái chữ thương rộng dài ấy, mỗi người lại thể hiện một cách khác nhau. Nếu bạn chưa bao giờ yêu tây hoặc tiếp xúc với họ mà chỉ biết họ qua những bộ phim ở Hollywood chiếu ở rạp hàng ngày thì dĩ nhiên, bạn sẽ chỉ nhìn thấy những gì rực rỡ nhất. Ở đó, đàn ông tây vô cùng ga lăng, lịch sự, chỉn chu và „ăn đứt“ những chàng gốc Á ở điểm đó.

Nhưng họ ở ngoài đời thực thế nào thì có lẽ phải sống chung mới hiểu.

Nhưng có một điểm chung mà mình nhìn thấy rất rõ ở trai Tây nói chung và trai Đức nói riêng là họ luôn thích sự thẳng thắn, không vòng vo quanh quẩn và vô cùng khó chịu khi phải chống cằm ngồi đoán suy nghĩ của đối phương bởi đối với họ, đó là một việc quá mất nhiều thời gian và vô bổ.

Một lần ngồi uống cafe với một anh chàng Đức, chàng „phàn nàn“ rằng đang bị cô bạn gái người Á giận, mình hỏi tại sao thì chàng phân bua: „Hôm qua tao hỏi cô ấy có cần tao đi đón không, cô ấy nói không cần đâu, cô ấy tự đi về được, thế là tao đi cafe với thằng bạn. Tối về cô ấy giận tao, hỏi mãi thì mới biết hóa ra là cô ấy giận vì tao không đi đón. Nhưng rõ ràng cô ấy đã từ chối lời đề nghị ấy của tao rồi cơ mà“.

Bài học rút ra: Thích thì phải nói, đừng mong chờ đàn ông họ đọc được những suy nghĩ và ước ao của mình. Nếu không bạn sẽ tự rơi vào cái bẫy mà chính mình tạo ra.

Sống ở Đức mười lăm năm và cũng chơi với rất nhiều người Đức, kể cả nam lẫn nữ, nhưng khi rơi vào một mối quan hệ với một anh chàng người Đức gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Hamburg, mình cũng không ít lần mắt chữ A miệng chữ O tròn xoe mắt lên nhìn chàng.

Ngay từ lúc yêu nhau, cả hai đã thỏa thuận về tình hình tài chính: Nếu mình xuống thăm cậu ấy, mình sẽ tự trả tiền tàu. Nhưng cậu ấy sẽ phải „nuôi ăn nuôi ở“ và dẫn mình đi chơi trong những ngày ở đó và ngược lại. Khi đi du lịch cùng nhau, một trong hai người sẽ ứng tiền ra trước và gom lại tất cả các phiếu chi và sau chuyến đi số tiền đó sẽ chia đôi.

Khi mua quà cho nhau cả hai đều phải tuân thủ theo nguyên tắc không được tặng nhau những món đồ đắt tiền và nếu một trong hai người thích thứ gì đó thì sẽ cùng nhau đi mua chung và người còn lại sẽ trả tiền. Có thể với nhiều người, món quà đó sẽ không còn bất ngờ nữa, nhưng người đàn ông đó đã lý luận với mình rằng:

„Anh không thể tạo bất ngờ cho em bằng một món quà em không thích được, chi bằng em đi lựa nó cùng anh có phải là dễ chịu và tình cảm hơn không. Chúng ta vẫn còn vô vàn những cơ hội khác để tạo những bất ngờ cho nhau cơ mà, phải không?“.

Và dĩ nhiên, mình không thể không gật đầu.

Hay một lần khác, khi cùng nhau xem một bộ phim mà trong đó nhân vật nam hỏi nhân vật nữ khi cả hai đang chuẩn bị…màn dạo đầu, rằng: „Anh có thể làm gì để khiến em hạnh phúc?“, tự nhiên cậu ấy quay sang nắm lấy bàn tay mình và hỏi mình y hệt câu hỏi đó khiến tai mình nóng bừng.

Phụ nữ Á Đông vẫn nhạy cảm với những chuyện đó, nhưng nếu bạn thực sự tin tưởng người mình yêu và muốn làm cho tình cảm của cả hai thăng hoa, đừng ngần ngại chia sẻ. Ai mà chẳng muốn rót mật vào ly tình yêu của mình để tăng vị ngọt ngào cơ chứ!

Mình học và lớn lên nhiều trong mối quan hệ với cậu ấy, kể cả sau này khi không còn bên nhau nữa, mỗi khi nghĩ về cậu ấy, mình luôn nghĩ đến những điều ngọt ngào cậu ấy đã từng dành cho mình và mình đã HỌC được từ cậu ấy cách YÊU một người.

Ví dụ, khi mình có tháng và mệt mỏi vì những cơn đau bụng hành hạ, sáng nào thức dậy cậu ấy cũng pha sẵn cho mình một ly trà gừng và buổi tối trước khi đi ngủ cậu ấy sẽ luôn luôn xoa bụng cho mình. Khi mình vì muốn đẹp mà nhất định không mặc áo khoác thêm ở ngoài dù cậu ấy đã nhắc nhở rằng tối nay trời sẽ lạnh, mình vẫn cứng đầu nói không sao đâu thì cậu ấy đã lẳng lặng bỏ thêm chiếc áo len của cậu ấy vào balo với suy nghĩ rằng:

„Khi em lạnh, anh sẽ đưa áo đó cho em mặc chứ anh không ga lăng tới mức phải chịu lạnh để em được ấm khi mà anh đã cảnh báo em trước đó, như thế là anh làm hư em“.

Và còn vô vàn những điều khác nữa.

HỌC YÊU VÀ TRÂN TRỌNG LẪN NHAU là cách mà cậu ấy đã dạy mình ngay cả khi không còn bên nhau nữa.

„Anh ấy rất ít khi nắm tay con, mỗi khi ra khỏi nhà anh ấy đều đi trước và con cứ lẽo đẽo theo sau. Đi được một lúc anh ấy mới nhớ ra điều gì đó rồi mới quay lại nắm tay con.

Ngày xưa khi yêu A (A là bạn trai cũ người Đức mà mình nhắc ở trên), A luôn nắm tay con từ khi hai đứa bước ra khỏi cửa cho đến khi trở về nhà“.

Mình từng phân trần nỗi niềm đó với mẹ khi nói về sự khác biệt trong cách yêu giữa đàn ông Đức và đàn ông Việt. Lúc đó mẹ mình chỉ nói:

„Người đàn ông nắm tay con từ lúc ra khỏi cửa cho đến lúc về tới nhà ấy cuối cùng cũng vẫn buông bàn tay con. Còn người bạn kia, có thể không nắm tay con từ đầu, nhưng cuối cùng vẫn dừng lại để làm điều đó đấy thôi“.

Tự nhiên mình giật mình sau câu nói đó của mẹ. Hóa ra, chẳng có một định nghĩa là để kết luận rằng yêu Tây hay yêu Việt thì tốt hơn, chỉ có sự khác biệt trong cách yêu. Và nếu những người yêu nhau đủ, họ sẽ biết cách để học yêu từ nhau và làm cho nhau hạnh phúc.

Hoàng Yến Anh


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC