Đời sống du học sinh không như mơ
Đó là điều mà nhiều bạn trẻ vỡ ra sau khi đọc được bài chia sẻ của chị Hương Vũ, người phụ nữ Việt Nam hiện đang định cư tại Thụy Sĩ cùng chồng và các con.
Hiện tại, sau gần bốn năm từ ngày theo chồng đặt chân tới Thụy Sĩ, chị Hương Vũ đã mở được một tiệm làm móng cùng các dịch vụ thẩm mỹ nhỏ của riêng mình, kết hợp với kinh doanh tự do.
Từng có thời gian làm phóng viên ở Việt Nam nên gần đây, chị Hương Vũ bắt đầu viết sách để thỏa mãn niềm đam mê viết lách của mình.
Do đó, chị có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với không ít du học sinh Việt Nam tại Thụy Sĩ và điều khiến chị trăn trở là cuộc sống của các bạn trẻ người Việt tại đây không mấy dễ dàng.
Lấy chồng Thụy Sĩ nên chị Hương Vũ sang đất nước xinh đẹp này định cư đã nhiều năm nay.
Từ những gì tìm hiểu, góp nhặt được, chị Hương Vũ quyết định chia sẻ bài viết để cung cấp thông tin đa chiều, toàn diện, chính xác về cuộc sống ở trời Tây cho những ai đang có ý định sang Thụy Sĩ du học.
Chị chia sẻ: "Tôi muốn cung cấp thêm thông tin đầy đủ, rõ ràng hơn cho những gia đình đang có kế hoạch bằng mọi giá đẩy con em đi du học với mục đích ở lại nước ngoài, hoặc chí ít con cái có tiền gửi về theo lời hứa của các trung tâm tư vấn du học".
Chủ nhân bài viết cho hay, du học sinh Việt ở Thụy Sĩ có 2 nhóm, nhóm thứ nhất bao gồm nghiên cứu sinh cao học, dạng được nhận học bổng của các trường, tổ chức phi chính phủ, sinh viên trong các chương trình trao đổi giáo dục, sinh viên tự túc, cho con cái đi học với mục đích trải nghiệm quốc tế, có thể sang định cư.
Nhóm này, ước đoán chỉ nằm trong số 1/10 du học sinh và không thuộc đối tượng mà chị nói tới trong bài viết.
Từng chứng kiến nhiều câu chuyện xót xa về cuộc sống của du học sinh Việt ở Thụy Sĩ nên chị Hương Vũ quyết định chia sẻ bài viết này.
Tác giả bài viết muốn cung cấp thông tin hướng đến nhóm chiếm tuyệt đại đa số các du học sinh: Đi với mục đích tìm kiếm cơ hội ở lại, số rất đông thuộc thành phần gia đình không mấy khá giả, thậm chí nhiều gia đình còn vay mượn để con đi bằng mọi giá.
"Dễ hiểu, làm phép tính sơ sơ, 2 năm du học tự túc tại Thụy Sỹ chi phí ít nhất dăm bảy trăm triệu tới cả tỷ đồng, chỉ để đổi lấy một tấm bằng trung cấp về Việt Nam nhận lương vài triệu thì đây là kênh đầu tư lỗ nặng.
Những gia đình thuộc nhóm này nên tham khảo kỹ các thông tin dưới đây.
Thông tin từ các công ty tư vấn du học ở Việt Nam cung cấp:
Thông tin phía công ty tư vấn, được các du học sinh trần thuật lại: Được hứa hẹn du học sinh sang tới Thụy Sỹ sẽ có quyền đi làm 15-20 tiếng mỗi tuần, việc làm rất dễ kiếm, lương tối thiểu 18- 25 chf/h (1 chf = xấp xỉ 24.000 VNĐ)...
Nhưng phần này các công ty tư vấn không nói: rẻ nhất là chi phí học phí cho các trường học tiếng từ 9-10 nghìn Chf, các trường khách sạn du lịch hoặc kinh doanh giá giao động 20-45 nghìn.
Các công ty tư vấn du học thường cố gắng "tô hồng" cuộc sống ở nơi sắp đến (Ảnh minh họa)
Sự thật nơi xứ người: Du học sinh khi đặt chân tới Thụy Sỹ sẽ được cấp thẻ cư trú, được quyền ở lại để học hành theo đúng thời gian đăng ký hợp đồng với nhà trường, nhưng không có quyền lao động.
Đúng là lương tối thiểu cho các công việc lao động chân tay như dắt chó, bồi bàn, dọn dẹp… tại Thụy Sỹ là 18-25 chf/h, nhưng đó là mức lương dành cho những người lao động có giấy tờ hợp pháp.
Sinh viên, may mắn lắm thu xếp được một chỗ thực tập với mức lương mơ ước khoảng 2.300 chf/ tháng, nhưng còn phải bị trừ các chi phí thuế, phí, bảo hiểm.
Mức chi ra tối thiểu trung bình 1 tháng bắt buộc của một sinh viên trên đất Thụy Sỹ, chưa tính chi phí học hành: Thuê nhà 500-700 chf + Bảo hiểm sức khỏe bắt buộc 100 chf + Đi lại, điện thoại 100 chf + Ăn uống 500 chf.
Lao động chui? Dân bản xứ không ai dám thuê, vì dân Thụy Sỹ tuyệt đại đa số cực kỳ thượng tôn pháp luật. Hơn nữa, rủi ro khi thuê người không giấy phép là cực cao vì mức phạt quá cao.
Cái tình của đồng bào?
Như đã viết ở trên, vì không có giấy phép lao động, và cơ hội kiếm được việc làm ở một đất nước nói 4 ngôn ngữ nhưng không có tiếng Anh, nên du học sinh chỉ có lựa chọn là làm việc chui cho chính đồng bào mình. Từ đây mới nảy sinh nhiều vấn đề:
Các công việc phổ biến nhất du học sinh tìm được là phụ trong nhà hàng, trông trẻ theo giờ, dọn dẹp nhà cửa… Đương nhiên là làm chui thì không có chế độ báo thuế, đóng bảo hiểm, các mức thù lao các ông bà chủ đồng bào trả cho các em chỉ nằm trong khoảng 30% nếu so với mức trả cho người khác.
Chuyện du học sinh bị bóc lột ở chỗ làm cũng không phải hiếm.
Ủ mưu ở lại - "Khiêu vũ giữa bầy linh cẩu"
Cũng như đa số các nước châu Âu, Thụy Sỹ đang cực kỳ xiết chặt thành phần nhập cư và xiết luôn việc cấp phép lao động nước ngoài. Do đó, cửa cho du học sinh ở lại theo đường hợp đồng lao động sau khi học xong là không thể.
Các trường tư nhận du học sinh cho phép đóng tiền học phí theo từng năm. Đóng đủ nhà trường làm thủ tục cho visa ở lại. Hết tiền, mời đi.
Từ đó nảy sinh các dịch vụ: Đã gặp trường hợp cả nhóm chục người bị 1 nhóm Afganistan dụ đóng tiền để giúp làm visa, nhưng sau khi nhận mỗi đứa 2,4 ngàn mới vỡ ra bị lừa nhưng không ai dám đứng ra tố cáo vì sợ chính mình cũng bị đuổi".
Tuổi trẻ nên dấn thân, tuy nhiên cần thật tỉnh táo, tính toán khả năng của bản thân và gia đình, chuẩn bị một sự quyết tâm sắt đá để tồn tại được ở xứ người (Ảnh minh họa)
Dấn thân nhưng đừng liều lĩnh!
Đời sống du học sinh không như mơ. Đó là điều hàng nghìn bạn trẻ nhận ra sau khi đọc tâm sự của chị Hương Vũ.
Nhiều bạn trẻ thừa nhận gặp phải tình cảnh tương tự như trong bài chia sẻ của chị Hương. Sau thời gian du học nước ngoài, ý nghĩ quay về Việt Nam làm việc của nhiều người lịm tắt vì cảm thấy thu nhập không tương xứng với công sức mình bỏ ra.
Thế nhưng, quyết tìm đường ở lại càng khó hơn...lên trời, khi không có lấy một công việc ổn định lại là du học sinh visa có thời hạn.
Chị Hương Vũ tâm sự: "Tôi đang viết sách nên có cơ hội tiếp xúc, phỏng vấn nhiều du học sinh Việt tại đây.
Có thể các nhân viên tư vấn du học ở Việt Nam không thật sự có ý lừa lọc, họ chỉ tư vấn những gì bản thân họ được hướng dẫn mà không nắm được thực tế, nên qua đây tôi muốn cung cấp thông tin thực tế để những ai đang có nhu cầu suy ngẫm, và biết đường "liệu cơm gắp mắm" chuẩn bị cho các tình huống.
Tôi gặp quá nhiều cảnh thương tâm của bọn trẻ bên này rồi, nên thấy nghĩa vụ của mình là cần lên tiếng cảnh báo chứ không có ý ngăn người này cản người nọ đi.
Tôi khuyến khích tuổi trẻ dấn thân, tuy nhiên cần thật tỉnh táo, tính toán khả năng của bản thân và gia đình, chuẩn bị một sự quyết tâm sắt đá để tồn tại được ở xứ người.
Đừng để giống những đứa du học sinh đang "trở đi mắc núi, trở lại mắc song" mà tôi đã gặp bên này".
Hiện câu chuyện du học Thụy Sĩ - tưởng sang chảnh nhưng hóa ra lại đắng cay vô cùng này vẫn đang "nóng" trên mạng xã hội và nhiều diễn đàn về du học.
Theo Trí thức trẻ
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong GOCDUHOC
-
10 sự thật không ngờ về Du học Đức
Trong một vài năm trở lại đây, Du học Đức là một trong những sự lựa chọn hàng của các bạn có mong muốn được học tập trong môi trường quốc...
-
Đức: ''Luật nhập cư sửa đổi'' bắt đầu có hiệu lực nhằm thu hút lao động tay nghề
Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư của Đức nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng...
-
''Làng trong Phố'' - nơi quy tụ thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Đức
Hàng loạt sự kiện sôi nổi diễn ra liên tục trong 3 ngày của chương trình Trại Hè 2023 đã thu hút hàng trăm thanh niên, sinh viên và học...
-
Đi nước ngoài 4 năm, điều gì khiến bạn ngạc nhiên nhất khi trở về Việt Nam?
Tuần trước, mình có ngồi bia hơi với bạn cùng công ty cũ, nó đi học và làm việc ở Đức từ đầu năm 2019 đến tận hè này mới về Việt Nam do...