Trong suốt gần 3 tháng qua, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không chỉ với người dân Trung Quốc mà đã lan ra thế giới và hiện tại đang gây náo loạn cả châu Âu. Chúng ta dễ dàng thấy được mọi hoạt động kinh tế đều bị ngưng trệ, người dân hạn chế ra đường, các siêu thị hết sạch đồ ăn vì người dân thi nhau tích trữ.
Hơn ai hết, các bạn du học sinh luôn mong ngóng được trở về quê hương. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện trở về khi một mặt lo ngại tình hình dịch bệnh trên đường trở về, mặt khác là tiến độ học tập và cuộc sống thường nhật bị xáo trộn theo hướng bất lợi. Quyết định ở lại luôn là quyết định khó khăn và hiển nhiên ai cũng có một niềm trăn trở riêng khi đành chọn ở lại.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến đường phố trở nên vắng vẻ, người dân hạn chế tiếp xúc người lạ.
"Nơi này vẫn ổn, mình muốn nhường chuyến bay cho bạn khác..."
Đức hiện đang là tâm dịch lớn thứ 4 ở châu Âu và cũng là một đất nước được nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam lựa chọn để học tập. Quyết định ở lại hay rời khỏi là điều không dễ dàng với Lan Chi (du học sinh Đức) cũng như nhiều du học sinh khác. Gia đình ngày ngày thúc giục và thường gửi thông tin mong nữ sinh sớm trở về.
"Lúc này rõ ràng chính phủ Việt Nam chống dịch khá tốt, luôn truyền thông cho người dân về tầm nguy hiểm nhưng mình vẫn nhất quyết ở lại và sẽ không để nhiễm bệnh. Việc di chuyển nhiều, đặc biệt tới những nơi đông người như sân bay hay máy bay, sẽ tăng nguy cơ bị lây nhiễm chéo. Vô tình mình có thể mang nguồn bệnh về lây nhiễm cho người thân ở nhà. Ngoài ra, mình không muốn tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế tại Việt Nam", Lan Chi chia sẻ.
Dù quyết định ở lại không hề dễ dàng nhưng Lan Chi vẫn quyết tâm chọn ở lại.
Đường phố tại bang Sachsen, Đức trước và sau khi dịch Covid-19 bùng phát.
Nguy cơ lây nhiễm cao cũng là lý do khiến Thảo Trinh (du học sinh Đức) không muốn quay trở về. Dù biết nếu về mọi người sẽ yên tâm hơn nhưng quá trình di chuyển sẽ gặp nhiều người mang mầm bệnh nên cô bạn đã quyết định ở lại tự cách ly và trông đợi những biện pháp phòng dịch khác của Chính phủ.
"Theo mình điều quan trọng nhất là tự phòng vệ, hạn chế đến nơi đông người, tuân thủ các điều luật. Nếu mình về có thể gặp trường hợp lây nhiễm trên máy bay, nhiều chuyến bay bị hủy, các cơ sở y tế quá tải nên mình cho rằng, ai ở đâu thì vẫn nên ở đó", Thảo Trinh tâm sự.
Cùng quan điểm, du học sinh Huỳnh Xuân Nga hiện cảm thấy khá yên tâm khi chọn ở lại Bồ Đào Nha dù số ca nhiễm tại nước này đã hơn 3554 ca. "Hiện tại, mình vẫn khá ổn và an toàn vì thường xuyên ở trong nhà và không tiếp xúc với ai, chỉ ra ngoài khi mua đồ ăn và đi đổ rác. Người dân ở đây đã chủ động đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn. Do trường mình đã thông báo cho nghỉ nên không phải đến trường trên những chuyến xe buýt và tàu nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Nên hiện giờ mình chỉ ở nhà không dám làm gì nữa, chỉ sợ cuối tuần hết đồ ăn lại phải đi siêu thị thì hơi lo", Xuân Nga tâm sự.
Nhiều du học sinh mong muốn được trở về, nhưng không phải ai cũng có cơ hội bởi bên cạnh chi phí đi máy bay đắt đỏ, việc kiếm vé cũng không hề dễ vì nhiều nước đã ngừng khai thác đường bay. Muốn về thì đành phải quá cảnh ở nhiều nước, có thể dẫn đến nguy cơ bị kẹt nếu đường bay bị hủy đột ngột.
"Bây giờ mình muốn về cũng không dễ vì Nga ngừng khai thác đường bay về Việt Nam, nếu muốn thì đành phải quá cảnh ở nhiều nước khác. Mặt khác, mình cũng không muốn về vì không biết tình hình bao giờ mới ổn để quay lại đây. Đất nước mình đang du học vẫn an toàn nên mình muốn nhường suất trở lại cho những bạn sinh viên khác", Đào Ngọc Diễm (du học sinh Nga) chia sẻ.
Và rất nhiều bạn du học sinh chọn ở lại một phần vì còn nhiều dự án học tập nơi đây, phần khác cho rằng 14 ngày cách ly có thể ảnh hưởng tới quá trình ôn thi. Nhiều trường cũng thông báo nghỉ học muộn dẫn đến việc đặt vé trễ của du học sinh. Bên cạnh đó, nhiều du học sinh cũng đắn đo khi nhiều chuyến bay thẳng bị tạm hoãn khiến việc quay về Việt Nam phải quá cảnh ở nhiều nơi rất phức tạp.
Du học sinh Đào Ngọc Diễm quyết định ở lại vì vẫn tin tưởng vào cách phòng tránh dịch ở nước sở tại.
Du học sinh kêu gọi hạn chế dịch chuyển, học cách tự chăm sóc bản thân
Ở lại tâm dịch châu Âu, mọi người đều phải học tập và sinh hoạt ở tại nhà trong thời gian này. Thực phẩm tích trữ trong nhà đủ dùng từ vài ngày đến cả tuần. Dù ở Đức, Anh hay Ba Lan, Bồ Đào Nha, những du học sinh này đều tin tưởng vào việc cung ứng thực phẩm của nước sở tại. Tuy nhiên, để tránh việc phải ra ngoài nhiều tăng nguy cơ lây nhiễm thì tất cả đã mua và tích trữ đồ ăn và những mặt hàng thiết yếu.
"Cuộc sống cũng có đảo lộn nhưng chúng mình vẫn xoay xở được, mỗi lần ra ngoài, mình đeo khẩu trang, quàng khăn thật kín. Sáng dậy sớm đi siêu thị để mua được nước rửa tay, nước xịt khuẩn, giấy vệ sinh và các mặt hàng thiết yếu khác. Thức ăn không đa dạng như trước nhưng đủ dùng", Phùng Dương (du học sinh Ba Lan) tâm sự.
Khi dịch còn chưa bùng phát mạnh, Phương Linh (sinh viên Đại học Hertfordshire, Anh) đã chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, nước uống để tích trữ nên không có lo lắng gì nhiều. Những ngày này các siêu thị tại đây giới hạn số lượng mua, mỗi người chỉ được mua tối đa là 3 sản phẩm, nên ai cũng sẽ có phần chứ không quá khan hiếm hàng hóa, ngoài ra nếu muốn có thể đặt mua hàng online nữa.
Nhiều du học sinh tranh thủ tích trữ đồ ăn trong thời gian nghỉ ở nhà tránh dịch.
Ở nhiều nơi, cộng đồng du học sinh cũng thực hiện rất tốt vai trò của mình khi thường xuyên nhắc nhở nhau biện pháp bảo vệ bản thân như tránh đến chỗ đông người, làm việc ở nhà... Nhiều hội nhóm sẵn sàng tìm host cho những du học sinh buộc phải rời KTX đột ngột hay cùng nhau livestream học bài tập, thường xuyên hỏi thăm và update tình hình của nhau.
Lê Quang Vinh (du học sinh Anh) chia sẻ: "Bên cạnh mình vẫn có nhiều bạn sinh viên khác cùng quyết định ở lại nước sở tại và chúng mình cũng giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày. Mùa dịch này chúng mình nhắc nhở nhau uống thêm vitamin, súc miệng vệ sinh và rửa tay thường xuyên tay nên mình cũng yên tâm ở lại phần nào".
Cậu bạn cũng cập nhật tình hình giúp đỡ nhau của hội du học sinh Anh: "Mọi người cập nhật rất nhanh tình hình và thông tin về dịch cho chúng mình, đặc biệt vấn đề liên quan máy bay và hỗ trợ sinh viên về nước. Mọi người cũng thường xuyên trao đổi tình hình, update kiến thức cho nhau. Siêu nhiệt tình và đáng yêu!"
Đào Thị Hồng Anh (du học sinh Hungary) nhắn nhủ: "Ở bên khu mình, các bạn du học sinh cùng nhau kêu gọi quyên góp khẩu trang, nước rửa tay và một số nhu yếu phẩm. Nhưng chính nhất vẫn phải do chúng mình tự biết cách bảo vệ bản thân. Chăm chỉ tập thể dục, rửa tay thường xuyên và chăm sóc sức khỏe, tâm lý của mình. Nếu ở một mình mà cô đơn thì nhớ gọi điện cho gia đình và người thân sẽ bớt trống vắng hơn".
Một mình ở lại không bao giờ là điều dễ dàng, nhất là trong thời điểm bùng phát dịch. Tuy nhiên, rất nhiều cộng đồng du học sinh đã cùng chung tay giúp đỡ những người ở lại bằng nhiều biện pháp thiết thực. Hơn hết, du học sinh là người hiểu rõ việc phải luôn thay đổi và thích ứng dần với mọi hoàn cảnh.
Dù du học sinh chọn ở lại hay trở về quê hương thì hãy luôn cân nhắc thật kỹ. Mọi quyết định đều có mặt tốt xấu của nó và chỉ bạn hiểu được tình hình thực tế để đưa ra quyết định chính xác nhất. Quan trọng nhất, chúng ta đều hiểu rằng lo lắng sẽ khiến tình trạng rối ren hơn. Vậy nên bình tĩnh sống và tự chăm sóc bản thân là điều ai cũng nên làm lúc này.
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong GOCDUHOC
-
10 sự thật không ngờ về Du học Đức
Trong một vài năm trở lại đây, Du học Đức là một trong những sự lựa chọn hàng của các bạn có mong muốn được học tập trong môi trường quốc...
-
Đức: ''Luật nhập cư sửa đổi'' bắt đầu có hiệu lực nhằm thu hút lao động tay nghề
Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư của Đức nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng...
-
''Làng trong Phố'' - nơi quy tụ thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Đức
Hàng loạt sự kiện sôi nổi diễn ra liên tục trong 3 ngày của chương trình Trại Hè 2023 đã thu hút hàng trăm thanh niên, sinh viên và học...
-
Đi nước ngoài 4 năm, điều gì khiến bạn ngạc nhiên nhất khi trở về Việt Nam?
Tuần trước, mình có ngồi bia hơi với bạn cùng công ty cũ, nó đi học và làm việc ở Đức từ đầu năm 2019 đến tận hè này mới về Việt Nam do...