Tâm thư của Việt kiều: “Con hơi buồn khi mẹ hỏi con khi nào con có tiền mua nhà, mua đất và giàu có như các bạn con ở Việt Nam“

Mẹ à, con hơi buồn khi mẹ hỏi con khi nào con có tiền mua nhà, mua đất và giàu có như các bạn con ở Việt Nam, cũng như các bạn du học mà mẹ gặp. Ở đây mọi thứ rất khác.

Con sẽ kể nôm na về cuộc sống của con ở đây, để mẹ hiểu con hơn.

Mẹ thân yêu,

Con hôm nay rất vui được nói chuyện với mẹ, cũng lâu rồi con không gọi điện về. Cũng muốn nói nhiều hơn nữa, nhưng con biết mẹ sợ con tốn tiền, nên không muốn nói lâu.

Mẹ à, con hơi buồn khi mẹ hỏi con khi nào con có tiền mua nhà, mua đất và giàu có như các bạn con ở Việt Nam, cũng như các bạn du học mà mẹ gặp. Ở đây mọi thứ rất khác, con sẽ kể nôm na về cuộc sống của con ở đây, để mẹ hiểu con hơn.

1 1 Tam Thu Cua Viet Kieu Con Hoi Buon Khi Me Hoi Con Khi Nao Con Co Tien Mua Nha Mua Dat Va Giau Co Nhu Cac Ban Con O Viet Nam

Đúng là nếu con sống ở Việt Nam, con sẽ giàu hơn ở đây nhiều lần, con gái mẹ ở Việt Nam làm việc ở một công ty danh tiếng và lương nghìn đô. Có nhiều lý do lắm, ở Việt Nam, con không phải trả tiền nhà, tiền bảo hiểm và thuế cao. Hiện nay nhà của bọn con là 700AUD/ tháng. Ở Việt Nam cho dù phải trả tiền nhà, cũng sẽ không đắt như thế này, cộng thêm tiền nước và điện thì tổng cộng số tiền là một nghìn AUD mỗi tháng.

Tiền bảo hiểm bắt buộc của con và anh Peter mỗi tháng là 500AUD.

Bảo hiểm này bao gồm nhiều loại: sức khỏe, sự rủi ro (một ví dụ đơn giản nếu con chơi bóng và làm vỡ kính nhà hàng xóm, thì bảo hiểm sẽ trả tiền đó), bảo hiểm tính mạng (nếu anh Peter hay con có vấn đề gì, bảo hiểm sẽ trả tiền bằng thu nhập của người đó, cho người còn sống, đến lúc người đó chết). Nhờ có loại bảo hiểm này mà mẹ anh Peter mặc dù không có lương hưu, vì bà chưa bao giờ đi làm, vẫn sống thoải mái, mua nhà và ôtô, đi du lịch, vì bà sống bằng tiền hưu và tiền bảo hiểm của bố anh ấy.

Tất cả thu nhập của bọn con, đều phải trả thuế 40%, lương của anh Peter hiện nay là 2650AUD, sau thuế còn 2.000.

Lương của con thì không ổn định, nhưng cũng luôn bị trừ trực tiếp như vậy, ví dụ những buổi dạy tiếng Việt con được trả 100AUD thì tiền trong tài khoản luôn là 60 thôi.

Đôi khi dạy tiếng Việt cho cá nhân đi du lịch, con đề nghị họ trả tiền mặt (tức trốn thuế), họ sẽ đồng ý, nhưng mặc cả, thay vì 20AUD một tiếng, họ sẽ đưa 14AUD thôi thì cũng như nhau. Khi đó thì con sẽ thích họ trả cả thuế hơn, vì càng nộp nhiều thuế, thì tiền hưu sẽ càng nhiều.

Vì những điều đó, mà sau khi trừ các khoản và ăn uống, tiền để dành của bọn con là không nhiều. Thực ra, đa số dân số ở đây cũng vậy thôi, bù lại luôn cảm thấy yên tâm, vì bất kỳ chuyện gì xảy ra, nhà nước và bảo hiểm sẽ lo hết, mình không cần lo gì cả. Tiền con đi bệnh viện là rất nhiều, con chỉ cần ký giấy, bảo hiểm trả. Nếu giả sử anh Peter mất việc, anh ấy sẽ vẫn được nhận số tiền trợ cấp bằng 90% lương cũ, cho đến ngày có việc mới (thời gian anh Peter mất việc là như thế, vì vậy mặc dù bố mẹ ở Việt Nam giục nhiều, anh ấy cũng không vội vàng tìm việc mới!).

Những người có thu nhập như bọn con, gọi là trung bình khá, là như vậy.

Những người có thu nhập thấp, như mấy anh chị du học vẫn biếu mẹ tiền mỗi khi về Việt Nam, chị Hà hay chú Trung, thì lại ‘cực kỳ sung sướng’.

Thu nhập thấp là dưới một nghìn AUD một tháng. Nhà nước sẽ trợ cấp thêm tiền nhà, tiền điện nước, tiền bảo hiểm, con cái và thậm chí cả đi lại và xem ca nhạc. Những người này, nếu làm thêm (trốn thuế) thì sẽ tiết kiệm giàu hơn những người như bọn con (nhưng nếu bị phát hiện trốn thuế thì sẽ bị phạt tiền nặng và đi tù). Cũng vì thế mà những người như chị Hà không bao giờ có ý định kiếm việc đi làm, vì tính ra, sẽ thiệt vô cùng.

Bọn con có thể sẽ lên được mức trung lưu, nếu con cũng đi làm chính thức như anh Peter, tức là 5 ngày, 40 tiếng một tuần. Nếu con đi làm bây giờ, số tiền con sẽ nhận được khoảng 1.500AUD (đã trừ thuế), thu nhập của con sẽ là tiền tiết kiệm, mỗi năm sẽ là khá nhiều. Nhưng con đã không đi làm, vì lý do ba năm đầu không được sinh con, và mỗi năm sẽ chỉ được nghỉ 10 ngày phép.

Thực ra tuần trước con đã chuẩn bị ký hợp đồng làm cho một hãng bảo hiểm, nhưng rồi lại thôi vì con nghĩ bây giờ bố mẹ vẫn còn sống và mỗi năm con chỉ có thể về Việt Nam 10 ngày, rồi lại đi, thì chịu sao được.

Mà nếu nghỉ quá thì bị đuổi việc (bị mất việc thì vẫn được trợ cấp, nhưng bị đuổi thì không được gì hết). Hơn nữa, nếu sinh kịp cháu bây giờ thì nó còn kịp gọi ông bà ngoại. Sau ba năm nữa, biết chuyện gì xảy ra. Vì thế mà đến giờ này, con vẫn không làm chính thức ở đâu cả.

Vì vậy mặc dù thu nhập của con bây giờ là không ổn định và không nhiều, con vẫn rất yêu cuộc sống của con bây giờ, làm tư vấn, ba ngày một tuần, thời gian còn lại làm thêm các việc khác, chăm sóc nhà cửa, chơi thể thao và làm được nhiều việc mà con thích. Nếu có con, con hoàn toàn tiếp tục làm như thế này được.

Anh Peter rất ủng hộ công việc này và không bao giờ ép con đi làm chính thức ở đâu cả. Bọn con cùng thống nhất mục đích sống là không cần nhiều tiền, đủ ăn và tự do, làm được những việc mà mình thực sự mong muốn.

Dĩ nhiên nếu con làm kinh doanh được, như chị Thảo, thì cũng sẽ giàu lắm, nhưng sao con không thích việc kinh doanh chút nào cả, phải lo nghĩ và tính toán, và con cũng không biết là phải lo nghĩ và tính toán thế nào. Con thích công việc bây giờ của con. Và việc con thích nhất là nếu con nhớ bố mẹ và gia đình, con có thể mua vé và về bất kỳ lúc nào, không cần xin ai hay có bất kỳ điều kiện gì khác.

Nếu anh Peter đi công tác ở một nước nào, con luôn đi cùng được, lại được du lịch và khám phá.Con không thích như chị Hạnh, bạn Nhung hay em Lan ở đây, có thể mua vé về bất kỳ lúc nào, nhưng không bao giờ về được vì phải đợi ba năm mới đủ 30 ngày phép cho một lần về. Mọi người ghen tỵ với con lắm, nhưng chưa bao giờ con ghen tỵ với số tiền tiết kiệm mà mọi người có được trong ngân hàng.

Vài dòng tâm sự với mẹ về những suy nghĩ của con, có lẽ cũng không được bình thường lắm. Mẹ yên tâm một điều, con vui với cuộc sống, với cơ hội con đang có và những việc con đang làm. Con có thể không nhiều tiền, nhưng con rất hạnh phúc.

Con yêu và nhớ bố mẹ nhiều.

Con Hằng Nga.

VNexpress

 

 


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức