Tết của những điều dưỡng viên người Việt tại Đức

Đối với những điều dưỡng viên ở Đức, đêm ba mươi là ngày đặc biệt nhất trong dịp Tết Nguyên đán ở “trời Tây”. Có nhiều người muốn được hưởng trọn cái Tết Việt Nam, nên từ năm 2022, họ đã làm đơn xin nghỉ phép một đến hai ngày, trùng với ba mươi, mùng 1, mùng 2 ở Việt Nam, đến mùng 3 Tết (theo lịch âm) thì họ sẽ quay trở lại làm việc. Nhưng phần lớn mọi người vẫn chọn đi làm, đi học.

Trong khi những gia đình Việt Nam đang nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán thì tại châu Âu xa xôi, có những người trẻ đang đón Tết cổ truyền trong thầm lặng. Đó là những điều dưỡng viên sống tại Meerance thuộc bang Sachsen của nước Đức, họ đều trong độ tuổi 20, vừa học vừa đi làm tại các viện dưỡng lão.

Kỳ công đón Tết

Vào buổi tối cuối tuần, tại ngôi nhà năm tầng ở Meerance thuộc nước Đức, những câu chuyện Tết Nguyên đán đang được các điều dưỡng viên người Việt bàn luận sôi nổi, mặc dù đây là dịp họ bận rộn vừa chuẩn bị cho các kỳ thi trên trường, vừa thực tập tại viện dưỡng lão được nhà trường chỉ định.

1 Tet Cua Nhung Dieu Duong Vien Nguoi Viet Tai Duc

“Cứ đến dịp Tết Âm lịch, chúng tôi phải chia nhau ra để chuẩn bị thì mới làm được một mâm cỗ nhỏ”, Đặng Diệu Hoa (26 tuổi) cho biết. Diệu Hoa đến từ quận Hoàng Mai, Hà Nội, hiện đã có bốn năm sinh sống, làm việc và học tập tại nước Đức. Hoa cho biết “nhập gia, tùy tục”, ngày Tết Nguyên đán là dịp đặc biệt với người châu Á, nhưng lại là ngày thường với người châu Âu, nên phần lớn cô và những điều dưỡng viên khác đều đi học, đi làm.

Mỗi điều dưỡng viên sẽ có lịch học tập và làm việc khác nhau. Nhưng thông thường họ bắt đầu ra khỏi nhà vào lúc 6h sáng, người đi học sẽ mất hai chuyến xe buýt và một chuyến tàu để đi khoảng 34km đến trường học. Họ dành cả ngày trên trường học các kỹ năng, giải phẫu học cơ bản và liên tục trả lời vấn đáp với giảng viên trong lớp cho đến lúc tan học vào 16h.

Với những người trong giai đoạn thực tập (đi làm và có lương) tại các viện dưỡng lão, họ sẽ bắt đầu từ lúc 6h sáng và kết thúc vào 14h45, hoặc từ 12h30 và tan làm vào 21h15 tùy vào ca làm việc. Công việc của họ luôn chân, luôn tay từ chăm sóc người già, vệ sinh cá nhân như thay ga trải giường, thay bỉm cho đến phân chia thức ăn trong các bữa… Tất cả mọi việc phải hoàn thành chuẩn chỉnh trong 8 tiếng được quy định.

Tuy nhiên, không vì bận rộn mà họ quên đi cái Tết cổ truyền. Mỗi năm, cứ đến tháng một, tháng hai, họ lại háo hức tự chuẩn bị những bữa cỗ tất niên ở nơi xứ người. Như thường lệ, mọi người trong tòa nhà sẽ phân chia nhau để mua đồ ăn, mỗi người một món, rồi tụ họp lại vào tối ba mươi Tết và cùng nhau “phá cỗ”.

Nguyễn Minh Anh (25 tuổi) hiện đã sống ở Đức được hơn ba năm cho biết: “Chúng tôi sẽ mua và làm một số món ăn truyền thống ngày Tết như bánh chưng, giò, măng, miến, nếu có nhiều thời gian, họ sẽ làm thêm cả món thịt kho tàu, để bữa cơm tất niên mang không khí truyền thống nhất có thể”. Một mâm cơm tưởng chừng rất đơn giản với người Việt Nam nhưng lại vô cùng vất vả với các điều dưỡng viên sống tại Đức.

Minh Anh chia sẻ việc tìm mua nguyên liệu, thực phẩm chuẩn bị bữa cơm tất niên ở Meerance rất kỳ công. Đây là nơi vắng người, không phải các thành phố lớn, thậm chí còn không có đèn giao thông, nên muốn mua đồ trong siêu thị thì phải đi xa. Mọi người tranh thủ những ngày được viện dưỡng lão cho nghỉ hoặc cuối tuần để mua những món dễ tìm thấy ở nước ngoài như thịt lợn, khoai tây, nước ngọt, mắm, muối. Một số thực phẩm khó tìm như gạo nếp, bánh, mứt, nước hàng,… thì phải đến các chợ người châu Á rất xa, thậm chí phải vào các thành phố khác mới mua được.

2 Tet Cua Nhung Dieu Duong Vien Nguoi Viet Tai Duc

Còn những món ăn truyền thống như bánh chưng, giò chả, măng miến thì họ phải đặt người Việt Nam làm hoặc mua hộ. Mỗi chiếc bánh chưng tùy thuộc theo kích cỡ to hay nhỏ mà có giá dao động từ 250 – 450 nghìn đồng/chiếc. Măng, miến cũng sẽ có giá thành cao hơn ở Việt Nam, thậm chí đắt hơn một bữa ăn thường ngày của họ ở bên Đức.

Vũ Đức Cường (26 tuổi, quê ở Hải Dương) đã sang Đức được gần 5 năm cho biết: “Tết đến, mọi người cũng muốn dành thời gian nấu bánh chưng hay trang trí ít hình hoa đào, dây pháo cho căn hộ. Nhưng bận đi học, đi làm kiếm tiền mưu sinh, nên cũng chỉ cố gắng làm một, hai mâm cơm nho nhỏ”. Vài mâm như vậy, nhưng họ cũng mất đến mấy tuần để chuẩn bị, từ việc đặt bánh, mua các nguyên liệu, phân chia những người có thời gian để nấu nướng.

Giao thừa xa xứ

Trong ngày ba mươi Tết, những người không có lịch đi làm hoặc xin nghỉ sẽ phụ trách nấu những món ăn truyền thống như canh măng, miến, thịt kho tàu,… Thông thường, mọi người sẽ về tòa nhà đầy đủ từ buổi chiều, tụ họp thêm một số bạn bè người Việt Nam thân quen ở xung quanh, quây quần bên nhau trong căn hộ của một thành viên bất kỳ. Họ bật những bản nhạc Tết quen thuộc của Việt Nam, cùng nhau bày biện mâm cơm tất niên thật đẹp. Minh Anh chia sẻ: “Chúng tôi thường cố gắng ăn đúng vào 6h ở Đức, nghĩa là tầm 12h đêm ở Việt Nam, như vậy mới có cảm giác mình đang sống ở quê nhà”.

Trong ngày 30 Tết, những điều dưỡng viên phải đi làm ca tối là buồn nhất, vì họ buộc phải bỏ qua thời khắc giao thừa để trực tại viện dưỡng lão. Đặng Diệu Hoa tâm sự, cô đã nhiều năm bận làm việc, không kịp về ăn bữa cơm tất niên. Năm nay, cô cũng sẽ phải đi làm ca chiều tối vào đúng ngày 30 Tết. Hoa cho biết, nhiều lúc cô cũng buồn, nhớ nhà, muốn về với bạn bè, nhưng lịch đăng ký đi làm như vậy, không thể bỏ bê công việc.

Vũ Đức Cường cũng chia sẻ, Tết là dịp mà bất cứ điều dưỡng viên nào trong tòa nhà cũng nhớ gia đình, muốn được về Việt Nam. Nhưng do điều kiện kinh tế không cho phép, mọi người phải tiết kiệm tiền và gửi về cho gia đình. Họ đành gác lại, đợi đến khi thu nhập tốt hơn sẽ về. Nhưng, anh cũng vui vẻ nói: “Tết vẫn luôn là Tết, dù ở đâu, đã là người Việt Nam đều sẽ háo hức”.

Đối với Diệu Hoa, khoảnh khắc giao thừa là một phút giây vui buồn lẫn lộn: “Đến 6h chiều ngày 30 Tết, nhìn đồng hồ, tự dưng cảm thấy vừa háo hức, vừa có chút chạnh lòng. Không biết giờ này mẹ và các anh chị em ở Việt Nam đã cúng giao thừa ra sao? Mọi người liệu có khỏe mạnh không?”.

Đối với những người may mắn tham dự bữa tiệc giao thừa, họ thường tổ chức từ chiều tối cho tới rạng sáng ngày hôm sau để ngay cả những người về nhà trễ như Diệu Hoa cũng có thể tham gia. Ăn xong, mọi người cùng nhau hát karaoke, gọi điện thăm hỏi người nhà ở Việt Nam, hoặc tụ tập lại nói chuyện, chơi một số trò giải trí.

Đến khoảng 10h tối, họ phải hạn chế tiếng ồn, đây là lúc hàng xóm bên các khu khác nghỉ ngơi, nếu hát hò ầm ĩ có thể bị nhắc nhở hoặc tệ hơn là bị kiện. Vũ Đức Cường chia sẻ: “Tết của cộng đồng mình là Tết riêng, cho nên không thể “bắt” người ta phải chúc mừng vui vẻ như chúng tôi được. Sau 10h đêm không được làm phiền mọi người xung quanh”.

Mọi người ra về không quên chúc nhau một năm mới gặp nhiều may mắn, thường họ sẽ chúc thi qua môn hoặc tốt nghiệp đúng hạn, để có chứng chỉ hành nghề và được giữ lại tại các viện điều dưỡng tốt nhất. Minh Anh cho biết: “Tết Nguyên đán ở Việt Nam cũng sát với kỳ thi quan trọng mỗi năm của chúng tôi tại Đức, nên chúng tôi chỉ tổ chức một buổi tối. Hôm sau, mọi người sẽ quay trở về với lịch trình đi học và đi làm như bình thường”.

Sáng ngày mùng một Tết, các điều dưỡng viên trong căn hộ sẽ mặc bộ đồ mới màu đỏ hoặc các màu sắc may mắn để đi làm, đi học. Đều là những người phải tự trang trải kinh tế tại Đức, họ không lì xì nhau mà thay bằng những cái ôm may mắn, câu chào thật to, rõ ràng đầy hào hứng cho một năm mới. Còn đối với những người mạnh dạn xin phép nghỉ một, hai ngày đón Tết, họ sẽ rủ nhau đi chơi, đến những khu chợ người Hoa, người Việt để tận hưởng không khí năm mới.

Nguồn: baophapluat.vn


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài khác trong Góc Du học