Thi cử ở Đức: Có quay cóp hay không?

Học Đại học bên Đức, không giống ở Việt Nam có điểm danh mỗi lần lên lớp, ở đây, hầu hết phụ thuộc vào Sự tự giác của Sinh viên.

 

Thi cử ở Đức: Có quay cóp hay không? - 0Giảng đường Số 1 trường Đại học Köln/ Cologne Ảnh: uni-koeln.de

Mỗi ngành học có một số lượng Tín chỉ riêng cần phải đạt, nếu đạt hết sẽ hoàn thành Chương trình học. Mỗi môn thi, Sinh viên được phép làm tối đa 3 lần. Nếu sau cả 3 lần đều trượt, Sinh viên sẽ không được phép học ngành đang học và các ngành khác có môn thi trượt đó. 

Mỗi Sinh viên có một Tài khoản điểm riêng. Thi trượt môn nào, số điểm sẽ bị trừ đi trong tài khoản và nếu hết điểm, Sinh viên sẽ không được phép theo học nữa. Số điểm bị trừ trong Tài khoản phụ thuộc vào số Tín chỉ của mỗi môn thi. Ví dụ: Môn Kinh tế có số Tín chỉ 6, nếu thi trượt sẽ bị trừ 6 điểm trong TK điểm.

Chuyện thi cử ở các trường Đại học bên Đức phần lớn theo tiêu chí: "Học gì - Thi nấy". Có nghĩa là phải học hết những gì thầy/ cô giáo dạy trong cả học kỳ. 

Thi cử ở Đức: Có quay cóp hay không? - 2

Ảnh: uni-koeln.de

 Cũng có trường hợp, thầy/ cô giáo sẽ bớt cho 1, 2 chương (tuỳ theo Độ thương SV :) ), nhưng nhìn tổng thể cũng chẳng thấm vào đâu so với những phần cần phải học.

Trong bao năm cắp sách (và cả cắp con) lên giảng đường, duy chỉ một lần mình thấy có đứa quay bài. Khi Sinh viên đi thi, những thứ được phép mang vào phòng thi chỉ là: bút, thẻ Sinh viên. Áo khoác, giấy nháp, cặp sách... đều không được phép để cạnh bên mình, mà phải để trên phía bục giảng hoặc bên lối đi hai bên cách xa chỗ ngồi. Với những Sinh viên Ngoại quốc, nếu khi đi thi cần Từ điển thì phải đặt đơn Xin phòng Thi cử trước và chỉ được phép mang Từ điển đã được phòng kiểm tra và chấp nhận vào phòng thi.

 

Thi cử ở Đức: Có quay cóp hay không? - 4Giảng đường lúc có bài giảng Ảnh: uni-koeln.de

 

Chỗ ngồi thi không được báo trước hay tự chọn, mà Ban trông thi sẽ đến sớm trước giờ thi khoảng 1 tiếng, tự đánh số theo quy định của Phòng thi cử yêu cầu ( có thể là tăng dần từ dưới lên, hoặc giảm từ trên xuống, hoặc theo vòng tròn). Thường một bàn ở giảng đường có khoảng hơn chục chỗ ngồi. Khi thi, bàn ấy được sắp xếp tối đa 2 đến 3 Sinh viên. 

Chỗ ngồi SV khi đi thi thường là:

  • Bàn 1: Sinh viên ngồi - để trống - để trống - SV ngồi ( Cách hai chỗ trống là 1 SV)
  • Bàn 2: Để trống
  • Bàn 3: Giống bàn 1 nhưng xen kẽ: Trống- SV ngồi- trống-trống-SV ngồi

Sau khi sắp xếp xong chỗ ngồi, một giám thị đứng đầu và một giám thị đứng cuối lớp sẽ đi phân phát bài thi. Phát bài thi ở đâu đầu tiên thì sẽ thu bài ở đó trước tiên. Sau khi bài thi được phát, một giám thị sẽ đi từng bài để kiểm tra danh sách, đối chiếu tên tuổi và ảnh. 

Giấy nháp được kèm trong bài thi và sau khi làm sau sẽ phải nộp cả giấy nháp, đề thi. Quay cóp trong phòng thi quả thật khó, khi trên bàn không hề có giấy tờ gì cá nhân, khi chỗ ngồi cách nhau và so le như thế. 2, 3 Giám thị sẽ đi lại liên tục. 

Việc quay bài bên này, một phần là khách quan, một phần do Lòng Tự trọng của SV. Nếu không làm được bài, họ sẽ đứng lên nộp bài và đi về. Không hỏi bài. Không quay cóp. Tất cả diễn ra trong yên lặng. 

Kết quả thi sẽ do Phòng thi cử đăng trên mạng, Sinh viên điền Mã số SV của mình và chỉ xem được điểm của mình mà thôi. Nếu trượt, sẽ lại tiếp tục vòng tròn đăng ký-học-thi. Kết quả thi bên này đánh giá đúng thực lực của Sinh viên về độ thông minh và sự chịu khó. 

Người Việt Nam có câu: "Cần cù bù thông minh". Nếu thực chăm chỉ, điểm tốt 1,7 hoặc 2 không khó (tương đương điểm 7,8,9 bên mình).

 

Theo Nguyễn Thu Huyền - ©VIANADE.COM


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC