Vá víu như tình du học

Vá víu như tình du họcBạn bè và cả Huy Linh đều nghĩ tình cảm của hai người sẽ gắn bó lâu dài. Thế nhưng, chỉ mới yêu nhau một năm, ngay trước khi về Việt Nam, Lam Nguyên đã quyết định chia tay.

Tình như mây gió

Huy Linh nhớ mãi lần đầu tiên gặp Lam Nguyên. Hình ảnh một cô gái có ánh mắt hoang mang trên gương mặt buồn đứng giữa sân trường rộng lớn, vắng người vẫn còn vẹn nguyên trong anh. Linh muốn được che chở cho cô gái ấy. Anh chinh phục cô bằng sự chân thành. Họ đã có biết bao kỷ niệm bên nhau.  

Hôm sinh nhật anh, Lam Nguyên đã thức trắng đêm để chuẩn bị bàn tiệc cho hai người. Chiếc bánh kem ngọt ngào, chai rượu vang thơm lừng và những món ăn Việt Nam anh thích đã trở thành kỷ niệm xót xa. 

Bạn bè và cả Huy Linh đều nghĩ tình cảm của hai người sẽ gắn bó lâu dài. Thế nhưng, chỉ mới yêu nhau một năm, ngay trước khi về Việt Nam, Lam Nguyên đã quyết định chia tay.  

Lý giải chuyện này, Nguyên cho biết: “Trước đây, khi vừa đặt chân đến Singapore, tôi đã từng bị sốc văn hóa. Đất nước này không quá khác biệt với văn hóa Việt Nam nhưng vốn khó thích nghi, tôi cần một thời gian dài để quen cuộc sống ở đây”.  

“Không bạn bè, không người thân, đánh vật với ngôn ngữ, văn hóa, thức ăn... tôi đã bị ức chế trầm trọng trong thời gian đầu”. 

Không chỉ thế, tất cả chi phí du học, sinh hoạt đều do cô tự tích góp. Khi sang đây, cô phải tiết kiệm tối đa. Đôi khi nhớ nhà đến phát khóc nhưng Lam Nguyên không có tiền để gọi điện về cho ba mẹ. 

Giữa lúc cô đơn ấy, Linh đã xuất hiện. Cô đã dựa vào anh dù trong lòng tình cảm đó chưa bao giờ là tình yêu. Cô cảm nhận được điều này rõ ràng nhất trong những lần Linh về nước. Nguyên chưa bao giờ nhớ anh. “Tôi đã hoàn thành khóa học và phải về nước. Khoảng cách địa lý quá xa. Tôi không muốn tiếp tục yêu không có kết quả”. Nguyên cho biết. 

Nhu cầu được yêu thương

Quan niệm của những du học sinh như Nguyên không phải là cá biệt. Nhiều người trong số các du học sinh cho biết họ sẽ chấp nhận một cuộc tình tạm thời trong thời gian xa nhà, dù đã có người yêu hay chưa. 

Con số trên cho thấy các cuộc tình thoáng qua nhằm thỏa mãn nhu cầu được quan tâm, chia sẻ và khỏa lấp nỗi cô đơn vẫn đang được ủng hộ. 

Theo nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Abraham Maslow, mỗi người đều có bảy nhu cầu cơ bản để sống và tồn tại. Một trong những nhu cầu đó là nhu cầu “thuộc về” và nhu cầu “yêu thương”. Diễn giải ra, con người cảm thấy mình được sống khi được yêu thương, thuộc về và gắn bó với một cá nhân hay tập thể nào đó. 

Khi phải xa gia đình, bạn bè, bị tách ra khỏi môi trường cũ để đi du học, du học sinh thường phải cố thích nghi với ngôn ngữ, văn hóa và con người mới. Cảm giác đơn độc và xa lạ là điều tất yếu. Do đó, ngay lập tức, họ phải tìm kiếm và thiết lập những mối quan hệ mới để thấy mình cũng có thể gắn bó, chia sẻ và được yêu thương. Đây chính là lý do họ khá thoải mái với những cuộc tình thoáng qua. 

Với suy nghĩ mọi thứ sẽ kết thúc khi hoàn thành khóa học, các du học sinh đến với nhau không bị nhiều áp lực lẫn mặc cảm tội lỗi. Nhiều cặp còn tự đặt ra quy ước với nhau: “Sau khi về nước, nếu không yêu nữa, đôi ta cũng không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhau. Đặc biệt nếu đối phương đã có người yêu hoặc gia đình lại càng không”. 

Một tình yêu không có sự ràng buộc thường mang lại cho các cặp đôi sự thoải mái, tự do. Điều này những mối quan hệ chính thức thường không có được. Hơn nữa, với tâm lý nuông chiều bản thân, họ tìm kiếm những mối tình để duy trì niềm vui trong cuộc sống, đặc biệt khi ở hoàn cảnh xa nhà và dễ ức chế tâm lý.  

Yêu tạm bợ, được gì? 

Tình du học thoáng qua không phải luôn luôn suôn sẻ như họ nghĩ. Chia tay, dù ở phương diện nào cũng đem lại sự tổn thương cho ít nhất một người trong cuộc.  

Bên cạnh đó, nếu không kiểm soát được tình cảm, họ sẽ khó tập trung vào chuyện học tập. Với những ai đã có người yêu hoặc gia đình, mối quan hệ xa nhà này như con dao hai lưỡi, có thể khiến họ mất cả chì lẫn chài như câu chuyện của Diễm Trúc, 33 tuổi, sinh viên cao học ngành Công nghệ thông tin ở Bỉ.
Trong thời gian học, cô gặp Thanh Tùng, 30 tuổi, sinh viên cao học khoa Quản trị kinh doanh. Tùng đã có vợ ở Việt Nam. Đồng hương với nhau nên Tùng tận tình hướng dẫn Trúc mọi điều, từ thủ tục nhập học, đăng ký môn đến tìm nhà trọ...  

Tùng rủ Trúc cùng tham gia các sinh hoạt do trường, khoa tổ chức. Hai người thường xuyên bên nhau như hình với bóng. Trúc vốn nhút nhát nên gần như cô chỉ có Tùng bên cạnh. Họ nhanh chóng trở thành tri kỷ. Trong một lần tham gia tiệc liên hoan, vì mải vui, cả hai về trễ và không đón được xe. Thanh Tùng và Diễm Trúc quyết định đến một quán bar gần đó. Trong cơn say, họ đưa nhau vào khách sạn.  

Những ngày sau đó, cả hai tránh mặt nhau. Khi lỡ gặp, họ cố tỏ vẻ bình thường. Trúc liên lạc với chồng thường xuyên hơn. Cô buộc mình nghĩ đến chồng và những kỷ niệm tốt đẹp khi còn ở Việt Nam. Tuy nhiên, tâm trí cô vẫn luôn phủ đầy hình ảnh của Tùng. Cuối cùng, họ lại lao vào nhau. 

“Cả tôi và anh ấy đều cảm thấy có lỗi với người bạn đời nhưng chúng tôi cần nhau, cả thể xác lẫn tinh thần. Đó là điều mà chồng tôi không thể đáp ứng đầy đủ trong thời gian đó.  

Tuy nhiên, cả hai cũng muốn giữ gia đình của mình. Tôi và Tùng thỏa thuận sẽ là tình nhân khi ở Bỉ, là bạn bè khi ở Việt Nam và không can thiệp vào cuộc sống riêng của nhau”, Diễm Trúc cho biết.  

Họ kéo dài mối quan hệ như thế hơn nửa năm, cho đến Giáng sinh năm ngoái. Vì muốn tạo bất ngờ cho chồng, vợ Tùng cùng con trai qua thăm anh đột xuất và phát hiện mọi chuyện. Chị lập tức quay về Việt Nam và đơn thân xin ly hôn.

Thanh Tùng buộc phải bảo lưu kết quả học tập để giải quyết chuyện gia đình. Diễm Trúc đau khổ vì mất Tùng và cảm thấy tội lỗi. Cô cũng không biết đối diện với chồng thế nào. Trúc bỏ ngang việc học, tự nhốt mình trong phòng và ít giao tiếp với bạn bè. 

Hãy vượt qua cảm giác cô đơn 

Cảm giác thiếu thốn tình cảm ám ảnh hầu hết các du học sinh. Tuy nhiên, không phải ai cũng lựa chọn giải pháp yêu tạm bợ. Chị Tuyết Minh, 29 tuổi, và ông xã của mình, đều từng là du học sinh ở Pháp nhưng yêu nhau rất sâu sắc.  

Chị cho biết: “Chúng tôi học cùng khoa suốt hai năm và chuyển từ tình bạn sang tình yêu. Anh về nước trước tôi nhưng hai bên vẫn giữ liên lạc thường xuyên. Chúng tôi đã làm đám hỏi và sẽ cưới vào năm sau”. 

Có thể thấy, tình yêu du học không hẳn chỉ toàn những điều tiêu cực. Điều quan trọng chính là sự lựa chọn của người trong cuộc: Yêu vì con tim lên tiếng hay để chốn chạy cô đơn?  

Để tránh sức cám dỗ của tình du học tạm bợ, bạn cần chuẩn bị tâm lý trước khi lên đường. Bạn vẫn có thể yêu một ai đó nhưng hãy chắc chắn họ chưa có bất kỳ ràng buộc nào và cả hai đều nghiêm túc.  

Bạn nên thiết lập nhiều mối quan hệ hơn là chỉ kết bạn với người đồng hương khác giới. Hãy tham gia các sinh hoạt ngoại khóa, các câu lạc bộ để mau chóng thích nghi và cân bằng cảm xúc. 

Vũ Thái Hòa


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức