Vay vốn du học: Một dịch vụ đối phó?

Vay vốn du học: Một dịch vụ đối phó? Hàng loạt ngân hàng lớn, nhỏ đã tham gia lĩnh vực cho vay du học. Khách hàng liên tục tăng mỗi năm. Thế nhưng số người thật sự vay tiền cho mục đích đi du học lại không nhiều. Tại sao?

Thủ tục cho vay du học ở các ngân hàng tương đối giống nhau. Trong đó người được vay vốn là cha, mẹ, vợ chồng, anh chị em, người đỡ đầu, người giám hộ của du học sinh có nhu cầu vay vốn. Một vài ngân hàng như Ngân hàng Quân Đội (MB) còn cho du học sinh vay.

"Trăm hoa đua nở"

Được nhiều phụ huynh, học sinh biết đến là dịch vụ cho vay du học của Ngân hàng Á Châu (ACB), thực hiện với ba hình thức: ký quĩ du học, cấp hạn mức tín dụng du học và vay thanh toán chi phí du học. Theo đó, ký quĩ du học là hình thức vay vốn để mở sổ tiết kiệm hoặc tài khoản nhằm mục đích chứng minh tài chính để xin visa tại các cơ quan xét cấp visa. Cấp hạn mức tín dụng du học dành cho những người có nhu cầu sử dụng vốn vay trong một khoảng thời gian nhất định, để chứng minh tài chính xin xét cấp visa và thanh toán chi phí học trong suốt thời gian học tập tại nước ngoài. Vay thanh toán chi phí du học là để thanh toán toàn bộ chi phí đi học bao gồm học phí, sinh hoạt phí và các chi phí khác phát sinh theo từng năm học.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) giới thiệu hai hình thức cho vay là cho vay thanh toán chi phí du học và cho vay chứng minh tài chính. Mỗi hình thức vay đều có mức lãi suất cụ thể, áp dụng cho từng thời hạn vay dài hạn, ngắn hạn khác nhau. Với Ngân hàng Công thương VN (Incombank), từ giữa năm 2004, Sở giao dịch II của ngân hàng này đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các công ty tư vấn du học để phát triển dịch vụ cho vay du học. Trong đó, sản phẩm cũng là cho vay thanh toán chi phí và vay chứng minh tài chính.

Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh dịch vụ này nhằm thu hút những gia đình có con em đi du học đến với mình thông qua việc kéo dài thời hạn vay hay ưu đãi lãi suất. Chẳng hạn như Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Phương Nam... có thời gian vay đến 10 năm với mức cho vay bằng 100% chi phí của du học sinh; Ngân hàng Phương Đông cho vay căn cứ trên khả năng trả nợ của khách hàng nhưng tối đa là năm năm.

Thời hạn vay dưới... ba ngày!

Điều đáng chú ý là ở hầu hết các ngân hàng, bên cạnh hình thức cho vay thanh toán chi phí luôn tồn tại hình thức cho vay chứng minh tài chính. Dù với tên gọi nào, hình thức vay này cũng chỉ là một cách mở sổ tiết kiệm hoặc tài khoản nhằm chứng minh tài chính để xin visa. Một cán bộ tín dụng Ngân hàng X giải thích đây là cách mà ngân hàng sẽ mở sổ tiết kiệm để thân nhân cầm cuốn sổ này bổ sung vào hồ sơ xin visa với một số tiền có khi rất lớn. Trong khi đó, tài khoản được thể hiện trong cuốn sổ đó đã bị ngân hàng phong tỏa ngay sau khi làm xong. Và trên thực tế, hình thức vay này thật ra lại chẳng vay gì!

Điều này dễ được nhận thấy khi có một vài ngân hàng còn đưa ra thời hạn cho vay dưới... ba ngày. Tuy nhiên, đây lại là hình thức "làm ăn được" của các ngân hàng. Ông Trần Phạm Phú Khanh, trưởng bộ phận tín dụng có thế chấp khối khách hàng cá nhân Ngân hàng Á Châu, cho biết khách hàng vay vốn du học của ngân hàng chủ yếu theo hai dịch vụ ký quĩ du học và cấp hạn mức tín dụng. Số gia đình có nhu cầu vay vốn để trang trải cho các chi phí du học không nhiều. Ông Đ. - giám đốc một công ty tư vấn đã từng làm thủ tục cho khá nhiều du học sinh - thống kê trong tất cả du học sinh đi du học làm thủ tục thông qua công ty ông, chưa có trường hợp nào vay vốn để trang trải chi phí. Những trường hợp sử dụng dịch vụ của ngân hàng đều là vay chứng minh tài chính!

Trong nhiều trường hợp, phụ huynh chỉ phải tìm đến dịch vụ của ngân hàng khi cần được trợ giúp để hoàn thành thêm thủ tục theo qui định của cơ quan xét cấp visa. Theo giám đốc một công ty nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học, cũng có không ít trường hợp đã lợi dụng dịch vụ này để gian lận, đối phó nhằm qua mặt các viên chức phỏng vấn xét visa để rồi sau đó khiến con em bị hụt hẫng, bơ vơ chỉ vì thiếu tiền ăn học.
  Theo Tuổi trẻ.



©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức