Nếu bạn không muốn gặp khó khăn trong quá trình du học Đức thì tốt nhất bạn nên chuẩn bị sẵn cho mình những hiểu biết nhất định về người Đức và thói quen sinh sống lẫn ứng xử của họ.
Bạn nên lưu ý văn hóa ứng xử khi du học Đức
Cách xưng hô
Thói quen xưng hô của người Đức là gọi đầy đủ tên và ghép cùng với chức danh của người đó. Đối với các bậc Tiến sĩ thì thứ bậc được gọi cùng với tên, ví dụ như: Tiến sĩ Schmitd, Giáo sư Zimmermann. Còn bậc cử nhân hay thạc sĩ thì không cần xưng hô chức danh. Đặc biệt đối với các tước hiệu quý tộc như Bá tước, Tiến sĩ Bá tước, Hầu tước thì bạn nên xưng hô trịnh trọng cả tên và chức danh của họ như: thưa Bá tước Albrecht. Điều này thể hiện sự kính trọng của bạn trước những người có chức vị trong xã hội. Khi giao tiếp qua điện thoại thì người gọi đến thường chào và xưng danh rồi tự giới thiệu về mình, không nên dùng ngôi thứ ba để trả lời.
Cách chào hỏi nhau
Dù ở bất cứ đâu, lời chào luôn là mở đầu cho một câu chuyện, bạn muốn bắt đầu chuyện trò với người Đức thì cần nắm rõ quy tắc sau: người đến sau sẽ chào người đến trước, người nào nhìn thấy người kia trước thì chào trước, khi chào thường cúi đầu nhẹ thể hiện sự quen biết, lúc này bạn chỉ cần gật đầu chào đáp lại họ. Những người có cấp bậc cao hơn sẽ tiếp tục giới thiệu, sau khi mọi người quen nhau rồi sẽ bắt tay nhau. Bạn nên nhớ bắt tay ngắn, nhẹ nhàng và nhìn thẳng vào mắt của đối phương để thể hiện thiện chí của bạn.
Nếu đối phương là nữ thì bạn cần nhường họ nói trước vì người Đức rất tôn trọng phụ nữ. Nội dung thảo luận tránh sa đà vào chủ đề chính trị hay tôn giáo, chỉ nên tạo bầu không khí thân thiện và lịch sự.
Lời khen
Người Đức đặc biệt lịch thiệp và nhã nhặn khi sử dụng lời khen. Khi họ muốn khen ai đó, họ sẽ dùng cách khen rất tinh tế và không hề quá đà hay thô thiển. Khi nói về công việc hay cuộc sống bạn cũng nên tránh việc nhận xét về trang phục hay diện mạo như kiểu tóc, cách trang điểm của người khác.
Một lời khen thật lòng được đặt trong hoàn cảnh chính xác thì lập tức sẽ có hiệu quả tốt, sẽ được người khác cảm thấy thích thú, ngược lại nếu không cẩn trọng, khen không đúng chỗ hoặc nội dung lời khen quá đà sẽ dẫn đến những điều không hay.
Tính đúng giờ
Các nước phương Tây đều coi trọng giờ giấc và tính đúng giờ, người Đức cũng không ngoại lệ. Nếu đến muộn trong các cuộc hẹn bạn sẽ bị cho là mất lịch sự và không tôn trọng người khác. Vì một lí do bất khả kháng nào đấy bạn bị trễ hẹn thì hãy nhanh chóng gọi điện để hông báo trước lí do và gửi lời xin lỗi chân thành đến họ, họ chắc chắn cũng không quá khắt khe với bạn đâu.
Coi trọng lễ nghi
Khi bạn đến chơi nhà một ai đó, vấn đề chào hỏi đã được đề cập phía trên, vậy bây giờ khi vào bàn tiệc bạn cần chú ý các vấn đề sau đây: không nên ngồi vào bàn trước, khi được gia chủ mời ngồi bạn hãy tự nhiên ngồi. Chú ý cách cầm dao và nĩa của mình, tay phải cầm dao, tay trái cầm nĩa và chỉ dùng khi được gia chủ mời. Nếu phải cắt ngang bữa ăn để trả lời một cuộc điện thoại thì hãy đặt dao và nĩa cùng một bên của chiếc đĩa. Khi đã dùng xong hãy đặt cả dao và nĩa lên giữa chiếc đĩa của mình, gia chủ sẽ hiểu là mình đã ăn xong và ăn rất ngon miệng.
Khoảng cách riêng tư
Người Đức thường giữ khoảng các theo mức độ thân thiết, 60cm được coi là bạn bè thân. Còn khi trao đổi công việc thì khoảng cách 1 mét là thích hợp đối với hai người, trong một nhóm thì khoảng cách được giãn ra từ 1 đến 2 mét.
Trao nhận quà
Nếu lần đầu được mời đến thăm nhà của bạn bè thì hoa và socola là lựa chọn thích hợp nhất để làm quà chào hỏi. Người Đức ưa thích hoa màu vàng và bạn nên biết đến ý nghĩa của một số loài hoa để tránh gây hiểu lầm như: hoa lily và hoa cúc tượng trưng cho sự buồn đau, tang lễ. Hòa hồng đỏ thì quá lãng mạn và chỉ dành cho các cặp yêu nhau.
Đi xe cùng nhau
Nếu đi cùng ô tô với người khác thì bạn nên ghồi ghế cạnh người lái, không nên ngồi ghế sau xe. Nếu hai người cùng đi taxi thì dành ghế sau phía tay phải cho người khách danh dự. Nếu bạn muốn trả tiền taxi thì ngồi ghế trước hoặc ghế ngay sau tài xế. Những vị trí ngồi khác nhau sẽ thể hiện thiện chí khác nhau của bạn, vì vậy bạn nên tìm hiểu kĩ nhé.
Nhận xét chung về người Đức thì bản chất họ không quá phân biệt chủng tộc, không kì thị giàu nghèo nhưng coi trọng bằng cấp và phân biệt tầng lớp rõ ràng. Lòng tự tôn dân tộc của họ rất cao, nếu bạn không có lòng yêu nước như họ, họ sẽ xem thường bạn. Lối sống của họ khá khép kín, chỉ thật sự mở lòng với những người họ tin tưởng và yêu thương.
Theo amec
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000