© Foto: mystipendium.de
Cũng giống như bao sinh viên Việt Nam khác ai cũng muốn tìm một đất nước để đi du học, và tôi cũng không phải là một ngoại lệ. Quyết định du học đã là cả một quá trình đấu tranh, nhưng chọn được quốc gia nào để đi du học thì còn khó hơn rất nhiều lần.
Rất nhiều bạn đã chọn Đức là điểm đến cho riêng mình
Bởi vì Đức là quốc gia có nền giáo dục, khoa học phát triển, có điều kiện để học tập chuyên sâu. Không chỉ vậy, du học ở Đức được chính phủ hỗ trợ rất nhiều. Nhưng không ít bạn trẻ đang băn khoăn rằng cuộc sống của sinh viên Việt bên Đức như thế nào khi sang bên đó du học.
Điều đầu tiên mà bất cứ du học sinh nào cũng cần quan tâm đó là chi phí cho việc ăn ở, Chi phí cho phòng trọ sẽ chiếm phần lớn trong sinh hoạt phí của du học sinh, cũng tùy theo từng khu vực, thành phố mà giá cả sẽ có sự chênh lệch nhất định.
Tại các thành phố đắt đỏ như thủ đô Berlin, Munich, Mannheim, Heidenberg, Frankfurt… giá thuê phòng có thể chênh lệch từ 170 – 350 Euro/tháng ( tương đương 4,5 triệu – 9 triệu VNĐ).
Trong khi các thành phố có giá thuê rẻ hơn là Aachen, Kiel, Emden thì teen phải chi tầm 175 – 240 Euro ( tương đương 4,5 triệu – 6 triệu VNĐ) tiền thuê nhà một tháng.
Nếu thuê phòng trong ký túc xá cũng mất trung bình 200 Euro/tháng (tương đương 5 triệu VNĐ). Hoặc thuê một căn hộ và chia sẻ với bạn khác tầm 240 Euro/tháng ( tương đương 6 triệu VNĐ).
Thêm vào đó chi phí cho việc ăn uống cũng không rẻ nên thường các bạn du học sinh sang đây đều chọn cách tự nấu nướng cho đỡ chi phí, tối đa 160 Euro/tháng ( tương đương 4 triệu VNĐ). Thứ hai, chi phí cho việc đi lại cũng là một điều đáng để quan tâm.
Các bạn du học sinh ở Đức thường chọn các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, xe bus để di chuyển, một tháng tầm 30 – 40 Euro (tương đương 700 nghìn – 1 triệu VNĐ).
Và để tiết kiệm hơn thường các bạn sinh viên sử dụng xe đạp. Và để trang trải cho các chi phí sinh hoạt này các bạn du học sinh Việt tìm các công việc làm thêm.
Việc làm ở Việt Nam cho sinh viên không nhiều như ở nước ngoài vì ngành dịch vụ, ăn uống ở nước ngoài rất phát triển, họ cần một lượng lớn người làm và họ rất thích làm việc với sinh viên vì thời gian linh hoạt, năng động, trẻ trung.
Công việc dễ kiếm nhất là làm bồi bàn hoặc đứng quầy tính tiền ở các tiệm ăn của người Việt hoặc người Hoa (nhưng chủ yếu là người Việt). Thường thì với công việc bồi bàn đối với sinh viên thì bạn sẽ làm theo ca (khoảng 6 – 7 tiếng), sáng thường bắt đầu từ 11h đến 5 hoặc 6 giờ chiều, ca chiều thường bắt đầu từ 5 hoặc 6 giờ chiều đến 11 hoặc 12h đêm.
Lương sẽ được tính theo giờ, thường sẽ là 5 -9 Euro cho 1 giờ làm, ngoài ra hầu như nhiều nơi bạn sẽ được cầm tiền khách cho thêm nhưng sẽ có sự chia sẻ với chủ quán hoặc đội ngũ nhân viên làm cùng, cái này tuỳ vào mỗi quán.
Và rất nhiều bạn làm thêm tại các trường đại học, công ty:
Giúp việc trong các trường đại học (làm Tutor: tính cả thời gian chuẩn bị bài + chữa bài cho sinh viên) 8,5€/tiếng chưa bằng cấp.58 tiếng/ tháng; giúp việc trong các trong các công ty, văn phòng tư: 10- 15€/ tiếng.
Các trở ngại về ngôn ngữ cũng gây ra không ít khó khăn cho các bạn sinh viên Việt. Ở Đức tiếng Anh không được sử dụng phổ biến, hầu như tất cả đều bằng tiếng Đức. Với vốn tiếng ít ỏi học từ ở nhà, thì việc tìm nhà, làm giấy tờ thủ tục hộ khẩu, bảo hiểm, xin học, mua bán cũng gặp khá nhiều khó khăn. Việc học tập ở trường đại học cũng gặp khó khăn khiến các bạn phải dành nhiều tuần ròng rã để học tiếng Đức. Bởi vì nhiều bạn chẳng hiểu những gì giảng viên nói.
Cũng chính vì không thể giao tiếp được với sinh viên bản địa nên các bạn sinh viên Việt gặp khó khăn trong việc chia sẻ cũng như trao đổi nội dung bài học với các sinh viên khác.
Rào cản ngôn ngữ đã tạo một khoảng cách lớn giữa sinh viên Việt và các bạn cùng học trong trường. Thậm chí, khi giao tiếp với người bản địa, bạn rất khó có thể nghe được giọng địa phương của họ trừ khi họ nói thật chậm và bạn yêu cầu họ nhắc lại những gì họ đã nói.
Do vậy mà các bạn sinh viên khó có thể hoà nhập với cuộc sống và môi trường học tập mới một cách tốt nhất.
Chính vì vậy,nhiều bạn đã chọn nguồn tốt nhất để học là xem ti vi, nghe đài, nghe và đọc những trang web bằng tiếng Đức để luyện tập, cũng như làm các công việc làm thêm để có cơ hội nghe giọng của người bản địa và dần thích nghi khi sống trong môi trường của họ.
Nhưng cuộc sống sinh viên du học ở bên Đức không chỉ có vậy. Ngoài giờ học trên lớp, các bạn còn có các hoạt động ngoại khóa và thời gian để đi chơi. Có lẽ Đức là nơi người dân sôi động và hài hước, nhiệt thành nhất ở châu Âu.
Không chỉ có những lễ hội bia Oktoberfest, Đức còn nổi tiếng bởi những kiến trúc cổ xưa đẹp và ma trận của nghệ thuật đường phố đỉnh cao.
Các lều bia tại đây sẽ được mở cửa đón khách từ 10h sáng đến 23h30 hằng ngày trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.
Riêng vào ngày cuối tuần và ngày lễ sẽ được mở sớm hơn, từ 9h sáng.
Với một tấm thẻ xe tàu điện ngầm trong tay các bạn hoàn toàn có thể đi du lịch giữa các thành phố trên khắp nước Đức, sang 9 nước châu Âu khác với chi phí rất rẻ.
Các bạn sinh viên có thể đến thăm những thành phố du lịch như Berlin – trung tâm văn hóa, khoa học quan trọng của châu Âu với những bảo tàng và nhà hát nổi tiếng; hoặc bạn có thể đến Franfurt – TP của Hội chợ sách Franfurt đến nay đã được 500 năm tuổi hoặc Hamburg – thành phố cảng, nơi đã phát sinh ra tên gọi của món hamburger nổi tiếng toàn cầu.
Hoặc đạp xe đạp dạo phố. Nhiều bạn thích những chỗ náo nhiệt có thể đến các club giá rẻ dành riêng cho sinh viên với giá chỉ 3-5€ thay vì 10-15€ 1 người.
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000