Chống sốc cho du học sinh Việt

Chống sốc cho du học sinh Việt

Lạ lẫm văn hóa, lối sống... khiến những du học sinh Việt khi mới ra nước ngoài không khỏi bỡ ngỡ, thậm chí có em phải mất thời gian dài mới vượt qua cú sốc để có thể hòa nhập.

1 1 Chong Soc Cho Du Hoc Sinh Viet

Du học sinh Việt ở Mỹ

Lạ lẫm

Tổ chức Giáo dục IDP tại Việt Nam phân tích về vấn đề du học sinh Việt Nam cần chú ý khi tới Australia du học: "Hãy học các kỹ năng cơ bản như nấu ăn, giặt ủi, dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt là quản lý chi tiêu. Bạn sẽ rất khó khăn khi tìm kiếm một sự giúp đỡ hoặc dựa dẫm những người xung quanh".

Cũng theo IDP, du học sinh mới cần kết bạn và trao đổi thông tin với các cựu du học sinh Australia, cũng như với các du học sinh Việt Nam khác, để hiểu rõ văn hoá, phong tục, tập quán và có thể được hướng dẫn bước đầu khi mới đặt chân đến Australia.

Thậm chí, những chi tiết tế nhị cũng không thể xem nhẹ, chẳng hạn nếu du học sinh chọn hình thức ở chung nhà với người bản xứ, hoặc cùng với các sinh viên khác, cần giữ phép lịch sự, tôn trọng không gian và thời gian riêng của những người xung quanh.

Nguyễn Thùy Dương (Cát Linh, Hà Nội) cho biết: Ở Việt Nam được ông bà, bố mẹ quan tâm từng ly trong sinh hoạt và ăn uống. "Buổi sáng, trưa ăn gì ở trường, tối bà và mẹ sẽ nấu món gì, cháu đều được hỏi mỗi ngày và đi học về chỉ việc ngồi vào mâm dọn sẵn với các món ăn ưa thích.

Nhưng khi đặt chân tới Sydney, cháu phải dậy sớm tự làm bữa sáng và chuẩn bị bữa trưa mang theo tới trường. Chủ yếu học sinh, sinh viên ở đây ăn bữa trưa gọn nhẹ với bánh sandwich, trái cây... Suốt 2 tháng đầu gần như cứ đến bữa ăn là cháu nhớ nhà, thậm chí rơi nước mắt", Dương nhớ lại.

Còn bạn Alex Dương (Tây Sơn, Hà Nội) chia sẻ không phải sốc văn hóa nào cũng buồn. Thậm chí, có nhiều du học sinh còn cảm thấy thoải mái khi được tự do hơn khi ở nhà.

"Khi cháu còn học ở Việt Nam, bố mẹ cháu thường xuyên gọi điện thoại nói chuyện với giáo viên ở trường, nhất là giáo viên chủ nhiệm. Bố mẹ muốn biết cháu học tập như thế nào, thậm chí hỏi giáo viên cách kiểm tra sách vở để xem cháu cần chuẩn bị cho thi học kỳ ra sao..." - Dương kể.

Khi đi du học Dương chưa đủ 18 tuổi nên được bố trí ở homestay với gia đình một người bản xứ gồm 2 người lớn tuổi, khoảng tuổi ông bà nội của Dương. Gia đình này có tới 11 người cháu nhưng ông bà vẫn sống riêng, khác với người Việt Nam nhiều thế hệ thường sống chung trong 1 ngôi nhà. Mặc dù là người giám hộ cho trẻ dưới 18 tuổi, nhưng họ để du học sinh Việt tự do học tập và sinh hoạt mà không quá để ý như bố mẹ, ông bà ở Việt Nam.

Dương cho biết: "Dường như họ muốn có một đứa trẻ lớn sống cùng nhà cho vui. Cháu cảm thấy thoải mái hơn với văn hóa ứng xử đó, nhưng cũng có đôi lúc cảm thấy hơi lo lắng, không biết cháu có tự lập tốt không".

Tự lập

Người dân Australia học ra học, làm ra làm, chơi ra chơi. Có vài người họ hàng đang sống tại Sydney, nhưng phải gần 2 tuần sau khi đến Australia, Nguyễn Linh (Nguyễn Thái Học, Hà Nội) mới có dịp được ăn tối (một bữa tiệc nhỏ tại nhà) với những người họ hàng vào ngày Chủ nhật.

"Mọi người sống tự nhiên, thoải mái, không theo phép tắc cứng nhắc trong chào hỏi như ở Việt Nam. Cháu chỉ cần nói một câu chào "Good morning" với tất cả mọi người, thay vì chào lần lượt từng người theo thứ tự mối quan hệ từ người lớn đến trẻ nhỏ như ở nhà" - Linh nói.

1 2 Chong Soc Cho Du Hoc Sinh Viet

Sinh viên ở trường Australia. Ảnh: Trường UTS Australia

Ở Australia, học sinh và sinh viên phải tự lập rất nhiều. Đi học bằng xe buýt và tàu điện rất phổ biến, nếu du học sinh không quen thì có thể mệt mỏi khi mới sử dụng các phương tiện này, vì để đi học và về nơi ở mỗi ngày có khi phải chờ đợi và di chuyển thời gian khá lâu trên các phương tiện công cộng. Nguyễn Linh thường phải mất 40 phút đi tàu điện mỗi lượt để đến trường học ở trung tâm Sydney hoặc về nơi ở trọ tại vùng ngoại ô.

Ở Việt Nam, những học sinh dưới 18 tuổi gần như không có tài khoản ngân hàng riêng. Nhưng tại Australia, những người giám hộ được nhà trường thừa nhận có thể giúp du học sinh dưới 18 tuổi mở một tài khoản ngân hàng.

"Thanh thiếu niên dưới 18 tuổi ở Australia thậm chí đã đi làm thêm, những câu chuyện kiếm tiền ngoài giờ học ở đây rất bình thường nhưng cháu khá sốc khi mới biết. Có những bạn kiếm tiền để tự mua giầy và quần áo ưa thích.

Mặc dù hơi choáng với tính tự lập của giới trẻ ở Australia, nhưng cháu thấy thú vị và muốn được đi làm thêm gì đó, ít ra là đủ tiền đi lại với khoảng 200 - 300 đô la Australia mỗi tháng và tiền đi sinh nhật bạn, mua sắm cho cá nhân" - Thùy Dương chia sẻ.

Tuy nhiên, Thùy Dương cũng cho biết nếu không được rèn tính tự lập và chi tiêu hợp lý, có những du học sinh rủng rỉnh vào đầu tháng nhưng đến gần cuối tháng thì "đói dài", thậm chí mua mì gói ăn nhiều ngày liền vì lỡ mua sắm, tiêu pha vung tay trước đó.

Nguồn: Thanh Tuấn/ Giaoducthoidai.vn


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000