Cuộc sống chật vật
Hơn 4 tháng kể từ khi dịch Covid- 19 ở Trung Quốc bùng phát, cũng là khoảng thời gian Phạm Thị Thủy, 20 tuổi, sinh viên tại Đại học Sư phạm Trùng Khánh (Trùng Khánh, Trung Quốc) không thể đến lớp. Việc học của Thủy đều thông qua các lớp học online được nhà trường tổ chức mỗi ngày.
Tuy nhiên, việc học online không thể bằng việc học trực tiếp trên lớp, nên những du học sinh như Thủy phải nỗ lực gấp ba, bốn lần: “Quan trọng nhất là việc mình phải vượt lười để học bài vì mọi người thường có tâm lý bài giảng vẫn còn đó, không học lúc này thì học lúc khác, dẫn đến tình trạng bài chồng bài, gây khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức mới”.
Không chỉ việc học tập, việc làm thêm của những du học sinh cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19. Hàng loạt các công ty, hàng quán đóng cửa, khiến Lương Văn Được, 20 tuổi, sinh viên Đại học Hoseo (Chungcheongnam, Hàn Quốc) chật vật khi tìm việc làm thêm. Trong khi đó, mọi chi phí sinh hoạt như tiền nhà ở, ăn uống, học phí… vẫn phải thanh toán khiến cuộc sống của Được thêm phần khó khăn.
“Nếu tìm việc ở gần trường thì không phù hợp với lịch học, còn việc khác thì phải đi xa. Cái chính là nguy cơ lây nhiễm còn cao nên em rất lo sợ. Hiện tại em vẫn ở nhà học và sử dụng tiền tiết kiệm để trang trải cuộc sống. Nếu dịch cứ kéo dài và không thể tìm việc làm thêm trong vài tháng tới thì chắc chắn gia đình phải tăng số tiền gửi sang”, Được chia sẻ.
Không ngừng suy nghĩ tích cực
Dù cuộc sống thêm phần khó khăn vì dịch Covid- 19, ở nơi xứ người, Được và những người bạn của mình vẫn thường xuyên động viên nhau, hỗ trợ nhau để hướng về những điều tích cực trong cuộc sống.
“Bọn em thường xuyên gọi điện động viên nhau, nếu ai khó khăn thì các bạn còn lại sẽ cho vay tiền. Đây cũng là dịp để bọn em có thời gian ôn lại kiến thức, tập trung vào việc học tập nhiều hơn và lập lại kế hoạch cho bản thân mình tốt hơn”, Lương Văn Được chia sẻ.
Còn đối với những du học sinh tại châu Âu, dịch Covid- 19 đang bùng phát mạnh mẽ, không ít người vô cùng hoang mang. Nhiều du học sinh tìm cách về nước nhưng cũng có những người lựa chọn ở lại và đối diện với dịch bệnh với một tâm thế lạc quan.
Nguyễn Minh Trang, Đại học Bournemouth (Vương quốc Anh) cho rằng, nhìn ở khía cạnh tích cực, tư duy của các nước phát triển luôn đề cao khả năng đề kháng tự nhiên của cơ thể, ý thức tự giác bảo vệ sức khoẻ và cập nhật kiến thức y học cho người dân.
Nhờ vậy lần đầu tiên trong đời, Minh Trang dành 40 phút tập thể dục hàng ngày, tự đi mua vitamin về uống để tăng sức đề kháng, uống nhiều nước hơn, không dám bỏ một bữa sáng nào, không ăn ngoài, mỗi bữa đều tự nấu nướng ăn chín uống sôi, quần áo đi về ngâm nước nóng, rửa tay và súc miệng nhiều lần đến nỗi... không đếm xuể.
Minh Trang gọi điện thoại thường xuyên về cho gia đình vào giờ nấu ăn buổi trưa, cũng là lúc gia đình ở Việt Nam nấu ăn buổi tối. Minh Trang muốn mọi người ở nhà nhìn thấy cô ăn uống điều độ và khỏe mạnh, từ đó mọi người sẽ yên tâm.
Hay như Tạ Quyền Linh, du học sinh Đại học Paris 1 Panthéon - Sorbonne (Pháp), cũng đã tổ chức các lớp học trực tuyến trong những ngày trường học đóng cửa, thành phố hạn chế người ra đường vì dịch. Tất cả học phí thu được từ những lớp học online, Linh yêu cầu học viên chuyển thẳng vào tài khoản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam để ủng hộ chương trình phòng, chống dịch Covid-19 do Chính phủ phát động.
Nhóm 5 bạn trẻ gồm Bích Quân (Đại học Fordham, Mỹ), Vy Võ (cựu sinh viên Baruch College, hiện làm việc tại New York), Phương Thanh (Đại học UBIS University Geneva, Thụy Sĩ), Kỳ Duyên (Đại học Texas, Mỹ), Trịnh Lộc Phúc (Hà Nội) cùng nhau thiết lập dự án “Pay It Forward” gây quỹ cộng đồng nhằm đóng góp vào cuộc chiến phòng, chống Covid-19 của Việt Nam.
Cuộc chiến với Covid- 19 của toàn thế giới cũng là cuộc chiến tâm lý của mỗi người, đặc biệt là những du học sinh đang vất vả, bơ vơ nơi đất khách. Tuy nhiên, giống như Nguyễn Minh Trang chia sẻ, nếu bạn buồn rầu, ủ dột vì việc phải ở trong nhà cả ngày thì bạn đã rơi vào "bẫy của số phận”.
Thay vào đó, có rất nhiều cách để mỗi người đánh bật sự cô đơn khi ở trong phòng một mình. Minh Trang, Văn Được hay nhiều du học sinh khác luôn có niềm tin rằng mọi chuyện sẽ ổn và cuộc sống vẫn đang tiếp diễn.
Huyền Trang
Nguồn: thegioitiepthi.vn
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000