Theo Sao Ly - cô nàng nghiên cứu sinh tại Mỹ với hàng loạt học bổng danh giá: “Môi trường học tập và làm việc ở Mỹ rất cạnh tranh và cũng vì thế nên những người xung quanh mình, ai cũng thật sự rất nỗ lực và cố gắng. Điều này tạo động lực cho Ly vì khi xung quanh đều là những người chăm chỉ thì buộc mình cũng phải chạy theo cuộc đua.
Càng chạy thì Ly mới càng nhận ra, cuộc chạy đua này không phải chỉ là chạy đua với mọi người xung quanh mà còn là cuộc chạy đua với chính mình nữa.
Học tập và làm việc với nhiều người rồi, Ly nhận thấy bản thân mình còn mắc rất nhiều khuyết điểm, trong phong cách làm việc và tư tưởng sống. Nên những năm đại học Ly vừa cố gắng trong điểm số và công việc, vừa nỗ lực hoàn thiện bản thân hơn..."
Nguyễn Sao Ly, cô nàng nghiên cứu sinh tại Mỹ và bí quyết “săn” học bổng.
Tôi tin rằng một góc nhỏ những câu chuyện kể trên trong Rạng danh tài trí Việt năm châu gói gọn chắt lọc những bài học xương máu, quý giá của các tinh hoa trí tuệ Việt - đại diện gần 200.000 người Việt đang học tập, làm việc khắp nơi trên thế giới - đang từng ngày sống hết mình vì những đam mê và cống hiến cộng đồng. Tất cả họ đều có những điểm chung nhất định để có thể gọi tên thành công.
Tôi cũng tin rằng, tôi và bạn, những người bình thường, cũng sẽ có được thành công theo định nghĩa của riêng chúng ta. Chỉ cần chúng ta có tư duy đúng, không ngừng học hỏi trau dồi tri thức, kỹ năng; biết tận dụng tối đa các nguồn lực, luôn theo đuổi đến cùng mục tiêu; biết đứng dậy sau vấp ngã; luôn sống trọn vẹn mỗi ngày và cháy hết mình vì đam mê.
Không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh…
Xung quanh ta vẫn có những người thường than vãn vì sao mình sinh ra trong gia đình nghèo như thế, tại bố mẹ làm nông nên giờ con cái không được nhờ, tại nguồn lực mình hạn hẹp nên không hiện thực được ước mơ... Biết bao nhiêu lý do ngoại cảnh đã khiến những dự định, mục tiêu “chết” từ trong trứng nước.
Đọc Rạng danh tài trí Việt năm châu, chúng ta sẽ tìm thấy những tấm gương đang từng ngày vươn lên và không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. “Sang Mỹ trong lúc gia đình lao đao vì căn bệnh của cha, Hoàng Quân (sinh năm 1991) và mẹ trải qua những tháng ngày “địa ngục”. Để trang trải chi phí sinh hoạt, cả hai rải đơn xin việc hàng loạt nhưng vì không biết tiếng Anh, không một tiệm tạp hóa nào nhận họ… Để rèn luyện tiếng Anh, Quân chấp nhận làm thêm ở quán pizza không lương mỗi ngày… Hiểu rằng phải học mới tìm được chìa khóa giải thoát “địa ngục”, Quân nộp đơn xin vào trường Cao đẳng Cộng đồng Bunker Hill vào cuối năm 2011. Vừa cố gắng đi học, cậu vừa bám trụ làm thêm ở tiệm tạp hóa và làm móng tay vào cuối tuần”. Đó là một góc nhỏ trong câu chuyện của Nguyễn Hoàng Quân, 9X Việt lọt top 20 xuất sắc nhất nước Mỹ về thành tích học tập 2015, mà Rạng danh tài trí Việt năm châu đã chia sẻ.
Nguyễn Hoàng Quân, 9X Việt lọt top 20 xuất sắc nhất nước Mỹ về thành tích học tập 2015.
Hay trường hợp sinh ra với đôi chân không đi được, tay bất lực, miệng nói không rõ chữ, một mình với chiếc xe lăn, Trần Mạnh Chánh Quân (sinh năm 1992) vẫn tự tin vươn ra thế giới và hơn thế, chàng trai quê Vũng Tàu còn trở thành “Người hùng thầm lặng”; truyền cảm hứng mạnh mẽ tại Mỹ.
Sự mạnh mẽ và trí tuệ của Chánh Quân khiến người đối diện tin rằng bại não chỉ làm khó chàng trai trẻ nhưng mãi mãi không khuất phục được cậu. Quân luôn nghĩ đến việc giúp đỡ người khác thay vì đòi hỏi cộng đồng quan tâm tới mình…
Trần Mạnh Chánh Quân - “Người hùng thầm lặng” trên đất Mỹ.
Và giờ đây, khi nhắc tới Chánh Quân, người ta không nhớ về một chàng trai bị bại não từng phải khổ sở vì bệnh tật mà người ta nhớ về một người hùng thầm lặng đã vượt qua vô số trở ngại, khó khăn để chứng minh bản thân là một người đúng nghĩa, chỉ sở hữu thêm “khuyết tật” mà thôi như lời Quân từng nói.
“Mình đã sở hữu được cái vốn liếng khác người ta, thì càng phải cho ra kết quả khác người. Với hoàn cảnh hiện tại, mình không còn gì oán trách hoàn cảnh. Mình xem mình là một con người đúng nghĩa và sở hữu thêm “khuyết tật” mà thôi. Chẳng ai là hoàn hảo cả nên chẳng có gì phải buồn khi mình cũng thế. Động lực là mình có thêm cái khác người mà thôi!”, Quân khẳng định. Đây là một tấm gương khác khiến tôi tự soi lại chính bản thân mình khi đọc cuốn sách.
Bạn thấy đấy, dù hoàn cảnh có nghiệt ngã đến đâu, họ vẫn chưa bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh, sử dụng hoàn cảnh như một thử thách cần vượt qua, cần đương đầu để giành lấy chiến thắng cho chính mình. Lửa thử vàng gian nan thử sức!
Kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng
Tôi cũng cảm nhận được lòng quyết tâm cao độ để đạt được mục tiêu, ước mơ của những gương mặt ưu tú có mặt trong cuốn sách này.
“Tiền đi vay mượn, lại còn phải đi học, nợ chất chồng nợ, cuộc sống bấp bênh khiến mình rơi vào trầm cảm nặng. Nhiều lần tự hỏi bản thân làm gì ở đây, cuộc sống sắp tới sẽ ra sao? Càng nghĩ càng cùng quẫn mà muốn tự tử” - Như Tôn từng chia sẻ trong câu chuyện “Sáu năm cho một giấc mơ nhà hàng Việt tại New York”.
“Chị hiểu cơ hội và thách thức luôn đi cùng nhau và may mắn chỉ mỉm cười với người biết chuẩn bị, rèn luyện bản thân mỗi ngày. Từ lúc có ý định mở nhà hàng đến khi nó thành hiện thực, chị mất gần 5 năm. Trải qua nhiều công việc, tìm hiểu thật kỹ về lĩnh vực chị làm cùng một chút may mắn đã giúp chị tạo dựng được nhà hàng Việt mang tên Cơm Tấm Ninh Kiều lọt vào top 5 nhà hàng Việt tốt nhất thành phố New York theo Michelin Guide và top 1 Vietnamese restaurant theo Eater New York bình chọn….
Khi đã biết bản thân thực sự muốn gì thì mình xây dựng mục tiêu riêng. Như tâm niệm, một khi đã làm thì phải làm hết sức cho đến đích, không bỏ cuộc, còn đã cố gắng hết sức rồi mà kết quả không được như ý muốn thì cũng tự hài lòng với bản thân.” - Đó là bản lĩnh của cô gái Việt với hành trình gây dựng nhà hàng Việt tại New York.
Như Tôn, sáu năm cho một giấc mơ nhà hàng Việt tại New York.
Sinh ra và lớn lên ở thành phố biển Đà Nẵng, đi du học và được học ở một môi trường có nền giáo dục hiện đại ở một nước phát triển là ước mơ từ nhỏ của Phan Thế Hoàng. Khi bước vào đại học, Hoàng đã lên kế hoạch cho mình đi du học Pháp theo học bổng chính phủ 322 cho sinh viên năm thứ 3 của chương trình Việt Pháp (chương trình có tổng cộng 6 chuyên ngành và mỗi ngành liên kết với 1 trường đại học ở Pháp), mỗi ngành chọn 2 sinh viên trong số 5 sinh viên đầu ngành để cấp học bổng đi du học ở trường liên kết tương ứng bên Pháp.
Thật không may, khi được Giáo sư bên trường đối tác sang phỏng vấn Hoàng đã không được chọn. Sau một vài ngày buồn thì Hoàng cũng cố vượt qua để sau đó Hoàng lại lên kế hoạch đi du học ở một nước nói tiếng Anh thay vì tiếng Pháp, vậy là anh bắt đầu lao vào học Anh văn.
Trong suốt 5 năm học đại học, với việc bố trí thời gian là 6h sáng đi ra khỏi nhà trọ và trở về nhà lúc nửa đêm. Hoàng đã “lăn xả” rất nhiều thời gian cho việc tham gia các hoạt động ngoại khóa và các câu lạc bộ ngoại ngữ, kỹ năng mềm… Từng là phó chủ nhiệm 1 câu lạc bộ tiếng Anh tại TP. Hồ Chí Minh, từng là chủ nhiệm một câu lạc bộ văn nghệ và khá nhiều câu lạc bộ kỹ năng mềm khác với vai trò là trưởng hoặc phó nhóm. Nhiều lúc về nhà với cơ thể mệt rã rời nhưng thấy những gì đã học được trong ngày, cùng những người bạn mới quen và những trách nhiệm với Hội, nhóm đã tiếp thêm động lực cho Hoàng.
Phan Thế Hoàng, chàng tiến sĩ trẻ tại Úc với ước mơ đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.
Đến khi tốt nghiệp đại học, chàng trai may mắn đạt danh hiệu Thủ khoa khoa Kỹ Thuật Hàng Không và được nhận cúp vàng trong lễ tốt nghiệp cuối năm 2012, sau đó được khá nhiều công ty nhận làm như Schlumberger, Vietjet Air, Nestlé, … nhưng với mong muốn được đi học thêm nữa, Hoàng lại “cắn răng” từ chối các công ty lớn để bước vào hành trình tìm học bổng.
Và lần này may mắn hơn lần trước, Hoàng được hai trường đại học lớn nhận làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ, là trường NTU, Singapore (Nanyang Technological University) và University of Wollongong, Australia. Thế là Hoàng đặt chân đến xứ sở Kangaroo và thực hiện giấc mơ của mình tại School of Mechanical Materials and Mechatronics, Faculty of Engineering, University of Wollongong, bang New South Wales, Úc vào cuối tháng 7 năm 2013…
Luôn biết cách học từ những thất bại
Thành công không trải bằng hoa hồng. Đằng sau câu chuyện thành công là vô vàn thất bại đến trước. Câu chuyện của những gương mặt Việt tài năng được các nước sở tại vinh danh vì cống hiến và thành tích xuất sắc của mình sẽ không có gì đáng nói nếu họ chưa từng trải qua khó khăn, chưa một lần thất bại.
Sẽ không có thành công nếu không gặp thất bại. Chúng ta chỉ thấy bề nổi của tảng băng, đấy là thành tích, là sự ngợi khen, là sự ngưỡng mộ nhưng chúng ta không hề thấy được sự cố gắng, nỗi đau, nước mắt và rất nhiều lần thất bại ở phía sau.
“Cho tới giờ, anh nghiệm ra một điều rằng may mắn và cơ hội chỉ đến với những ai đã có sự chuẩn bị nghiêm túc. Nếu có một thất bại nào đó thì phải đánh giá lại bản thân mình đã đủ tốt để xứng đáng nhận được cơ hội đó hay không, chứ tuyệt đối đừng bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh hay điều kiện khách quan, điều này chỉ làm bản thân mình yếu đi mà thôi.
Thành hay bại là ở trong suy nghĩ và hành động của mình. Thất bại nghĩa là chưa đủ tốt chứ không phải là không may mắn. Trong anh không bao giờ có khái niệm một ai đó thành công một cách ngẫu nhiên, họ thành công đơn giản là vì họ đã trải qua đủ số lần thất bại và họ xứng đáng thành công cho những nỗ lực.” - Phan Thế Hoàng, chàng tiến sĩ tại Úc với hai dự án khởi nghiệp Nhà hàng Việt tại Úc và Công ty xuất nhập khẩu VinaCen có trụ sở tại Sydney tâm sự.
“Lúc học MIT, mình chỉ muốn đạt điểm A chứ không quan tâm nhiều đến việc sẽ tìm hiểu sâu hơn về một vấn đề nào đó, mình không dám mạo hiểm vì không nghĩ mình sẽ thất bại.
Nhưng kể từ khi sự hoàn hảo trong mình không còn, mình bắt đầu nghĩ nhiều về thất bại, nghĩ nhiều về sự mạo hiểm” - Phạm Thành Thái, tiến sĩ Stanford được Amazon nhận vào chỉ sau 5 phút phỏng vấn trải lòng.
Phạm Thành Thái, tiến sĩ Stanford được Amazon nhận vào làm chỉ sau 5 phút phỏng vấn.
Tôi đặc biệt ấn tượng với hành trình của một chàng giáo sư trẻ tuổi quê gốc Thái Nguyên với hàng loạt bằng sáng chế ở Mỹ - Giáo sư Vũ Ngọc Tâm (Bài viết “Giáo sư Hot boy 8X & 15 bằng sáng chế tại Mỹ”).
Sau lần thất bại trong quá trình thương mại hóa sản phẩm “Chiếc nhẫn bảo mật” anh nhận ra rằng khi cơ hội đến nếu không biết nắm bắt thì nó sẽ vụt qua nhanh chóng. Thời điểm cách đây 4 năm, khi sáng kiến này được chính phủ Mỹ cấp bằng sáng chế đồng thời nhận giải thưởng nghiên cứu từ Google, anh đã bắt tay vào việc phát triển thêm để đưa vào thị trường.
Tuy nhiên, thay vì tập trung phát triển đội ngũ, thành lập công ty, anh đã không dành thời gian toàn tâm toàn ý để biến sản phẩm nghiên cứu trên bàn giấy thành một sản phẩm được sử dụng rộng rãi trên thị trường.
Vũ Ngọc Tâm, giáo sư “Hot boy” 8X với hàng chục bằng sáng chế tại Mỹ.
“Mặc dù sau này, các tập đoàn lớn như Google, Samsung, IBM vẫn sử dụng trích dẫn bằng sáng chế này của mình nhưng nghĩ lại mình vẫn cảm thấy tiếc nuối. Tuy nhiên, thất bại là một bài học để rút kinh nghiệm và làm nền cho các thành công về sau, xét trên nhiều khía cạnh khác nó vẫn là điều tốt. Sau lần ấy, mình đã quyết tâm hơn cho những “đứa con” của mình cùng các học trò và cộng sự, có thể đến được với thị trường bằng cách thành lập công ty, dấn thân vào con đường khởi nghiệp” - Tâm Vũ chia sẻ.
“Chìa khoá” giáo dục
Giáo dục mới khiến con người ta tốt đẹp hơn. 21 gương mặt Việt trong sách Rạng danh tài trí Việt năm châu ý thức rất rõ về tầm quan trọng của giáo dục. Tất cả những nhân tài ấy đều đi lên bằng giáo dục, họ chăm chỉ học tập để dùng tri thức làm đòn bẩy đưa mình tới đích nhanh hơn dù xuất phát điểm có thấp như thế nào. Đặc biệt hơn, họ có tinh thần tự học tuyệt vời, học qua sách vở, học qua thầy cô, học qua những người đi trước và học từ chính thất bại của họ.
“Đối với em, vẻ đẹp bên ngoài chỉ là nhất thời, còn vẻ đẹp nhân cách và trí tuệ mới là mãi mãi. Với tất cả những ai đang du học nước ngoài giống như em thì cần rèn luyện đức tính độc lập bằng cách không ngừng trau dồi kiến thức, học hỏi và trải nghiệm vì chúng em đại diện cho một thế hệ phụ nữ hiện đại mang vẻ đẹp Việt đi khắp năm châu”, Vũ Nam Phương - Hoa khôi du học sinh Việt: Bông hoa sen ngát hương ở xứ người chia sẻ trong Rạng danh tài trí Việt năm châu.
Vũ Nam Phương, hoa khôi du học sinh Việt: Bông hoa sen ngát hương ở xứ người.
Tham khảo từ cuốn Rạng danh tài trí Việt năm châu - cuốn sách quy tụ các nhân tài người Việt thuộc nhiều thế hệ (5X-9X) vươn ra biển lớn, thành danh ở nhiều lĩnh vực khác nhau tại nhiều quốc gia trải dài khắp 5 châu.
Rạng danh tài trí Việt năm châu quy tụ câu chuyện đặc biệt của 21 nhân tài Việt đang học tập, làm việc trên thế giới.
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000