1. Đặt lịch hẹn (termin)
Lịch hẹn trong tiếng Đức là termin. Hồi ở Việt Nam mình đã khốn khổ với cái termin này rồi. Trước khi sang Đức thì hộ chiếu của mình đã có visa Nhật nhưng lần đó mình chỉ cần nộp đủ giấy tờ là được BTC lo visa cho nên cũng chưa từng một lần biết đi xin visa là gì. Mình thấy mọi người đi nước ngoài chỉ đơn giản là cầm hồ sơ lên đại sứ quán xin visa thôi, có phải hẹn hò gì đâu. Thế nhưng đi Đức thì khác hẳn. Muốn lên nộp hồ sơ thì mình phải đăng kí 1 cái termin trên website ĐSQ mà á, phải đặt trước tận… 4-5 tháng cơ. Mình may mắn là có người đặt giúp chứ có nhiều bạn phải đi qua trung tâm mất đến chục triệu để có được cái termin?. Tưởng rằng chỉ lúc nộp hồ sơ visa mới cần termin, ai dè sang bên này cái gì cũng phải termin. Nào là đi đăng ký hộ khẩu phải có termin, gia hạn visa có termin, ký hợp đồng bảo hiểm phải có termin, thậm chí muốn khám bác sỹ cũng phải có termin! “Bất tiện” chưa >.<
2. Đi “chợ”
Cái bất tiện thứ hai là đi “chợ”, thực ra là đi siêu thị :)) Bên này có chợ đấy nhưng chợ bé và ít đồ, chủ yếu là rau quả bio mà nông dân tự trồng đem ra bán thôi. Mọi người đi siêu thị là chủ yếu. Vấn đề là ở đây, đi siêu thị không hề được phát túi. Thế nên lúc đi mua đồ, ai cũng mang 1 cái túi hay rỏ to để đựng đồ. Đi ngoài đường cứ thấy anh tây nào tay lăng quăng cái rỏ là chứng tỏ đang đi chợ:))) Mình vẫn chưa quen lắm với việc cầm túi sẵn. Nhiều hôm (ví dụ như trưa nay), đi học về thì dừng ở bến tàu cách nhà 500m để đi chợ luôn. Mua một đống đồ mới nhớ ra là không có túi để đựng, thế là một nửa thì cho túi xách, một nửa thì ôm trước người -_- Mà á, “bất tiện” là giá cả bên này niêm yết rồi, thành ra không được mặc cả như ở nhà. Đã thế còn hay giảm giá. Ví dụ hôm nay mình bắt được một cái khuôn làm bánh mỳ gối giảm còn 90 cent (hơn 20k VND), đã thế còn được tặng kèm 2 hộp bơ 500g. Vì hay giảm giá thế nên mình lại phải mua. Mua thì phải xách nặng!
Thứ 6 thứ 7 ở đây siêu thị thường giảm giá, có mấy lần giảm xuống còn 1/3, thế nên cứ tầm 7h tối cuối tuần, người già người trẻ không phân biệt màu da lại xách “làn” ra siêu thị săn đồ, vui như đi trảy hội.
Một cái “bất tiện” nữa là dân ở đây không đun nước uống mà toàn ra siêu thị ôm nước đóng chai về. Không phải là không được đun hay tốn nhiều tiền điện nước. Tụi “tây” nó lý sự là nước đun rồi làm gì còn chất gì, phải uống nước khoáng mới có chất! Bày vẽ! Đi ngoài đường, ai cũng xách theo một chai, bé thì 1l mà to thì 1.5-2l. Bên này uống nước kinh lắm. Mà á, nước uống cũng rẻ cơ. Treo biển 44 cent/1 chai làm mình tưởng đắt, hóa ra là nước có 19 cent (5k/ 1 chai 1.5L) thôi. Uống xong mang chai ra siêu thị trả sẽ được hoàn 25 cent. Mà không phải là đưa chai cho nhân viên siêu thị như đếm ve chai đâu, thả vào cái máy ý. Bày trò!
Tiếp nữa là vào siêu thị, muốn lấy xe đẩy thì phải nhét tiền vào đó 1 đồng 1e. Cứ để tiền trong cái xe, dùng xong thì phải cất lại vào hàng mới lấy lại xu được:))
Đã thế nếu mua rau quả tính kg, mình còn phải tự mang ra cái cân ấn nút xẹt xẹt để lấy giá tiền (tính theo kg) rồi dán vào chứ nhân viên siêu thị không làm giúp cho. Chỗ thanh toán cũng chẳng có cân. Mình vẫn băn khoăn là nếu ai đó cân xong rồi lại nhét thêm vào thì sao nhỉ.
Và bất tiện của bất tiện là đến cuối tuần, toàn bộ các siêu thị, hàng quán, trung tâm thương mại đều đóng cửa hết. Bên này họ cho là tất cả mọi người ở các ngành nghề, kể cả khối dịch vụ, thì phải có ngày nghỉ. Thế nên cuối tuần chẳng ai làm việc cả. Tất nhiên một số nhà hàng vẫn mở cửa nhưng ít thôi, đi mỏi cả chân mới thấy. Mà nếu ai lỡ quên không dự trữ đồ ăn trước thì đến chủ nhật chỉ có nước ăn cá gỗ:))
3. Phương tiện đi lại
“Bất tiện” nữa là ở đây không có xe máy gì cả. Thích tự do thì đi ô tô, không có ô tô thì đi xe đạp. Còn đâu là dùng phương tiện công cộng như tàu hay xe bus. Mà tàu ở đây chẳng hiểu sao chuẩn từng li từng tí. Mình download phần mềm tra giờ tàu trong điện thoại. Có lần tra thấy 9:24 là tàu chạy, thế là căn 9h21 chạy xuống là vừa. Ai ngờ ra đến nơi đúng 9:24 và tàu chạy luôn. Hóa ra tàu đến lúc 9:22, 9:24 thì đi.
Mình là sinh viên nên đi tàu miễn phí. Còn ai mua vé tàu thì phải tự thả tiền xu vào máy là vé chạy ra chứ chẳng phải đứng yên đợi anh phụ xe bus đến thu tiền phát vé. Mà đi trong tuần chẳng bao giờ có ai đến soát vé cả, thường cuối tuần mới có người đi kiểm tra. Thế mà mọi người vẫn tự giác mua vé phết.
Rồi á lúc sang đường, phải chờ cho đúng đèn đỏ mới được sang. Mấy chỗ không có đèn đỏ, mình đứng đợi cho ô tô qua hết rồi đi. Ai dè mấy cái ô tô toàn dừng lại chờ mình. Thấy mình chần chừ họ còn vẫy tay bảo mình đi đi nữa -_-
Rồi muốn đi đâu xa là phải đặt vé mới có vé mà đi chứ không phải cứ ra bến xe, nhảy lên xe rồi đưa tiền cho phụ xe là được. “Bất tiện” chưa
4. In, photo và giặt quần áo
Sinh viên thì có nhiều sách, nhiều tài liệu hay phải đọc rồi. Thế mà bên này mấy hàng photo với in lại rõ hiếm, đắt nữa. Ở nhà mình mà thích là hay sẵn tay in luôn. Giấy tờ quan trọng còn in vài bản. Còn ở trường bên này thì có sẵn 2 cái máy in và mấy máy photo. Muốn dùng thì phải nhét thẻ sinh viên vào, sau đó máy sẽ trừ tiền trong thẻ. Thẻ sinh viên ở đây cứ như thẻ tín dụng ý, có cả máy để nạp tiền vào thẻ:))) In ấn phải tự mình làm hết chứ chả ai làm cho -_-
Giặt quần áo cũng thế. Máy giặt ở ngay dưới tầng nhưng muốn dùng thì cũng nhét thẻ SV vào. Mỗi lần giặt là 1e.
5. Khóa và đèn
Ở đây muốn vào được mấy tòa nhà ở là không phải cứ mở cửa ra là được. Phải có chìa khóa mở cửa to, sau đó là cửa nhà, rồi cửa phòng. Đã thế đi đổ rác cũng phải có chìa khóa:)) Vì mỗi tòa nhà có một cái thùng rác riêng, mấy thùng đó để trong một cái khung sắt có khóa. Thế là muốn vào đổ rác được thì phải lấy chìa mở cái khung ra đã. Đổ xong lại đóng vào, không tiện như ở nhà là mang ra để ở đường rồi có xe đi dọn.
Cũng vì vụ chìa mà muốn đi thăm bạn, phải đứng ở ngoài bấm chuông gọi lên nhà đó. Có người nghe rồi họ mới ấn nút mở cửa cho. Vào trong tòa nhà rồi lại phải bấm chuông trước cửa phòng đó nữa:)))
Mà á, mấy cái đèn hành lang ở đây toàn là loại tự động, không phải muốn bật là được. Nó thấy tối và có người thì mới sáng. Đã thế các phòng ở đây đều thiết kế để có cửa sổ hết nên ban ngày chẳng được bật đèn không bọn nó lại tưởng dở hơi:))
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000