Minh họa: DAD
Việc các cơ quan nhà nước, địa phương cử người đi học nước ngoài nhưng thiếu sự sắp xếp công việc hợp lý khi những người này về nước hoặc người đi học về chấp nhận đền bù để không thực hiện cam kết đang đặt ra vấn đề du học bằng ngân sách sao cho không lãng phí.
Những ngày vừa qua rộ lên câu chuyện Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi phát ra văn bản quyết định thu hồi kinh phí hỗ trợ du học bằng ngân sách nhà nước đối với 4 trường hợp đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài nhưng không về tỉnh công tác như cam kết. Đây là 4 người con lãnh đạo ban, ngành tỉnh Quảng Ngãi không trở về tỉnh làm việc, bị buộc phải nộp gấp đôi kinh phí hỗ trợ du học hơn 9,8 tỉ đồng.
Khi mọi thứ không còn như xưa
Việc thu hồi kinh phí trên dựa vào Quyết định 89/QĐ-UBND “Đề án đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực có trình độ cao giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020” ban hành ngày 29.5.2012 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Tại điểm C, phần 2 của đề án trên quy định: Thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy trong nước và đại học nước ngoài xếp loại giỏi, xuất sắc tiếp tục đi học sau đại học, được hỗ trợ 100% kinh phí.
Đề án cũng quy định rõ phải đền bù gấp 2 lần chi phí đào tạo ở nước ngoài trong các trường hợp kết thúc khóa đào tạo không về công tác tại cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Quảng Ngãi như đã cam kết hoặc không chấp hành quyết định phân công công tác của cơ quan quản lý cán bộ, công chức của tỉnh; bỏ việc, thôi việc, bị kỷ luật buộc thôi việc hoặc chuyển công tác ra ngoài cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Quảng Ngãi khi chưa thực hiện đủ thời gian cam kết phục vụ tại tỉnh Quảng Ngãi.
Trong số 4 trường hợp này, có con của Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi vào làm việc tại TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp về nước, người này có nộp hồ sơ chờ địa phương bố trí công việc nhưng đợi lâu quá nên rời quê, tiếp tục học tập lấy thêm bằng cấp và đi làm.
Có nhiều trường hợp khác cho thấy còn một sự lệch pha giữa cử đi du học và bố trí việc làm ở rất nhiều cơ quan, tỉnh thành.
P.D, hiện đang công tác tại một cơ quan truyền thông, cho biết anh từng rơi vào một hoàn cảnh khá bế tắc sau khi đi du học thạc sĩ về nước.
P.D học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đoạt giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học. Vì vậy, khi ra trường, anh chỉ về giảng dạy tại một trường tiểu học khoảng 6 tháng là được xét duyệt đi Úc học thạc sĩ ngành giảng dạy tiếng Anh theo chương trình 322.
Tuổi trẻ với nhiều hăm hở và khát vọng, P.D tin rằng tương lai đang rộng mở với mình. Lúc ấy, anh đi học và ký cam kết với Phòng giáo dục quận là sẽ về làm việc trong vòng 6 năm. Nơi này cũng sẽ phân công công việc cho anh khi hoàn tất chương trình học.
Nhưng thực tế lại không như mơ ước. Ngày đi học về, P.D quay lại nơi cử mình đi học. Phòng giáo dục quận đưa ra 2 lựa chọn cho anh: quay lại trường tiểu học trước kia làm việc hoặc… tự đi kiếm việc làm. Không biết đi đâu, anh lại quay trở về trường cũ.
Nhưng mọi thứ không còn như xưa. Suốt một thời gian dài, anh chàng thạc sĩ học từ nước ngoài về không hề được phân công giảng dạy mà phải làm tất cả mọi công việc lặt vặt trong trường. Có thời điểm, P.D còn được phân công làm giám thị rồi… bảo vệ trường.
Quá chán nản, P.D quyết định lên làm việc rõ ràng với Phòng giáo dục quận, trình bày hoàn cảnh để xin nghỉ việc. Đơn nghỉ việc của anh được duyệt. Anh xin việc tại một trường ĐH, sau đó phát huy vốn ngoại ngữ để làm công việc liên quan truyền thông cho đến tận bây giờ.
Tính chất của nền kinh tế kế hoạch !
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết những sự ràng buộc đối với người đi học như vậy là hoàn toàn không cần thiết, không phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Việc bố trí công việc cho người đi du học về bị phụ thuộc nhiều vào người lãnh đạo tổ chức.
Khi được cử đi học, nhiều người được quy hoạch công việc nhưng khi đi học về, người có quyền sắp xếp công việc cho họ hết quyền, người khác lên nắm quyền lại không thực hiện.
“Thật ra, việc cơ quan nhà nước cử người đi du học rồi quy hoạch công việc sau khi đi học về mang tính chất của một nền kinh tế kế hoạch.
Hiện nay mọi thứ biến chuyển rất nhanh. Cơ quan cử đi dự trù công việc như vậy nhưng 5 năm nữa tình hình đã rất khác. Cần gì phải có sự ràng buộc tại một cơ quan cụ thể. Nếu ràng buộc mà người đi học về không vui vẻ, không phát huy được năng lực thì lại lãng phí.
Cần xét về tổng thể chứ đừng cục bộ. Khi người đi học về tìm được công việc hiệu quả hơn thì cho dù cơ quan có thiệt thòi nhưng lợi ích xã hội lại cao hơn. Thay vì giữ lại người không phát huy hết hiệu quả thì hãy để họ làm ở nơi phù hợp hơn để tuyển dụng người phù hợp cho cơ quan mình”, PGS-TS Tống nhận định.
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, sáng lập và điều hành Thinking School, cho biết việc cử người đi học theo chương trình của nhà nước rồi cam kết về làm việc xảy ra rất nhiều tại các trường ĐH công lập.
Nhưng lại có bất cập là giảng viên được cử đi học về vẫn làm giảng viên, lương đa phần không đủ sống theo hệ thống ngạch, bậc của VN. “Bản chất của việc này vẫn là không sử dụng nguồn lực hiệu quả”,
ông Dũng cho biết.
Tiến sĩ Dũng cũng cho biết ở các trường ĐH tư thục, cử ai đi học đều dùng tiền của trường và đều tính toán phân bổ công việc làm sao cho hiệu quả nhất.
GS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, người từng có khoảng 10 năm làm tại Viện Khoa học tính toán TP.HCM, cho biết Chính phủ cần có chiến lược và kế hoạch phát triển để từ đó có chiến lược phát triển nhân sự.
Trước khi gửi người đi học, kế hoạch phát triển nhân sự này đã phải được tính toán chặt chẽ và phù hợp. Như vậy mới tránh được sự lãng phí đang diễn ra với các chương trình này.
Theo thanhnien.vn
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000