Giấc mơ của người này có thể là ác mộng với người khác!
Không ít người Việt muốn ra nước ngoài định cư, nhưng chưa tìm hiểu kỹ liệu mình có phù hợp với cuộc sống mới hay không, vì đôi khi giấc mơ của người này có thể là ác mộng với người khác.
Đi hay ở luôn là câu hỏi khó cho nhiều người, vì nó liên quan đến tài sản, sự nghiệp và tương lai của cả gia đình.
Và để phần nào giải đáp phân vân ấy, chị Nguyễn Phước Huyền Anh, 37 tuổi, hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ tâm huyết, nhận được sự tán thành của nhiều người.
Từng du học và định cư ở Pháp 7 năm vì công việc, sau đó lại chuyển sang Úc sống 1 năm, có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Marketing tại các công ty đa quốc gia và có đam mê du lịch, chị Huyền Anh đã chu du hầu hết các nước châu Á và châu Âu.
Trải nghiệm nhiều nền văn hóa độc đáo, đa dạng trên khắp thế giới, nhưng cuối cùng, chị Huyền Anh cùng chồng vẫn quyết định trở về quê hương.
Chị Huyền Anh đã có nhiều năm sinh sống, học và làm việc ở nước ngoài.
"Không ít bạn bè, người thân của mình đang băn khoăn việc nên định cư ở nước ngoài hay về Việt Nam – câu hỏi lớn mà bản thân mình cũng từng đặt ra nhiều năm về trước, nên mình quyết định chia sẻ đôi chút quan điểm cũng như trải nghiệm để mọi người có thể tham khảo, thay vì kể chuyện với từng người" - Chị Huyền Anh bộc bạch.
Bà mẹ hai con cho hay, nếu đang cân nhắc về vấn đề định cư nước ngoài, hãy thử trả lời các câu hỏi sau trước khi quyết định:
"Đầu tiên, vì sao bạn muốn định cư nước ngoài? Nếu câu trả lời là bạn đi vì muốn có trải nghiệm mới, nắm bắt cơ hội mới thì hãy cứ đi nhưng đừng đóng luôn cánh cửa quay về, vì chưa chắc bạn và gia đình sẽ thích thú hay thích hợp với cuộc sống nơi đất khách đâu. Cứ đi, nhưng biết đâu là để trở về!
Còn nếu vì bạn chán với cuộc sống ở quê hương thì hãy suy nghĩ lại, đất nước cũng như con người, nơi nào cũng có ưu khuyết điểm riêng. Mỹ là cường quốc kinh tế thế giới, nơi mà cơ hội mở ra cho tất cả nhưng cũng chính là thiên đường của thức ăn công nghiệp, lối sống thực dụng và chủ nghĩa vật chất…
Pháp là đất nước tự do, nhân văn với kho tàng văn hoá, kiến trúc đồ sộ, chế độ an sinh xã hội cực tốt nhưng cũng là nơi suốt ngày có biểu tình, khủng bố, hành chính quan liêu, sưu cao thuế nặng…
Úc là đất nước xinh đẹp, khí hậu ôn hoà nhưng đời sống đắt đỏ, đi đâu cũng xa xôi xách trở, có tỷ lệ ung thư da cao nhất thế giới.
Còn Việt Nam tuy có nhiều điều bất cập mà ai cũng biết, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều điểm sáng mà chỉ có khi đi xa mới thấy có giá trị: ẩm thực đặc sắc, dịch vụ tốt và rẻ (ở nước ngoài phải tự làm hết mọi việc vì thuê người quá đắt), gia đình và bạn bè."
Chị Huyền Anh cùng chồng ở Tây Ban Nha
"Nếu bạn đi vì tương lai con cái thì hãy hỏi con bạn có đang hạnh phúc hay không, có nhu cầu đi nước ngoài hay không… chứ đừng tự quyết định giùm nó.
Nhiều gia đình đi vì con nhưng sau đó lại lục đục nơi xứ người do không chịu nổi áp lực của cuộc sống, mà cha mẹ không hạnh phúc thì làm sao có thể đem lại hạnh phúc cho con?
Chưa kể trẻ con đi học nước ngoài trước 18 tuổi sẽ hấp thụ toàn bộ tư tưởng kiểu Tây, điểm sáng cũng nhiều nhưng không phải là không có mặt trái của nó. Tây phương theo chủ nghĩa tự do và cá nhân, trẻ con cũng sẽ có quyền được nghĩ, làm theo ý nó, dù đúng hoặc sai, miễn là không phạm pháp.
Có người cha lỡ tay tát con gái vì không chịu dọn dẹp phòng mình, cô bé gọi điện luôn cho cảnh sát đến làm việc. Rồi con cái lớn lên cũng ít chia sẻ hay gần gũi với ba mẹ hơn, thế là nhiều phụ huynh cũng bị sốc…
Còn nếu nói về sự thành đạt, mình không chắc là các bạn Việt kiều giỏi hơn hay giàu có hơn các bạn Việt Nam. Tóm lại, hãy chọn nơi khiến bạn hạnh phúc nhất rồi con bạn sẽ hạnh phúc theo!"
Câu chuyện của chị Huyền Anh nhận được hàng nghìn lượt thích và chia sẻ trên mạng xã hội
"Thứ hai là bạn đã tìm hiểu kỹ về đất nước mình muốn định cư lâu dài chưa? Chưa có ai dám nói người hạnh phúc nhất là người sống lâu nhất, học cao nhất, được đối xử bình đẳng nhất hay giàu có nhất cả.
Vậy bạn có chắc là bạn sẽ hạnh phúc hơn khi đến sống ở nước nằm trong danh sách quốc gia đáng sống đó?
Trước khi quyết định định cư ở đất nước nào, ngoài việc biết vì sao mình muốn đi, bạn còn cần phải tìm hiểu thật kỹ về mọi chính sách và thực tế cuộc sống hàng ngày tại đất nước đó nữa.
Ví dụ như hồi mình ở Pháp, công nhận là an sinh xã hội ở đó rất tốt, đặc biệt là cho đối tượng không có thu nhập hoặc thu nhập thấp (sinh viên, thất nghiệp…).
Nhưng khi mình bắt đầu đi làm, đóng thuế thì nhìn bảng lương thấy đã bị cắt bớt 23% cho các khoản bảo hiểm xã hội, mua nhà mua xe cũng tốn một mớ cho bảo hiểm các loại (bắt buộc), rồi hàng năm phải đóng các khoản thuế…
Đi khám bệnh tuy là không tốn tiền (vì đã đóng bảo hiểm y tế bắt buộc) nhưng nhiều khi phải ngồi chờ cả buổi, hay lấy hẹn từ trước đó cả tuần hoặc cả tháng, tuỳ là khám tổng quát hay chuyên khoa.
Tuy là học phí gần như là miễn phí cho mọi công dân nhưng các phụ phí khác (ăn trưa, hoạt động ngoại khoá…) lại chênh lệch rất nhiều giữa các gia đình tuỳ theo thu nhập.
Các gia đình nhận trợ cấp thì phải đóng rất ít, còn nếu ba mẹ cùng là cấp bậc quản lý có khi phải trả các khoản phụ phí gấp chục lần các hộ "nghèo".
Thật lòng mà nói, nếu muốn an sinh tốt, bạn phải sẵn sàng đóng thuế cao ở các nước phát triển. Trong khi đó, ở Việt Nam, nếu có thu nhập cao, bạn vẫn có thể dành ra một khoản tiền để mua bảo hiểm hay đầu tư để chi trả cho các khoản chi phí giáo dục, y tế cao cấp."
Hãy chuẩn bị sẵn sàng về vật chất và tinh thần trước khi quyết định đi hay ở
Đó là lời khuyên của chị Huyền Anh, sau những trải nghiệm thực tế của bản thân. Người phụ nữ Việt không ngần ngại thừa nhận đã từng rất vất vả để tìm kiếm một công việc, nhưng phẫn bị thất nghiệp 1 năm ở Úc và 1 năm ở Pháp, dù năng lực và bằng cấp khá ổn.
Nói tiếng Anh, tiếng Pháp trôi chảy, nhưng không thể so với người bản xứ - bởi chị vẫn chỉ là người nhập cư. Do vậy, đang được tự do làm công việc mình thích với mức lương dư giả, bỗng dung chị trở thành bà nội trợ bất đắc dĩ khi sang định cư xứ người.
Chị Huyền Anh và gia đình trong chuyến chu du nước Mỹ.
Chị Huyền Anh đã có những ngày tháng tự đánh giá là khá tồi tệ, nhàm chán. Cuối cùng, sau rất nhiều nỗ lực học hỏi, chị cũng tìm được công việc đúng ngành nghề ở Pháp, lương tốt, nhưng môi trường làm việc lại không thân thiện khiến chị lần nữa cảm thấy không thoải mái.
"Công việc vốn đã ít thuận lợi, mọi việc trong cuộc sống đều phải tự làm rất vất vả vì không dám vung tiền thuê người hay thuê dịch vụ.
Mình còn nhớ hai vợ chồng cuối tuần phải gửi nhờ con ở nhà bạn, thuê xe tải nhỏ đi Ikea khuân đồ nội thất về, sau đó trong tuần tranh thủ buổi tối khi con ngủ để dựng từng miếng gỗ lên ráp lại thành cái bàn, cái ghế, cái tủ, cái giường…
Chưa kể ở các xứ lạnh, vào mùa đông là tuyết rơi ngập đường. Nhìn trên phim thấy cảnh tuyết rơi đẹp biết bao nhiêu thì thực tế lại phũ phàng bấy nhiêu, vì cái lạnh tê tái khiến chả ai muốn ra đường, đường lại trơn trượt…"
Hungary...
...Cộng hòa Séc...là những đất nước mà chị và gia đình đã đặt chân đến
Không chỉ gặp khó khăn trong công việc, đời sống vất vả vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ, yếu tố quyết định khiến vợ chồng chị Huyền Anh chọn trở về - bên cạnh vấn đề vật chất – là yếu tố về tinh thần.
"Khó có thể giải thích được hết nỗi lòng của người tha hương, nhiều khi phải đi xa rồi mới thấm thía được thế nào là nỗi nhớ từng góc phố, từng món ăn, từng khoảnh khắc ấm áp bên gia đình, bạn bè…
Ở các nước phát triển, chủ nghĩa cá nhân được đề cao, cộng thêm cuộc sống mưu sinh bận rộn khiến chả mấy ai quan tâm đến nhau. Đồng nghiệp cũng chỉ xã giao cười nói trong công việc chứ ít khi trở thành bạn bè thân thiết" – Chị Huyền Anh tâm sự.
Cuối cùng, nếu bạn đã chuẩn bị tinh thần cho các thử thách trên, bạn có thể sống thử một vài năm để trải nghiệm, xem liệu bản thân và gia đình có thực sự yêu thích cuộc sống nơi xứ người.
Có lẽ sau khi đọc tâm sự của người phụ nữ Việt, nhiều người đã giải tỏa được nỗi băn khoăn của mình. Hãy nhớ rằng, nếu bạn ở một nơi nhưng trái tim lại luôn hướng về nơi khác thì chắc chắn đó không phải là nhà của bạn!
Nguồn: Thế giới trẻ/ soha.vn
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000