Hãy học cách kiểm soát stress nếu không muốn bộ não của bạn tiếp tục ‘chảy máu’ chất xám.
Du học một mình nơi đất khách quê người, cuộc sống áp lực, bạn đã từng bị stress, bạn sẽ hiểu nó đáng sợ như thế nào. Bởi nó không chỉ phá hủy tâm trạng của bạn mà còn gây ra vô số tác động xấu tới cơ thể. Thật tệ nếu bạn để stress vượt khỏi tầm kiểm soát của bản thân vì khi đó, bộ não của bạn sẽ phải chịu những tổn thương không đáng có.
Trí nhớ giảm sút Các tế bào gốc thần kinh trong Hippocampus – một vùng của não trước, có chức năng lưu giữ ký ức và chi phối tâm trạng, thường phát triển thành các nơ-ron thần kinh. Một khi bạn gặp stress kéo dài, các tế bào gốc này sẽ thay thế trở thành oligodendrocytes (các tế bào thần kinh bao quanh nơ-ron của hệ thần kinh trung ương và cách ly các sợi trục), bao phủ các nơ-ron thần kinh bằng chất cách điện gọi là myelin.
Lượng myelin vượt quá giới hạn cho phép sẽ gây nhiễu loạn quá trình truyền thông tin trong mạch não, thay đổi cách các nơron kết nối với nhau, theo kết quả nghiên cứu từ Đại học California. Đây chính là nguyên nhân khiến trí nhớ của bạn sụt giảm và khả năng học tập cũng như làm việc kém đi.
Nguy cơ đột quỵ cao hơn Căng thẳng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Stroke, hơn 6.700 người lớn tuổi (từ 45 – 84 tuổi) đã được phát phiếu điều tra về các yếu tố tâm lý, bao gồm stress và trầm cảm được tính theo thang điểm.
Theo dõi từ 8 năm rưỡi đến 11 năm sau, những người đạt điểm cao có khả năng bị đột quỵ hoặc mắc bệnh thiếu máu não cục bộ (TIA) cao gấp 59% so với những người còn lại nếu họ đã từng trải qua stress kéo dài do những áp lực từ các vấn đề sức khoẻ, tiền bạc và những mối quan hệ gây ra.
Nguy cơ trầm cảm cao hơn Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, stress kéo dài có thể ngăn chặn quá trình sản sinh nơ-ron thần kinh mới trong Hippocampus.
Các nhà khoa học thuộc Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIMH) đã tiến hành các thí nghiệm trên chuột và kết luận rằng, chúng không thể tạo ra các tế bào mới trong vùng Hippocampus, bị giảm khả năng tự hồi phục do stress và xuất hiện các dấu hiệu giống như trầm cảm.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên một loạt các xét nghiệm, trong đó chuột được đặt vào những những tình huống gây căng thẳng và được công bố trên tạp chí Nature vào năm 2011.
Teo não Những vấn đề xoay quanh cuộc sống có thể làm giảm lượng chất xám ở các bộ phận bên trong vỏ não trước, nơi điều khiển khả năng tự kiểm soát và tâm trạng con người, theo các nghiên cứu của Đại học Yale. Stress càng nhiều, lượng chất xám sẽ có nguy cơ ngày càng giảm, đồng nghĩa với việc não bạn có nguy cơ ngày càng teo.
Nguồn: Readersdigest
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000