Giữa những hối hả của cuộc sống, có những người đi đến đỉnh cao vinh quang, có những người thất bại mãi nhưng vẫn không thể chạm đến vạch đích cuối cùng. Nhưng dẫu cuộc sống có thế nào đi chăng nữa, ai rồi cũng vấp ngã, bầm tím với những gian truân phải trải qua.
‘Cuộc chiến nội tâm’ giằng xé mà mỗi người phải trải qua, nó đau đớn, dằn vặt thế nào, chỉ có mình họ hiểu.
Trầm cảm vì cô đơn, buồn chán ở xứ người
Từng chữa trị cho nhiều trường hợp trầm cảm khi đi du học, bác sĩ Tô Thanh Phương (Phó Giám đốc BV Tâm thần Trung ương) cho rằng, đây là vấn đề cần lưu tâm bởi bố mẹ kỳ vọng con có môi trường tốt nhưng thực tế cuộc sống ở nước ngoài không đơn giản như vậy.
Anh Tuấn Anh (30 tuổi, Hà Nội) trải qua 4 năm học trên đất Mỹ, luôn cố gắng chống chọi nỗi cô đơn, xa gia đình. Sau khi tốt nghiệp, anh ở lại Mỹ lập nghiệp. Đầu tiên anh làm nhân viên kinh doanh, nhưng chỉ sau nửa tháng cảm thấy nhàm chán, anh xin nghỉ. Sau lần nghỉ việc đầu tiên, chàng trai trẻ liên tục ‘nhảy việc’.
Trúng tuyển vào bất cứ công ty nào, chỉ sau một thời gian làm việc, anh Tuấn Anh đều cảm thấy chán nản, không có động lực để tiếp tục. Chưa dừng lại ở đó, Tuấn Anh còn luôn mang cảm giác tự ti, không bằng đồng nghiệp và mang suy nghĩ họ muốn hãm hại mình.
Qua tìm hiểu bác sĩ và gia đình biết anh Tuấn Anh ít bạn bè, thường xuyên đi làm về muộn. Công việc bận nên không có thời gian đi chơi hay nghỉ ngơi. Nhận thấy tình hình của con không ổn, gia đình Tuấn Anh đã bay sang Mỹ đón anh về để điều trị.
Bệnh nhân được TS.Bác sĩ Tô Thanh Phương khám và kết luận mắc trầm cảm mức độ vừa, có tự ti mặc cảm, không hòa đồng được với môi trường làm việc.
Trầm cảm dễ gặp ở đối tượng du học sinh, nghiên cứu sinh vì họ phải chịu áp lực tâm lý lớn như: khác biệt ngôn ngữ, văn hóa, nỗi nhớ nhà.
Tuấn Anh là một trong những trường hợp may mắn được người nhà phát hiện sớm và cho đi chữa trị kịp thời. Bản thân bác sĩ Tô Thanh Phương đã phải cấp cứu cho những ca du học sinh trầm cảm nặng, tới khi người bệnh có ý định tự tử gia đình mới đưa con đi điều trị.
Nhận được học bổng du học Hàn Quốc, gia đình Mai Lan (Thanh Hóa) khấp khởi vui mừng vì tương lai đầy hứa hẹn của con. Tuy nhiên, sang Hàn Quốc được hơn 3 tháng cũng là khoảng thời gian Lan sống biệt lập. Sự khác nhau về ngôn ngữ và văn hóa, môi trường mới khiến cô gái ngoài 20 tuổi chỉ có quãng đường từ trường về nhà và không tiếp xúc với ai.
Sự cô đơn, thiếu thốn tình cảm của người thân cộng thêm những áp lực của học tập làm cho cô gái trẻ liên tục khó ngủ sau đó trở thành mất ngủ. Mai Lan cũng thường xuyên chia sẻ với mẹ về cảm giác mệt mỏi, khóc nhớ nhà hàng đêm. Đôi khi cô gái trẻ còn nhắc tới cái chết nếu không được giải tỏa.
Lần Mai Lan về quê ăn Tết mới đây, mẹ cô bé nhận thấy con ít nói và rụt rè. Đặc biệt, Mai Lan đóng cửa ở trong nhà tắm hàng tiếng để tắm nhiều lần trong ngày vì cảm giác cơ thể luôn bị bẩn. Thậm chí, có những hôm, Mai Lan kỳ cọ đến mức bong da, rớm máu mà vẫn chưa dừng.
Ngay ngày đầu tiên của năm mới, Mai Lan khiến cả nhà tá hỏa vì cô treo cổ tự vẫn nhưng được người nhà phát hiện. Tới lúc này người nhà bệnh nhân mới vội vàng đưa vào viện cấp cứu và điều trị.
Cần chuẩn bị kĩ càng
Bác sĩ Tô Thanh Phương cho hay:
“Trầm cảm dễ gặp ở đối tượng du học sinh, nghiên cứu sinh vì người trẻ phải chịu áp lực tâm lý lớn như: khác ngôn ngữ, văn hóa, nỗi nhớ nhà… ‘
Từ những vấn đề này, bệnh nhân sẽ xuất hiện tâm lý tự ti đánh giá thấp bản thân, cho rằng bản thân không làm được điều gì tốt đẹp. Khi bệnh nặng sẽ có những suy nghĩ bi quan, tiêu cực về bản thân, những người xung quanh và thế giới. Đặc biệt bệnh nhân luôn bi quan về tương lai, không thấy được đường đi cho bản thân… thậm chí nghĩ đến tự tử.
Theo bác sĩ Phương, có rất nhiều dạng trầm cảm nhưng dạng khó chữa nhất là trầm cảm ám ảnh. Ví dụ bệnh nhân sợ bẩn tắm rửa kỳ cọ suốt ngày tới mức lột cả da, có trường hợp bệnh nhân lại sợ ăn để rồi chỉ còn da bọc xương.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Phương, trầm cảm là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm ai cũng có thể mắc. Người trầm cảm dễ tìm đến cái chết là do bị rối loạn chất truyền của thần kinh khiến bệnh nhân không kiểm soát được hành vi của mình.
Với những người đi du học hay ra nước ngoài sống, đây sẽ là một sự thay đổi về giờ giấc sinh hoạt, phong cách sống, văn hóa và cách giao tiếp, ngôn ngữ. Vì vậy, giải pháp đầu tiên phải tìm hiểu về văn hóa nước đó, chuẩn bị vốn ngôn ngữ đủ để giao tiếp. Thay vì ở nhà khóc lóc, nhớ nhà trong giai đoạn đầu thì phải tăng cường giao tiếp với đồng hương, cộng đồng sinh viên Việt Nam hay người Việt Nam sống tại nước đó.
Nếu có bất cứ triệu chứng nào như mất ngủ, mệt mỏi, chán nản hay muốn tự tử phải lên tiếng với gia đình để có biện pháp chữa trị kịp thời.
Tương lai là một điều gì đó xa vời lắm, trong đó có vô vàn cơ hội sẽ xảy ra mà ta không thể nào đoán trước được. Điều gì tới cũng sẽ tới, sao ta không chọn tin lấy điều tích cực?
Dẫu tương lai có ra sao đi nữa, chí ít rằng, lòng ta trong hiện tại được thanh thản.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
hoahoctro.vn
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000