Gạt đi những câu chuyện phiếm đã giúp tôi kết bạn với người Đức như thế nào

Là một người Anh với nhu cầu nói chuyện về thời tiết như đã ngấm vào máu, Floraidh Clement từng cảm thấy khó khăn khi bắt chuyện với các đồng nghiệp Đức – những người ghét nói chuyện phiếm đến nỗi thậm chí có số liệu khoa học để chứng minh điều đó.

Chỉ sau một thời gian quyết tâm tìm hiểu, cô mới tìm ra điểm chung giữa mình và những người bạn “lạnh lùng”.

1 1 Gat Di Nhung Cau Chuyen Phiem Da Giup Toi Ket Ban Voi Nguoi Duc Nhu The NaoTrải nghiệm của Floraidh đúng như những lời đồn thổi rằng người Đức nói không với chuyện phiếm

Là người Anh, những cuộc tán gẫu là một phần không thể thiếu trong đời sống. Dù ở Tesco hay phòng chờ nha sĩ, việc trò chuyện một cách lịch sự với người lạ trong mọi tình huống tựa như một thói quen của chúng tôi.

Tôi luôn hào hứng tham gia vào mọi cuộc bàn tán về thời tiết hoặc bất cứ thứ gì chiếu trên tivi tối qua. Nói chuyện phiếm luôn là một điều rất đỗi tự nhiên và ở Anh bạn sẽ luôn được đáp lại.

Những cuộc trò chuyện có thể vô nghĩa, nhưng vẫn luôn diễn ra thoải mái.

Vì thế mà việc chuyển đến Đức sinh sống với tôi như một cú sốc văn hoá, dù đã biết trước định kiến về người Đức rằng họ sẽ chẳng bao giờ hỏi người thu ngân ở Edeka về thời tiết.

Sau 6 tháng tại Đức, trải nghiệm của tôi diễn ra đúng như lời đồn. Các cuộc trao đổi với mọi người luôn ngắn gọn. Khi tôi hỏi một người bạn rẳng người Đức có thực sự ghét nói chuyện phiếm hay không, cô ấy gật đầu lia lịa.

“Thật kì lạ khi các cậu có thể nói về thời tiết lâu đến vậy. Chúng tớ chỉ thấy điều đó vô ích,” cô trả lời.

Quả thực, bằng chứng cho nét tính cách này không chỉ dừng lại ở những lời đồn thổi. Vào năm 2011, đã có cả một nghiên cứu của Đại học Hamburg chứng minh rằng người Đức nói không với chuyện phiếm. Người đứng đầu nghiên cứu, giáo sư Juliane House, cho biết những chủ đề như thời tiết hay hỏi han sức khoẻ được cho là “dài dòng và sáo rỗng.”

Theo nghiên cứu, người Anh nói chuyện phiếm như một cách để giả bộ là bạn đang quan tâm đến người đối diện.

Trái lại, khái niệm về chuyện phiếm xa lạ đối với người Đức đến nỗi họ thậm chí chả có từ đó trong từ điển. Vào một số dịp hiếm hoi họ chịu gia nhập cuộc trò chuyện “nhạt như nước ốc”, người Đức sẽ gọi bằng cụm từ tiếng Anh luôn: “wir machen Smalltalk.”

Ban đầu, những thất bại trong việc góp vui vào cuộc trò chuyện làm tôi nản lòng, không phải vì tôi giả bộ, mà tôi thực sự quan tâm đến những người bạn mới.

Nhiều dịp tôi đã thử trò chuyện với họ về thời tiết hay những thứ tương tự, nhưng câu trả lời nhận lại thường ngắn gọn hoặc thẳng thắn đến bất ngờ.

Nhưng bạn phải làm gì để kết bạn với người Đức? Đừng hỏi “Cuối tuần thế nào?” mà hãy hỏi thẳng những câu như “Nỗi sợ lớn nhất của bạn là gì?”

Có lẽ là do tính cách của người Anh đã ngấm sâu vào tôi, nhưng việc coi chuyện phiếm là điều kiêng kị giống như bỏ qua bước đầu tiên để làm quen một người vậy. Một câu hỏi bình thường như “Ngày cuối tuần của bạn thế nào?” có thể hé lộ điều gì đó về đối phương, giúp tôi cân nhắc liệu họ có hợp với mình hay không.

Nhưng sau khi chả ai nói chuyện phiếm với ai tại Đức, tôi đành bỏ cuộc và điều đó lại giúp tôi kết bạn dễ dàng hơn. Dù sao, đó cũng là một bước tiến trong quá trình thích nghi với nơi ở mới.

Các cuộc đối thoại có thể không được khuấy động bằng những mẩu chuyện phiếm, nhưng lại khuyến khích bạn giao tiếp một cách sáng tạo. Thay vì bắt chuyện theo cách thường làm, tôi thường hỏi thẳng người Đức về công việc, tại sao lại sống ở Berlin hay làm gì vào thời gian rảnh. Tôi thậm chí đã là bạn với cô gái đề cập ở trên sau khi tôi nói về niềm đam mê của cô với những cuốn sổ ghi chép.

1 2 Gat Di Nhung Cau Chuyen Phiem Da Giup Toi Ket Ban Voi Nguoi Duc Nhu The NaoCác cuộc đối thoại có thể không được khuấy động bằng những mẩu chuyện phiếm, nhưng lại khuyến khích bạn giao tiếp một cách sáng tạo.

Trái ngược với định kiến, những người bạn Đức mà tôi gặp rất ấm áp, lịch thiệp và trò chuyện rất có duyên. Vấn đề ở chỗ bạn cần lựa chọn chủ đề để gợi chuyện và nỗ lực hơn một chút để thể hiện bạn thực sự muốn hiểu họ.

Ngoài ra, việc cố moi chuyện (bất kể đó là chuyện gì) để lấp đầy những giây phút ngượng nghịu, khó xử là không cần thiết. Và điều này khiến tôi thấy nhẹ nhõm. Người Đức quan niệm rằng trò chuyện liên tục không phải yếu tố thiết yếu để duy trì tình bạn.

Như vậy, tuy vẫn phải cố không nhắc đến thời tiết, dù trời có cực nóng hay lạnh như thế nào đi chăng nữa, tôi đã có thể thoải mái hành xử như người bản địa. Trở thành bạn với người Đức bên trong và ngoài chỗ làm là động lực giúp cô gái người Anh như tôi gạt những mẩu chuyện phiếm sang một bên và để cho tình bạn nở rộ.

Theo The Local 


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000