Nên chọn học Đại học ở Uni hay FH?

Nên chọn học Đại học ở Uni hay FH?

Hàng năm, có đến trăm nghìn học sinh tốt nghiệp PTTH tại Đức lại đặt câu hỏi sẽ học tiếp lên đại học hay đi học nghề.

Học tiếp đại học thì vào Uni hay FH? Qua bài viết này, Thời báo Việt Đức xin giới thiệu với quý độc giả hai kiểu trường đại học này để các phụ huynh có thêm thông tin tham khảo.

Hai trường Uni và FH về cơ bản hoàn toàn khác nhau. Universität (viết tắt là Uni) tiếng Đức là trường đại học tổng hợp, hướng đến việc nghiên cứu và học nhiều lý thuyết, luận giải các hiện tượng, tìm hiểu về các mối quan hệ, sự liên quan trong xã hội, phản ứng của con người v.v…

Tại sao Uni được đề cao hơn FH?

Điều kiện để xin vào học ở Uni cho đến bây giờ vẫn là tấm bằng Abitur – là bằng phổ thông trung học của Đức. Để học Uni đạt kết quả tốt, các sinh viên cần có tính tự giác và kỷ luật cao, bởi trường Uni đặt việc tự học của sinh viên lên hàng đầu. Họ phải tự lên kế hoạch, tổ chức và lập thời khóa biểu phù hợp cho riêng mình. Vì thế, đây cũng là kiểu trường lý tưởng để sinh viên vừa học vừa tìm việc làm thêm.

Tuy nhiên, vì tự lên thời khóa biểu nên có những giờ giảng bài (Vorlesung) rất đông sinh viên tham dự, có giờ lại quá vắng. Các giờ học (Seminar) thường phải giới hạn số lượng sinh viên, ai đăng ký nhanh mới được học, không thì phải đợi đến học kỳ sau. Nhiều sinh viên dành thời gian đi học, đi làm thêm trong tuần, còn cuối tuần thì lên thư viện Uni để học. Họ được đào tạo để trở thành những nhà khoa học, có thể tự mình tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích một đề tài nào đó. Uni từng là trường duy nhất độc quyền đào tạo tiến sỹ. Trường FH cũng từng bị đánh giá thấp hơn so với Uni một bậc cũng chính vì lý do này.

1 1 Nen Chon Hoc Dai Hoc O Uni Hay Fh

Đặc thù của FH là gì?

FH – tiếng Đức là Fachhochschule nghĩa là trường cao đẳng thực nghiệm – chuyên sâu thực hành và giáo dục hướng nghiệp (đa số là các ngành kỹ thuật, kinh tế). Chỉ cần có bằng trung học thực nghiệm (Fachhochschulreife) hoặc một bằng học nghề (Berufsausbildung) là có thể xin vào đây học.

FH thiên về việc giáo dục thực nghiệm và ứng dụng, không đi sâu vào nghiên cứu, vì cũng không có đủ thời gian và nguồn tài chính. FH thường cộng tác với với các doanh nghiệp, các hãng, xưởng sản xuất, nhà máy. Ngược lại, FH sẽ mời những giám đốc hoặc chủ doanh nghiệp đến nói chuyện cùng sinh viên trong các giờ học, hoặc tổ chức tham quan các doanh nghiệp, làm quen trực tiếp với thị trường lao động, nhận xử lý những dự án cho các hãng.

Sinh viên phải học theo thời khóa biểu của trường, dùng toàn bộ học kỳ thứ 6 (sau 3 năm học) để làm thực tập tại một doanh nghiệp nào đó do họ tự chọn, giúp họ định hướng sở thích nghề nghiệp của mình nhanh và chính xác.

Theo trang mạng studycheck.de cho biết, các giáo sư ở FH phải giảng dạy 18 tiếng mỗi tuần và không có nhiều trợ giảng hay không được nhận nhiều nghiên cứu sinh làm trợ lý. Trong khi đó ở Uni, các giờ học bắt buộc trung bình chỉ có khoảng 9 tiếng/tuần và mỗi giáo sư có tới sáu phụ tá khoa học. Các nhóm học tại FH cũng chuyên sâu hơn vì mỗi giáo sư chỉ phụ trách nhiều lắm khoảng 45 người. Mỗi giáo sư trường Uni thì có khi lại phải dành thời gian cho tới hơn 60 sinh viên. Muốn vào giảng dạy tại trường FH, bản thân các giáo sư phải có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm làm việc trong các doanh nghiệp. Nhưng trường Uni không đòi hỏi điều này, mà các sinh viên sau khi lấy bằng tiến sỹ có thể trực tiếp xin ở lại trường giảng dạy và nghiên cứu.

Tuy nhiên, sau khi Đức cùng áp dụng hệ thống cấp và công nhận bằng chung trong các nước Châu Âu vào năm 2010, còn gọi là Bachelor-Master-System, thì các bằng của Uni và FH đều có giá trị tương đương nhau. Hơn thế nữa, các cử nhân tốt nghiệp trường FH cũng có thể hợp tác với một trường Uni để học lên cao học, lấy bằng tiến sỹ. Như vậy có thể nói, không phải Uni hay FH tốt hơn, mà quan trọng là sinh viên lựa chọn theo học phương pháp gì, ngành nghề gì.

Học sinh phổ thông trung học có thể đến Uni hoặc FH tìm hiểu và dự thính trước khi quyết định sẽ học tiếp ở đâu. Để theo học các ngành ngôn ngữ học hoặc khoa học nhân văn, nghệ thuật thì trường Uni vẫn là lựa chọn hàng đầu.

Cẩm Chi

 


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000