Người Việt bị cấm vào một công viên Nhật Bản: Xấu hổ

Đây là những tin tức không mấy dễ chịu, đảm bảo khi đọc xong thì ai là người Việt Nam cũng cảm thấy một nỗi xấu hổ, bẽ bàng. Bởi nó không phải là câu chuyện trong nước, nó là câu chuyện liên quan đến văn hóa ứng xử của người Việt chúng ta ở nước ngoài.

1 1 Nguoi Viet Bi Cam Vao Mot Cong Vien Nhat Ban Xau Ho

Một tin tức không mấy tích cực đang gây nhiều tranh luận trên cộng động mạng gần đây, đó là chuyện báo chí Nhật Bản đăng tin về một công viên ra thông báo hạn chế người Việt Nam do xả rác bừa bãi, khiến người xung quanh không hài lòng.

Vì tổ chức giải bóng đá nhưng xả rác bừa bãi, Công viên Thể thao Iwase, Nhật Bản đã thông báo "hạn chế người Việt".

Số là hồi tháng 8, một giải bóng đá mini với khoảng 300 người Việt được tổ chức ở công viên Thể thao Iwase, thành phố Toyama. Những người này sau đó bỏ lại một lượng lớn thức ăn thừa và các chai nhựa ở góc sân mà không thu dọn. Ở công viên này không có thùng rác công cộng bởi đã có quy định mọi người đến đây phải mang rác thải về nhà.

Sau khi giải bóng đá kết thúc, ban quản lý công viên đã phải thuê 2 chiếc xe tải nhỏ đến dọn hết đống rác thải này đi. Ban quản lý công viên cho hay từ mùa hè năm ngoái đã treo biển cảnh báo về việc xả rác nhưng tình hình không cải thiện. Vì thế, sau sự việc năm nay, họ buộc phải treo biển hạn chế người Việt và ra lệnh cấm người Việt sử dụng sân bóng của công viên trong ba tháng, từ tháng 8 đến tháng 11.

"Đây là biện pháp thích hợp để những người khác được sử dụng công viên một cách thoải mái", một quan chức Toyama nói.

1 2 Nguoi Viet Bi Cam Vao Mot Cong Vien Nhat Ban Xau Ho

Người Việt đã tổ chức một giải bóng đá ở công viên Nhật Bản nhưng lại xả rác làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

Và rõ ràng, những tin tức này khiến chúng ta cảm thấy như mình bị… lùn đi dưới con mắt người nước khác.

1 3 Nguoi Viet Bi Cam Vao Mot Cong Vien Nhat Ban Xau Ho

Bài đăng thu hút sự chú ý của nhiều người (ảnh: Chụp màn hình).

Nhập gia tùy tục, đó là câu tục ngữ tiếng Việt rất nổi tiếng, nhưng không phải người Việt Nam nào cũng hiểu và làm theo. Bởi thế nên khi đi ra nước ngoài, nhiều người Việt mang theo cái xấu, cái bệ rạc, nhếch nhác và thói quen ăn ở mất vệ sinh của mình ra nước ngoài. Và những câu chuyện có kết cục thế này là điều dễ hiểu.

Có phải vì chúng ta đã quá coi nhẹ giáo dục con người? Chúng ta luôn hô hào những điều to tát, cao xa thay vì hướng đến những kỹ năng đơn giản, cụ thể như giữ vệ sinh môi trường, không vứt rác bừa bãi? 

Nếu không chú ý những việc nhỏ (mà không hề nhỏ) như là câu chuyện xả rác bừa bãi vô ý thức này, người Việt sẽ mãi mãi tụt lùi so với thế giới văn minh, cho dù trên tay chúng ta là chiếc điện thoại iPhone đời mới nhất.

Bởi một cộng đồng văn minh không phải là những người biết xài đồ hiện đại, sử dụng được các phương tiện máy móc kỹ thuật tiên tiến, đó là một cộng đồng có thái độ sống nhân văn, tôn trọng và bảo vệ môi trường.

Thay vì nói và mơ mộng về những "công to việc lớn", ước mơ khát khao "đội đá vá trời", mỗi bậc cha mẹ người Việt hãy làm được một việc hữu ích và thiết thực nhất, đó là giáo dục con cái mình, và những đứa trẻ khác trong cộng đồng một thói quen văn minh: xả rác đúng nơi đúng chỗ.

Để đừng bao giờ có chúng ta phải rơi vào tình huống xấu hổ: bị cấm vào nơi sinh hoạt công cộng ở nước ngoài, chỉ vì chúng ta là người Việt.

Nguồn: Mi An/ Baodatviet.vn


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000