Không đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết "Tốn bảy tỷ đồng đi du học, lương vẫn ba cọc ba đồng", độc giả Nguyenthigiang1512 cho rằng việc coi du học như một sự đảm bảo cho thành công của nhiều người Việt là một sai lầm:
"Đi du học cũng có trường này, trường kia. Tuỳ thuộc vào chất lượng của ngôi trường bạn theo học là gì mà sẽ quyết định cơ hội thành công của bạn. Tôi cũng đi du học, và gặp một số trường hợp cố gắng đăng ký trường top để học nhưng không theo nổi vì năng lực có hạn.
Thế nên, việc thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và năng lực nữa. Đi du học đã thay đổi suy nghĩ và cách sống của tôi rất nhiều. Quan trọng nhất là đừng nghĩ đến khía cạnh kiếm tiền sau này.
Đi du học còn là trải nghiệm, vốn sống, văn hóa, tiếp cận nền văn minh. Tôi tin chắc một điều rằng ở trong nước sẽ không thể có được những trải nghiệm như vậy. Nên cái nào cũng luôn có ưu và khuyết điểm của nó. Được mở mang nhiều mặt nên những khía cạnh khác của cuộc sống của tôi cũng tốt hơn, thoải mái hơn.
Nhấn mạnh "thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố", bạn đọc Tran Le Tra nói thêm: "Được học trong môi trường tiên tiến chỉ là một trong các yếu tố dẫn tới thành công - nó là bước chuẩn bị ban đầu. Không phải ai du học về cũng thành công cả, nhưng nếu có cơ hội như nhau thì người được đào tạo bài bản trong môi trường giáo dục tiên tiến phần đông thường có khả năng làm việc tốt hơn. Ngoài ra, sinh viên du học được trải nghiệm những điều mà người thành công trong nước không có cơ hội có được, cho dù họ giàu cỡ nào".
Nói về lý do chọn con đường du học cho con cái, bên cạnh những phụ huynh muốn con được học trong môi trường giáo dục tiên tiến, không ít người vẫn mang tâm lý sinh ngoại như: đi du học thì tương lai sáng lạn, dễ kiếm tiền, có cơ hội đổi đời... Nhưng họ không biết rằng, đó là một sai lầm.
Hung Tran Một sai lầm rất lớn của nhiều người Việt là suy nghĩ đơn giản, rằng cứ đi du học là về nước sẽ giàu hơn, sướng hơn. Tôi không nói đến 1% những người siêu giỏi giành được học bổng toàn phần của các trường Đại học danh tiếng tại nước ngoài. Còn 99% còn lại là du học tự túc, thậm chí bỏ tiền ra mua danh hão.
Khi ở Việt Nam, bạn có thể giỏi tiếng Anh hơn những người khác. Nhưng khi qua nước ngoài, vốn tiếng Anh giao tiếp của bạn có khi chỉ bằng một đứa trẻ lớp 1-2. Nhiều người lên lớp nghe giảng như vịt nghe sấm. Có người học trong nước bằng ngôn ngữ mẹ đẻ còn chưa hiểu hết kiến thức, nên khi ra nước ngoài học bằng tiếng Anh, không thể tiếp nhận các kiến thức chuyên môn, xã hội nên dần dần bị stress.
Thêm vào đó, đi du học, ngoài thời gian học ra, đa số du học sinh phải đi làm thêm để trang trải chi phí ăn ở. Về đến nhà, mệt phờ sau một ngày làm việc, không phải ai cũng có thời gian để học bài, luyện bài. Điều này xảy ra với cả những người được coi là học khá, giỏi theo thang điểm khi ở Việt Nam.
Ngay cả khi đã học xong và được ở lại làm việc, bạn cũng chỉ được nhận làm nhân viên bình thường tại nước ngoài, lương đủ sống vậy thôi. Du học nhiều khi chỉ phù hợp với những con nhà có điều kiện, hay về tiếp quản doanh nghiệp của gia đình. Trong khi đó, những người này ra ngoài xã hội nhiều khi khả năng còn thua người học trong nước.
Đó là một sự thật đau lòng khi đi du học mà ít người dám nói thẳng.
Nguồn: VNexpress.net
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000