Sinh viên nước ngoài ngành Dược và quá trình xin việc và học tập tại CHLB Đức

Sinh viên nước ngoài ngành Dược và quá trình xin việc và học tập tại CHLB Đức

Hướng Nghiệp là một điều vô cùng quan trọng đầy áp lực trong cuộc đời của mỗi người, nhất là với phụ huynh chọn ngành cho con cái. Vì nó sẽ ảnh hưởng đến cả một đoạn đường dài trong cuộc sống của mình (hay là con cái mình).

1 1 Sinh Vien Nuoc Ngoai Nganh Duoc Va Qua Trinh Xin Viec Va Hoc Tap Tai Chlb Duc

Giới thiệu Nguyễn Thu Nga Thạc sĩ ngành dược ĐH Semmelweis Hungary Hiện đang làm việc cho một công ty Dược tại Đức và đang tiếp tục học MBA để nuôi dưỡng đam mê

 

Cái khó ở đây là con trai hay bị ảo tưởng “lớn lên mình sẽ làm siêu nhân, thi đua xe” hay những bạn trai nào biết nghĩ xa hơn một chút thì “tớ sẽ làm chủ tịch của một công ty lớn và sẽ kiếm nhiều tiền nhất trên thế gian này”. Với các bạn gái thì lúc còn bé hay thích làm “công chúa lấy hoàng tử tóc vàng”, rồi lớn lên một chút thì “sẽ làm nghề cắt tóc, hay thiết kế thời trang nổi tiếng”, vân vân và vân vân. Tóm lại là thời buổi này, theo suy nghĩ của mình, với trẻ con khi đi học đến khi tốt nghiệp phổ thông, đa số chưa xác định được hướng đi của mình.

Một phần do cuộc sống không còn vất vả như “thời bao cấp của ông bà” nên không phải lo toan nghĩ nhiều về tương lai và kiếm sống. Nhưng một phần quan trọng hơn là nhà trường cũng không “hướng” các em, cũng không quá quan tâm theo dõi các em mạnh ở lĩnh vực nào để tạo điều kiện cho các em phát triển hơn. Mình đã từng học THPT ở trường điểm, top 5 của thủ đô Hungary (St Stephen High School, Budapest). Nhưng cái mình nhìn nhận được là các thầy cô để tự do cho các em lựa chọn. Ai thích thi gì thì đi thi, học gì thì học rồi khi nào có kết quả rồi, đạt được giải rồi thì lần sau mới rủ rê các em thi tiếp, chứ không hẳn là các thầy cô biết sức của các em, rồi tự nhòm để đào tạo chuyên đi thi.

Ngoài ra các em đăng ký vào trường cấp 3 nào đó (hay đúng hơn là phụ huynh đăng ký cho các em), là coi như đã xác định sau này thi đại học khối nào rồi và rất khó để thay đổi. Bởi vậy, hướng nghiệp của mỗi bạn đã được xác định từ trường cấp 3, khi bước vào tuổi 12-14.

Lên 16 tuổi mình lại phải đưa ra quyết định mình sẽ học chuyên môn nào, và sẽ thi vào trường đại học nào. Phải chăng là một điều nặng nề vượt quá sức của đứa 16 tuổi không?

Trừ những bạn lý trí được rèn luyện từ bé, thì có thể vượt qua thử thách này dễ dàng. Nhưng đa số là các bạn nếu tự chọn sẽ chọn sai ngành.

1, theo “hứng” ở thời điểm đó (đâm ra sẽ không học theo được, hay phải bỏ dở, hay chán nên không học hết) .

2, học xong mới nhận ra, đó không phải là ngành đam mê và cái ngành mà sẽ gắn bó với mình suốt cuộc đời (suy ra học xong phí mất mấy năm và cuối cùng cũng không làm trong ngành).

3, còn một phần thì sẽ để cho phụ huynh lựa chọn định mệnh của mình vì bản thân cũng không có ý tưởng nào hay hơn.

Mình thuộc loại nhóm cuối cùng: mình đã đăng ký trường cấp 3 không chuyên khối nào hết, môn nào cũng cứ học đều đều như nhau. Mình có năng khiếu về ngoại ngữ và toán hơn các môn khác, hai môn hóa sinh thì cũng bình thường, văn sửa địa thì ghét thôi rồi luôn :p .Nhưng nếu nghĩ đi nghĩ lại, chả biết với ngoại ngữ và toán thì có thể đi vào ngành nào nữa. Mình đã từng đi dạy thêm môn toán cho các em cấp 1-2, cũng đã từng đi phiên dịch cho những người Việt Nam đang ở Hungary, nhưng suy cho cùng, hai ngành này đối với mình không đủ chắc chắn. Vậy thì nên chọn ngành gì nhỉ?

Mình đã chọn ngành y dược – theo định hướng của người nhà vì bản thân gia đình mình cũng có nhiều người làm bác sỹ. Mình đã đỗ đại học với một số điểm khá là cao, trong quá trình học đại học cũng không bị mất năm nào, và giờ đã đi làm rồi. Nhưng đến tận bây giờ mình vẫn không cảm nhận đó là đam mê của mình. Và mình phải nói thật rằng : ở Đức mình mới càng ngày càng cảm nhận điều đó rõ ràng hơn.

Không biết với các bạn thì thế nào, nhưng với mình khi lớn rồi thích hay không thích có lẽ không còn quan trọng bằng kiếm tiền lo cuộc sống nữa. Đôi khi phải thực tế một chút và gạt bỏ đam mê (tạm thời) sang một bên đã. Khi nào có điều kiện hay cơ hội sẽ quay lại sau. Tất nhiên con người sẽ phát triển tốt nhất và cũng chỉ hết lòng với nó khi làm một công việc yêu thích. Nếu bạn là người may mắn và được làm những gì bạn thích thì không có gì tuyệt vời bằng. Với mình thì trước mắt làm tạm một công việc không quá yêu nhưng cũng không ghét đã, rồi sau này tính tiếp ????

Làm việc ở đâu?

Học xong, mình đã xác định sẽ sang Đức/Anh/Mỹ làm rồi, chứ không thể ở lại Hung được. Lý do rất đơn giản: muốn một trải nghiệm mới, muốn thử thách bản thân và mình cũng không muốn ở lại Hungary vì kinh tế chính trị ở Hungary không được ổn định cho lắm. Vậy nên nhận bằng đại học xong hôm sau mình đã lên tầu sang Đức tham khảo và học tiếng một tháng hè. Mình vừa học tiếng vừa tham khảo cuộc sống bên này và luôn so sánh với ở Hung. Mình cũng đã từng loanh quanh vào vài hiệu thuốc ngó nghiêng nữa. Nhưng lúc đó mình chưa giỏi tiếng và cũng chưa biết làm thế nào để xin được sang bên này. Mình có quen hai bạn học cùng ngành với mình ở Đức nhưng thực tế là các bạn ý chưa đi làm và cũng không thể giúp mình đi xin việc được. Mình cũng có hỏi mấy người rằng sang bên này tìm việc làm có khó không? đều nhận được câu trả lời là “xã hội sẽ không để em chết đói đâu”. Vậy cũng yên tâm phần nào! Cơ mà chưa xin được việc, chưa hiểu biết về xã hội mà mới sang nữa, không cẩn thận cũng chết đói như chơi ý chứ.

Tìm việc

Sau một tháng “chơi bời” ở Đức mình lại quay lại Hung và quyết định đi xin việc ở Hung đã, mặc dù trong lòng vẫn muốn đi nước ngoài làm. Và trong thời gian đi làm, khi rảnh lại tìm hiểu thêm về đường sang nước ngoài. Mình thấy ở Hung (và có lẽ ở Việt Nam cũng vậy) đại học không có quá nhiều mối quan hệ với các công ty lớn (ở ngoài nước và ở cả trong nước) để giúp đỡ sinh viên tìm việc. Trong khi các nước Anh/Mỹ thì ngược lại, luôn có những quảng cáo học bổng và việc làm. Hoặc thậm chí các công ty lớn tự mò đến trường đại học rước các bạn giỏi đi.

Mình lên mạng tìm các trang kiếm việc làm . Mua báo, gọi điện, viết mail gửi CV được ba tuần. Đi phỏng vấn nhiều nơi, cuối cùng cũng tìm được nơi làm việc ở Hung (nhưng chỉ là để lấp chỗ trống!). Trong quá trình tìm việc thì mình cũng thấy một vài trang quảng cáo việc ở Đức và Anh.

Nói thật là mình thích đi Mỹ nhất, vì mình đã từng thực tập ở một trường Đại học ở Mỹ – Ohio, và cảm thấy môi trường bên đó phù hợp với mình nhất. Nhưng bằng đại học dược ở Châu Âu đa số sẽ không được chấp nhận ở Mỹ! Mình viết mail hỏi giáo sư hướng giẫn đề tài ở bên Mỹ của mình thì ông cũng nói vậy. Nếu muốn đi Mỹ coi như sẽ mất một khoảng thời gian rất dài để học lại hay thi lại chuyên nghành dược …

Mình cũng đơn giản: khi thấy quảng cáo tìm người làm ở trang công ty nào thì tự apply CV và chờ đợi thôi. Phỏng vấn cũng có nhiều hình thức: Skype, gọi điện hay có những công ty để ý CV của mình sẽ mời mình sang phỏng vấn trực tiếp ở Đức. Nếu mình gặp may hay khéo léo thậm chí họ sẽ trả phí đi lại, vé máy bay và khách sạn cho mình nữa.

Các bạn có thể tìm các công ty lớn ở lĩnh vực của mình. Lên các trang website của họ kiểu gì cũng sẽ có nơi đăng tìm người làm hay thậm chí các bạn cũng có thể apply xin những suất học bổng hay internship, khi mình làm cho họ rồi sẽ dễ xin ở lại làm chính thức hơn.

Tìm việc qua các công ty trung gian (môi giới)

Ngoài ra mình có một hướng khác nữa là tìm môi giới xin việc cho mình. Kiểu này thì “nhàn” hơn rất nhiều vì họ có sẵn các mối quan hệ rồi. Nhưng ngược lại, mình cũng phải trả giá cho họ. Khi các bạn tìm công việc qua môi giới phải đọc thật kỹ hợp đồng: môi giới sẽ lấy tiền phí của mình, sẽ được ăn % theo lương mình được trả hay sẽ được sếp thanh toán nhé!

Khi nhờ họ tìm việc thì mình có những lợi thế như sau:

– Không phải tìm nơi làm mà chỉ cần bảo mình thích làm ở đâu, công việc như thế nào thì họ sẽ tìm việc phù hợp cho mình. – Họ sẽ giúp đỡ làm giấy tờ. Và những gì mình mất vì họ: – Xét cho cùng thì mình cũng mất vài ngàn Euro (theo hình thức như thế nào thì theo hợp đồng. Có khi mình chả biết mình bị mất bao nhiêu vì sếp sẽ trừ lương của mình trước đó và chỉ nhận được tiền Netto (tiền cầm tay sau khi đã trừ thuế)) và họ lấy thêm tiền công khi làm giấy tờ (mặc dù giấy tờ mình phải tự lo đầy đủ, họ chỉ nói mình phải xin những giấy gì và nộp hộ mình ở bên này khi đã đủ hết chứ đâu phải họ đi lo hết cho mình). Trong trường hợp của riêng mình số tiền này đã là gần 5000Euro. – Xin được việc cho mình là công việc kiếm sống của họ. Họ “đẩy mình đi” càng nhanh chóng, họ càng nhận được tiền sớm hơn, nên nhiều khi họ sẽ không thực sự thật thà và hết lòng với mình. Mình cũng nên chuẩn bị tinh thần và không mong đợi điều đó.

Mình đã từng được một Angebot: đi làm Vollzeit mà lương trong 3 tháng đầu có 600Euro, 3 tháng sau đó là 800Euro. Có bằng Master mà lương không bằng sinh viên đi thực tập chưa ra trường !:)))

Mình hỏi ông môi giới có nên nhận việc này không? Vì không hiểu giá cả bên Đức và sợ sẽ không tìm được việc tốt hơn, và ông cũng chỉ nói: cái đó mày phải tự biết nếu mày không hài lòng thì có thể đợi thêm, tìm thêm. – Khi đẩy mình đi rồi, nhận được tiền rồi thì họ cũng không còn mặn mà với mình nữa, không còn giúp đỡ tìm nhà, đi lại nữa… – Sự ràng buộc: Tức là họ bắt mình ký hợp đồng với họ, coi như mình là người “của họ”. Nếu xin được việc khác hay không làm theo hợp đồng là lại phải đền hại cho họ. Ngoài ra họ có thể quy định mình phải làm ở một công ty họ tìm cho mình thời gian thối thiểu là bao lâu nữa. Và đương nhiên, nếu mình vi phạm thì lại bị phạt tiền. Theo suy nghĩ của cá nhân mình thì: Nếu ai ở Đức, chịu khó tìm tòi một thời gian kiểu gì cũng xin được việc. Vì hiện giờ Đức vẫn thừa việc, nhiều người già và thiếu thế hệ trẻ. Nên không nhất thiết phải qua môi giới. Cuối cùng bản thân mình cùng xin việc qua môi giới, nhưng bởi vì hồi đó mình ở Hung và như vậy có lẽ nhanh hơn. Nếu giờ tìm việc mới mình nghĩ nhiều khả năng mình sẽ không thông qua mối giới nữa. Với giấy tờ EU mình đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian; không phải xin phép lao động ở Đức. Nhưng mặc dù bằng đại học của mình có cả tiếng Anh, sang đây vẫn phải đổi bằng. Bên này họ gọi là Approbation. Thời gian để làm xong Approbation mình đã mất khoảng một tháng tới tháng rưỡi. Điều rất quan trọng nhất là phải có bằng ngoại ngữ.

Còn một điều nên lưu ý nữa là: khi đi xin việc (không phải nơi nào cũng vậy, nhưng đa số, nhất là các công ty nhỏ) người nước ngoài dễ bị trả ít lương hơn so với người Đức và luôn bị phân biệt mình là người nước ngoài. Người Đức không dễ dàng thực sự coi mình như họ đâu. Có thể bên ngoài họ không tỏ thái độ nhưng bên trong sẽ có một sự đố kị. Có những công ty sẽ ưu tiên người Đức hơn nhưng ngược lại cũng sẽ có công ty sẽ nhận nhiều người nước ngoài hơn, và bạn biết vì sao không? Chính vì lý do trên đó: vì họ phải trả lương cho người nước ngoài ít hơn. Vì với người nước ngoài số lương họ trả đã cao hơn số tiền họ có thể kiếm được ở nước họ rồi.

Trên đây là những chia sẻ của mình, mọi thứ mới chỉ là bắt đầu. Mình vẫn còn bỡ ngỡ và chỉ là “một con tôm, cái tép” so với nhiều người khác. Và lại mới sang được đến thời điểm này là hơn một năm nên có thể chưa cảm nhận hết cuộc sống bên này được. Tương lai sau này mình cũng mong sẽ gặp được may mắn và kiếm được công việc nào có thể phát triển hơn, nếu có cơ hội thì sẽ làm được gì đó của riêng mình.

Rất mong được gặp và học hỏi kinh nghiệm các bạn đang đi trước mình. Biết đâu có duyên và một ngày nào đó có thể hợp tác, vì ưu điểm của mình là thích làm trong team hơn là làm mọi thứ một mình.

nguyenthunga

Nguồn tin: http://career.sividuc.org


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000