Theo đuổi đam mê hay theo những gì mình giỏi?

Phát biểu của chị Lê Diệp Kiều Trang tại buổi lễ khai giảng Trường ĐH Fulbright Việt Nam vừa qua đang gây ra nhiều tranh luận khi cho rằng đừng theo đuổi đam mê mà nên theo những gì mình giỏi nhất.

1 1 Theo Duoi Dam Me Hay Theo Nhung Gi Minh Gioi

© Ảnh:CEO Lê Diệp Kiều Trang phát biểu tại lễ khai giảng của Trường ĐH Fulbright Việt Nam - Đăng Nguyên

Chị Lê Diệp Kiều Trang đã có phát biểu như thế tại lễ khai giảng Trường ĐH Fulbright Việt Nam cuối tuần qua. Tại đây, chị Kiều Trang nêu quan điểm: "Đừng theo đuổi đam mê của mình. Trái với những lời khuyên sinh viên thường nghe, tôi tin rằng mình nên theo đuổi những gì mình giỏi và khi mình giỏi, mình sẽ dễ trở nên đam mê hơn...

Hơi lạ thường?

Trên trang Facebook cá nhân, tiến sĩ Phạm Thị Ly, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, cho rằng phát biểu này có vẻ lạ thường, vì xưa nay người ta thường khuyên người trẻ theo đuổi đam mê, chứ ít ai nói ngược lại. Theo tiến sĩ Ly, với quan điểm này thì sẽ có người đặt câu hỏi: "Thế nào là "giỏi"? Có cách nào đánh giá đúng mình "giỏi" cái gì không? Giỏi mà không đam mê thì có giỏi đến hết khả năng được không? Và nếu "giỏi" và do đó "thành công" tuy không đam mê, thì có hạnh phúc không?"

 

Bà Ly cũng đặt thêm câu hỏi là liệu khi đã thực sự đam mê, thì người ta có thể khám phá những khả năng mới của chính mình mà trước đây mình không ngờ tới hay không? Và trên hết là đam mê là một phần quan trọng của sự lãng mạn. Lãng mạn có nhất thiết đối lập với thực dụng, thực tế hay không? 

Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân, cho rằng quan điểm như trên cũng có thể lý giải theo cách đơn giản cho sinh viên dễ hiểu. Giống như chọn người yêu, người mình thích nhất chưa chắc là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, việc này cũng ở mức độ tương đối. Đó là dù không chọn người thích nhất nhưng chắc chắn không thể lấy người ghét được. Không chọn nghề đam mê nhất nhưng không thể chọn nghề mình ghét. 

 

Nhiều người không biết đam mê của mình

Tiến sĩ Nguyễn Lương Quang, ĐH McMaster, Canada, cho biết có nhiều người không biết họ muốn gì trong một thời điểm nào đó, thay vì nằm vắt tay lên trán suy nghĩ tìm đam mê của mình thì nên chăng là làm việc gì đó mà mình giỏi và có khả năng? Từ những công việc nhỏ mà mình giỏi sẽ bật ra những ý tưởng mới. Nhiều bạn trẻ quen với việc chờ cơ hội và than vãn nên lời khuyên này rất có ích vì nó khuyến khích họ bắt tay vào làm ngay lập tức. Quan điểm này cũng giúp cho các nhóm làm việc hiệu quả hơn. Thay vì mỗi người ngồi chờ tìm ra được đam mê của mình và thực hiện nó, nên chăng họ tìm ra điểm mạnh của mình và hỗ trợ lẫn nhau. Trong quá trình va chạm thực tế, cơ hội để nhìn thấy đam mê thực sự của mình sẽ lớn hơn và kinh nghiệm cọ xát cũng giúp suy nghĩ của mình chín chắn hơn và tự điều chỉnh tốt hơn.

Tiến sĩ Quang cho rằng theo đuổi đam mê luôn là điều tốt nhưng khó áp dụng cho số đông. Còn đối với số đông, đặc biệt là các bạn trẻ bình thường không có khả năng nổi trội, họ đã biết đam mê của mình là gì đâu mà khuyên họ theo đuổi đam mê? Và liệu đam mê đó có lành mạnh và có khả năng thực hiện hay không? "Nhiều bạn trẻ suy nghĩ cao xa và chỉ biết em muốn chứ không biết em giỏi cái gì và phải làm cái gì để hiện thực hóa điều em muốn. Nhiều em có đam mê làm cầu thủ bóng đá hay ca sĩ, nhưng có bao nhiêu em có tố chất và bỏ đủ thời gian để luyện tập?", tiến sĩ Quang nhận xét.

Đam mê, thứ mình giỏi và nhu cầu xã hội

Trần Thanh Thảo (sinh viên năm 2, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), cho biết sẽ chọn ngành học và theo đuổi đam mê. Lý do là khi làm việc mình thích thì sẽ không ngại khó khăn. Và nếu theo đam mê sẽ không có chuyện "xin chuyển ngành" khi đang học. Yếu tố đam mê sẽ quyết định thành công trong công việc mà mình lựa chọn. Nếu vẫn chưa thành công thì cần tự hỏi lại mình là đã thực sự đam mê và cố gắng chưa.

Trong khi đó, Nguyễn Quỳnh Thu, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, cho biết không chọn lựa theo cách nghiêng hẳn về một phía. 

"Em thích chọn lựa theo cách 3 vòng tròn: đam mê, thứ mình giỏi (sở trường) và nhu cầu xã hội. Chọn lựa làm sao 3 vòng tròn này gặp nhau là tốt nhất", Quỳnh Thu cho biết.

 

Nguồn: Báo Thanh Niên


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000